Phóng viên đã có cuộc trao đổi với BS. Hoàng Phương Thúy (bệnh viện Đa khoa Thái Bình) đưa ra những cảnh báo và lời khuyên hữu ích.
PV: Thưa BS, khoảng 2 tháng trở lại đây, số bệnh nhân mắc sởi đưa vào các bệnh viện tăng mạnh, chủ yếu là trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đủ số mũi. BS nghĩ sao về điều này?
BS. Hoàng Phương Thúy: Theo thông báo của cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), từ năm 2018 đến nay cả nước ghi nhận hơn 2.300 trường hợp sốt phát ban tại 49 tỉnh, thành phố, trong đó có 954 trường hợp mắc sởi dương tính tại 37 tỉnh, thành phố. Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 83% số trẻ không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắc-xin sởi.
Sởi thường bùng phát mạnh vào mùa đông-xuân, tuy nhiên năm nay sởi vẫn xuất hiện từ đầu năm dẫn đến số trẻ mắc sởi phải nhập viện tăng mạnh và chủ yếu ở các trẻ chưa được tiêm chủng.
PV: Sai lầm đầu tiên cũng là vấn đề thường gặp của bố mẹ khi nghi con trẻ mắc bệnh sởi là gì?
BS. Hoàng Phương Thúy: Sai lầm đầu tiên của cha mẹ là khi thấy con bị bệnh sởi, họ thường lo lắng tìm mọi cách đưa con vào nhập viện khiến tình trạng bệnh nhi tăng lên. Đây thực sự là hành động chưa đúng của cha mẹ khi đang hoang mang về nguy cơ dịch sởi. Tâm lý nôn nóng của nhiều bậc phụ huynh khiến con mình có thể nhiễm sởi thật khi đưa con đến những nơi đông người. Điều này dẫn đến lây chéo, có trẻ bị suy dinh dưỡng nên khi mắc sởi rất dễ bị biến chứng do sức đề kháng kém.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh chưa ý thức được, nguyên nhân sâu xa khiến trẻ mắc phải là do bố mẹ chủ quan, không cho trẻ đi chích ngừa hoặc có cho con đi tiêm nhưng lại không đủ số mũi, thường là quên các mũi nhắc lại.
Nhiều sai lầm của cha mẹ khi không cho con đi tiêm phòng sởi.
PV: Vậy những sai lầm cơ bản nào mà phụ huynh hay mắc phải khi biết con trẻ nhiễm sởi gây nguy hiểm thế nào?
BS. Hoàng Phương Thúy: Như đã nói ở trên, sai lầm đầu tiên của bố mẹ là khi con bị sởi lại đưa trẻ ra ngoài gió đến phòng khám hoặc bệnh viện. Trên đường đi, trẻ có thể bị bội nhiễm, gió lạnh gây viêm hô hấp... Bệnh viện đã từng tiếp nhận cháu bé chỉ bị sốt thông thường, khi con hạ sốt nhiều mồ hôi, bố mẹ cởi phanh áo con ra sau đó trẻ bị cảm lạnh và viêm hô hấp. Khi viêm hô hấp, cha mẹ lại đưa con đến bệnh viện thì bị lây chéo sởi.
Phụ huynh nhiều khi chưa ý thức được rằng, nguyên nhân một phần cũng từ bản thân không cho con đi tiêm phòng ngừa đầy đủ dẫn đến nguy cơ mắc sởi cao hơn. Đặc biệt, một khi trẻ đã mắc sởi thì rất dễ mắc các bệnh kèm theo như viêm phổi do sức đề kháng bị giảm. Mắc sởi làm suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc các biến chứng như viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng, người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác.
Trẻ không được đi tiêm phòng sởi sẽ không có miễn dịch, tỉ lệ mắc phải là 100% khi tiếp xúc với virus sởi. Do bệnh này rất dễ lây lan qua đường hô hấp, bùng phát thành dịch nên việc tiêm phòng cho trẻ sẽ giúp tạo hệ miễn dịch ở cơ thể, có thể phòng bệnh tốt. Nếu giả sử có 100 đứa trẻ đi tiêm phòng thì xác suất 1 trẻ mắc phải tai biến do tiêm vắc-xin, 99 trẻ còn lại ít có nguy cơ mắc sởi hơn. Nhưng 100 trẻ không đi tiêm phòng thì có thể 100 trẻ mắc sởi và nguy hiểm hơn là tạo thành ổ dịch, nặng hơn trẻ có thể bị tử vong.
PV: Lo ngại vấn đề sức khỏe hoặc xảy ra biến chứng, nhiều bậc phụ huynh đã trì hoãn hoặc không cho con đi tiêm chủng theo lịch, không cho con tiêm đủ số mũi vắc-xin theo khuyến cáo. Quan điểm của BS về việc làm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại này?
BS. Hoàng Phương Thúy: Hiện nay, một số bộ phận phụ huynh có quan niệm không cho con em đi tiêm phòng vắc-xin hoặc nếu đi tiêm thì sẽ tìm đến các loại vắc-xin dịch vụ, vô hình trung kéo dài thời gian trẻ không được bảo vệ. Chính những trẻ không được bảo vệ này vô tình trở thành "cầu nối" mang bệnh đến cho những trẻ bé hơn. Việc tiêm vắc-xin muộn hơn so với khuyến cáo cũng có thể làm khả năng miễn dịch giảm.
Trong tiêm chủng thì tiêm đầy đủ và đúng lịch rất quan trọng bởi nó tạo được miễn dịch kịp thời cho các cháu để phòng bệnh. Nếu cha mẹ trì hoãn, trẻ không được bảo vệ và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do tiêm chủng chậm. Bên cạnh đó, một số bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng còn vì những lý do như sợ phản ứng tiêu cực sau tiêm, sợ trẻ ốm hoặc mắc các bệnh khác như sốt, ho, viêm phổi dẫn đến mất cơ hội tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ lại không cho trẻ tiêm bù lại ngay và dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng. Đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
PV: Việc phụ huynh không cho trẻ đi tiêm phòng ngừa sởi hay quên mũi tiêm, tiêm không đúng lịch sẽ xảy ra những bất cập như thế nào?
BS. Hoàng Phương Thúy: Lịch tiêm chủng không mang tính ngẫu nhiên, càng không phải tiêm lúc nào cũng được. Trên thực tế, lịch tiêm được lập ra dựa vào kết quả vô số nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm nhằm tìm được ở độ tuổi nào, trẻ có phản ứng miễn dịch tối ưu và có mức bảo vệ tốt nhất; cũng như ở độ tuổi nào trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong nhất khi mắc một trong những bệnh có thể chủng ngừa.
Hiện nay ở nước ta, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh sẽ là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.