Những hiểm họa đe dọa “túi giống” của đàn ông

Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ cơ quan sinh dục và khả năng sinh sản của bản thân, nam giới cần phải có thói quen kiểm tra cặp tinh hoàn của họ một lần mỗi tháng nhằm phát hiện sớm những biểu hiện bất thường.

Những hiểm họa đe dọa “túi giống” của đàn ông

Các tinh hoàn còn được coi là "túi giống" của đấng mày râu, vì ngoài việc tạo ra hormone nam tính testosterone, chúng còn làm nhiệm vụ sản xuất tinh binh, khoảng 100 triệu/lần xuất tinh.

Theo các chuyên gia, cặp tinh hoàn của quý ông được coi là bình thường khi chúng duy trì được kết cấu như trứng luộc lòng đào và hình dạng với một bên thường lớn hơn, đồng thời nằm thấp hơn bên kia. Bất cứ điều gì lạ, khác biệt với tình trạng này có thể là dấu hiệu cho thấy sự bất thường và thậm chí trục trặc nghiêm trọng đối với "túi giống" của họ.

Vì vậy, cánh mày râu nên có thói quen kiểm tra tình trạng tinh hoàn 1 lần mỗi tháng, đặc biệt là sau khi tắm khi lớp da bao quanh chúng được kéo giãn, như lời khuyên Phil Morris, người đã chữa trị khỏi bệnh ung thư tinh hoàn và là sáng lập viên trang web checkemlads.com.

Dưới đây là những hiểm họa nghiêm trọng đe dọa "túi giống" của đàn ông:

U nang

Biểu hiện và triệu chứng:Khối u chứa đầy dịch mềm, có thể được sờ thấy tách biệt khỏi tinh hoàn. Nó có thể gây đau và làm "túi giống" bị sưng phồng.

Theo các chuyên gia, 1/3 đàn ông trên thế giới, chủ yếu ở độ tuổi trung niên, phát triển các u nang trên tinh hoàn. Chúng thường hình thành quanh mào tinh hoàn và có thể bắt nguồn từ sự tắc nghẽn ở vùng này. Các u nang này nhìn chung vô hại, trừ khi chúng gây ra sự khó chịu hoặc đau đớn và sưng phồng do viêm nhiễm.

Cách chữa trị:Các bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh u nang tinh hoàn thông qua kiểm tra đơn giản bằng chiếu đèn hoặc siêu âm. Các u nang kiểu này không tự mất đi, nhưng có thể được loại bỏ dễ dàng thông qua phẫu thuật. Dẫu vậy, nếu u nang tinh hoàn không gây khó chịu, các bác sĩ thường khuyên "khổ chủ" để mặc chúng.

Ung thư tinh hoàn

Biểu hiện và triệu chứng: Một khối u cứng ở trước hoặc mặt bên tinh hoàn; một tinh hoàn bị sưng phồng hoặc to khác thường; tinh hoàn tăng độ cứng chắc; đau hoặc khó chịu ở một tinh hoàn hoặc phần bìu; cảm giác nặng ở bìu và đau nhức nhối ở bụng dưới, háng hoặc vùng bìu.

Đây được coi là một căn bệnh ung thư hiếm gặp, với 85% ca bệnh được chẩn đoán ở các nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. Những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh này là nam giới có một tinh hoàn vẫn ở vị trí như còn trong bào thai, không xuống bìu hoặc có bố hoặc anh/em trai cũng bị bệnh này. Nam giới vô sinh cũng tăng gấp 3 lần nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn, dù các bác sĩ hiện vẫn chưa biết tại sao.

Cách chữa trị: Việc phát hiện ung thư tinh hoàn qua thăm khám chuyên khoa càng sớm, càng tốt. Bước đầu tiên sau khi phát hiện bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ bên tinh hoàn bị ảnh hưởng. Đối với ung thư giai đoạn sớm, việc chữa trị tiếp sau đó thường bao gồm một chu trình hóa trị liệu. Đối với ung thư ở giai đoạn tiến triển, các bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ các u bạch huyết bao quanh tinh hoàn. Đối với ung thư ở giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ trải qua phẫu thuật loại bỏ các khối u ở những vùng khác trên cơ thể.

Việc loại bỏ một bên tinh hoàn không ảnh hưởng tới khả năng "lâm trận" hoặc sinh sản của quý ông. Tuy nhiên, nếu người đàn ông bị cắt bỏ cả cặp "túi giống", anh ta sẽ cần phải dùng bổ sung testosterone, do cơ thể ngưng sản sinh ra hoóc môn sinh dục này.

Quá trình hóa trị và đôi khi xạ trị có thể gây vô sinh, nên hầu hết các bệnh nhân được khuyên lưu trữ tinh trùng trước khi trải qua các bước chữa trị như vậy.

Xoắn tinh hoàn

Biểu hiện và triệu chứng: Các cơn đau tinh hoàn đột ngột.

Đây là một rối loạn hiếm gặp, thường tấn công các chàng trai vị thành niên, phổ biến nhất quanh thời điểm dậy thì. Vấn đề thường bắt nguồn từ một hoạt động thể chất hoặc thể thao, khi mô bao quanh các tinh hoàn không còn kết nối vũng chắc với phần bìu. Nếu tinh hoàn bị bện xoắn, nó sẽ kéo dây chằng túi tinh, một bó sợi và mô chạy từ bên trong bụng tới tinh hoàn để cung cấp máu cho nó. Nếu tình trạng không được sớm khắc phục, nó sẽ ngăn chặn luân chuyển máu, khiến tinh hoàn "bị chết" sau khoảng 6 tiếng đồng hồ, buộc "khổ chủ" phải cắt bỏ nó.

Cách chữa trị: Bệnh nhân cần trải qua phẫu thuật khẩn cấp để gỡ xoắn tinh hoàn, thông qua một vết cắt nhỏ trên da bìu.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ