Trong nỗ lực dành cho con cái tình yêu bất diệt, một số cha mẹ có xu hướng lạm dụng nó đến mức cuối cùng bọn trẻ được nuông chiều hơn là được yêu thương.
Kết quả của những hành động như vậy là một đứa trẻ cư xử như một 'ông vua con', luôn cần cha mẹ phục tùng.
Nói cách khác, nuông chiều quá mức khiến một đứa trẻ hư hỏng và cuối cùng sẽ trở thành một người lớn thiếu hiểu biết với những hành vi khó chịu như ích kỷ, tham lam và trong một số trường hợp là nổi cơn thịnh nộ cùng những hành vi đáng khinh bỉ khác.
Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải có biện pháp phù hợp để tránh những tình huống khiến con cái hư hỏng, trở thành kẻ thù của nhiều người trong xã hội.
Trong trường hợp không có biện pháp thích hợp và nếu đứa trẻ trở nên hư hỏng thì cha mẹ cần có cách xử lý thích đáng. Điều này đòi hỏi phải thay đổi tính cách ngay từ khi còn nhỏ trước khi bước vào tuổi trưởng thành.
Một trong những lý do khiến nhiều bậc cha mẹ vô tình làm hư con mình là do bản năng thôi thúc họ luôn cố gắng làm hài lòng con bằng cách tặng quà và khen thưởng hầu như mỗi ngày.
Hành vi này phổ biến đến mức bọn trẻ bắt đầu tin rằng chúng có quyền được nhận những món quà đó. Trái lại, việc cha mẹ không tặng quà sẽ dẫn đến nổi cơn thịnh nộ, hờn dỗi và bất mãn tột bậc.
Các bậc cha mẹ, trong nỗ lực thể hiện tình yêu thương với con cái của mình, cuối cùng đã nuông chiều và khắc sâu niềm tin rằng những món quà là... lẽ dĩ nhiên.
Tuy nhiên, để nuôi dạy một đứa trẻ nhận được sự tôn trọng của xã hội ở hiện tại và trong tương lai, điều quan trọng là các bậc cha mẹ phải đảo ngược xu hướng này ở những đứa trẻ hư hỏng bằng cách bắt chúng phải tự kiếm những món quà đó.
Quà tặng phải là phần thưởng cho việc hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hoặc cho hành vi tốt. Điều này sẽ loại bỏ thái độ đòi quyền lợi phổ biến ở những đứa trẻ hư hỏng và khắc sâu vào chúng tinh thần làm việc chăm chỉ sẽ được khen thưởng, từ đó mang lại cảm giác tự hào không chỉ cho đứa trẻ mà còn cho cả cha mẹ.
Hơn nữa, các bậc cha mẹ đang nuôi dạy những đứa con hư hỏng nên học cách đưa ra hình phạt thích đáng cho bất kỳ hành vi sai trái nào.
Những đứa trẻ đủ lớn để được chiều chuộng cũng có thể tự chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình, vì vậy cha mẹ nên chuẩn bị trước cho việc trừng phạt để không làm chệch đi mục đích và hiệu quả của hình phạt.
Nuôi dạy một đứa trẻ hư là một thử thách, đôi khi đòi hỏi sự hy sinh to lớn vì tương lai của đứa trẻ. Vì vậy, cha mẹ có thể buộc phải cho đi hoặc thậm chí tiêu hủy những món quà đắt tiền như trò chơi điện tử mà con đang... nghiện.
Điều này sẽ giúp thu hút sự chú ý của trẻ về mức độ nghiêm túc của cha mẹ và nhiệm vụ trước mắt, đồng thời khiến trẻ xem xét lại các ưu tiên khác của mình trong cuộc sống.
Hầu hết trẻ em và đặc biệt là những đứa trẻ hư đều cảm thấy nhàm chán khi cha mẹ nói quá nhiều. Vì vậy, cha mẹ nên nói ít và hành động nhiều hơn.
Những đứa trẻ hư hỏng luôn có tính tham lam, do đó cha mẹ nên dạy chúng tầm quan trọng của hành động cho đi bằng cách đưa chúng đến các sự kiện, hoạt động từ thiện và đảm bảo rằng chúng tham gia những sự kiện đó.
Nói chung, cha mẹ có con hư nên thể hiện tình yêu thương cứng rắn với con để mang lại cho chúng một tương lai tốt đẹp hơn.
Phải yêu thương chúng thật nhiều để trừng phạt chúng thật nghiêm khắc, thích đáng, đồng thời khen thưởng chúng thật hậu hĩnh. Suy cho cùng, cha mẹ nên học cách phân biệt giữa yêu thương, cho đi và nuông chiều khi nuôi dạy con.