Phụ huynh cần cho trẻ biết bản thân bé có thể tự làm việc phù hợp với lứa tuổi mà không phụ thuộc vào người lớn như lựa chọn trang phục hay món đồ chơi.
Khi dạy trẻ biết lựa chọn, cha mẹ cũng cần lưu ý giới hạn các tùy chọn cho bé. Như vậy, trẻ sẽ không cảm thấy “choáng ngợp” khi đứng giữa các sự lựa chọn.
“Bước đệm” của sự tự lập
Bàn về quyền lựa chọn, nhà tâm lý học Winnicott (người Mỹ) từng nói: “Mỗi đứa trẻ đều có ngọn lửa đam mê để tồn tại và phát triển”. Một số cha mẹ biết cách giúp con duy trì ngọn lửa ấy. Song, không ít người lại dập tắt đi ngọn lửa đam mê trong con.
Theo nhiều nghiên cứu tâm lý, những đứa trẻ bị tước đoạt quyền lựa chọn thường có 2 tính cách trái ngược: Một kiểu sẽ ngoan ngoãn chấp thuận, nhu nhược nghe theo; kiểu còn lại thì nổi loạn, chống đối.
Đứa trẻ nhu nhược luôn dựa vào cha mẹ trong mọi việc thường mất đi khả năng tự lập, khó thành công trong cuộc sống. Còn đứa trẻ nổi loạn làm mọi việc theo ý thích mà không nghĩ tới hậu quả. Bởi, trẻ muốn chứng minh với mọi người rằng, mình có nhận thức độc lập. Đây đều là hai hướng phát triển độc hại mà cha mẹ cần lưu ý khi giáo dục trẻ.
Nếu không có quyền lựa chọn cuộc sống của mình, trẻ sẽ thấy mọi thứ xung quanh đều là kết quả của những suy nghĩ, mong đợi từ người khác. Trẻ thấy mình tồn tại không có giá trị, không được tôn trọng. Ngược lại, nếu trẻ được đưa ra quyết định thì dù kết quả ra sao, trẻ cũng rất vui vì được tôn trọng.
Tất nhiên trong quá trình trẻ lựa chọn, cha mẹ cần đưa ra lời khuyên ở mức độ vừa phải để trẻ có thể đi đúng hướng.
Theo các chuyên gia, dạy con biết lựa chọn và chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình chính là định hướng cho trẻ biết tự lập và đưa ra quyết định trong tương lai. Song, không ít phụ huynh đặt câu hỏi rằng, khi nào là thời điểm thích hợp để tạo cơ hội cho trẻ biết lựa chọn và quyết định? Lứa tuổi mầm non có cần thiết tạo cơ hội cho trẻ lựa chọn? Dạy trẻ lựa chọn và đưa ra quyết định như thế nào là đúng?
Phụ huynh không nên đưa ra quá nhiều phương án cho một lựa chọn. Ảnh minh họa. |
Bin (4 tuổi) sống trong một gia đình khá giả tại Ba Đình (Hà Nội). Cậu luôn được người thân quan tâm, yêu thương, đặc biệt là bố. Vừa qua, vào dịp sinh nhật cậu bé tròn 4 tuổi, anh Đức Anh - bố Bin, gợi ý: “Con muốn được tổ chức sinh nhật ở đâu? Ở nhà hàng hay nhà?”. Cậu bé suy nghĩ và phân vân nói với bố: “Con muốn tổ chức sinh nhật cả 2 nơi, được không ạ?”.
Anh Đức Anh chia sẻ, trước câu hỏi này của con trai, anh đã yêu cầu Bin lấy giúp mình hai cái ghế. Khi Bin mang hai cái ghế ra, anh Đức Anh nói: “Con có thể ngồi cùng lúc hai cái ghế không? Con thấy đấy, nếu để hai cái ghế cách nhau, không thể ngồi trên cả hai cái. Bởi, nếu làm vậy, rất có thể con sẽ bị ngã ở khoảng trống giữa hai cái ghế”.
Sau câu chuyện về hai cái ghế, anh Đức Anh cũng thường xuyên nhắc nhở con về việc cân nhắc khi lựa chọn. Đồng thời, cần có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
Trái với cách dạy con của anh Đức Anh, vợ chồng chị Hoài Lam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại không để con tự lựa chọn, dù là điều nhỏ nhất. Gia đình chị Lam luôn bao bọc, yêu thương và cố gắng dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con trai, từ việc chọn cho bé đôi giày, quần áo, đến môn học năng khiếu…
Ngay từ khi con còn nhỏ, chị Lam chưa bao giờ để cậu bé phải tự quyết định hay lựa chọn cái gì. Bây giờ, dù đã lên cấp 2, nhưng cậu cũng không tự quyết định được nhiều chuyện. Cậu cũng luôn cảm thấy khó khăn khi phải lựa chọn hoặc quyết định một vấn đề nào đó.
Có thể nói, dù cùng yêu thương con, nhưng với hai cách giáo dục khác nhau, cũng có thể tạo ra hai con người hoàn toàn khác nhau. Một người tự tin và quyết đoán, một người luôn phân vân trước sự lựa chọn hay phải quyết định vấn đề nào đó.
Trẻ nhỏ có thể chưa xử lý được những lựa chọn phức tạp. Ảnh minh họa. |
Cách chọn lựa khôn ngoan
Theo giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trong cuộc sống hiện tại, để chuẩn bị tương lai cho con mình, việc tạo cho trẻ sự tự tin và quyết đoán, có trách nhiệm với chính việc làm của mình là điều cần thiết. Ngay từ khi trẻ còn ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh cần tạo cơ hội và hướng bé vào các hoạt động yêu cầu trẻ phải lựa chọn. Đồng thời, để trẻ có trách nhiệm đối với sự lựa chọn của mình.
Những hoạt động thường ngày cũng có thể dạy bé về điều này: Dắt trẻ đi siêu thị và để con chọn những món đồ cần thiết cho bản thân. Có thể sau đó, về nhà, trẻ không thích món đồ đó nữa mà thích món đồ khác của anh (chị, em) hơn. Song, cha mẹ cần yêu cầu con phải sử dụng món đồ đó. Bởi, đó là sự lựa chọn của trẻ.
“Việc dạy con lựa chọn là một kỹ năng quan trọng cho đứa trẻ “hiện đại”. Bởi, trẻ sẽ phải học cách ra nhiều quyết định từ rất sớm, chứ không thể chỉ chờ bố mẹ suy nghĩ, quyết định thay “tất tần tật” mọi thứ. Việc ra quyết định có vẻ như “quá sức” với một đứa trẻ. Song, nếu được hướng dẫn từ nhỏ, trẻ sẽ linh hoạt, có nhiều kinh nghiệm và biết cách ra quyết định một cách khôn ngoan hơn”, giáo viên Mai Chi cho biết.
Theo nữ giáo viên, mặc dù nghe có vẻ khó, nhưng các phụ huynh có thể bắt đầu từ những việc vô cùng đơn giản. Ví dụ, khi đưa trẻ đến một quán ăn, cha mẹ không nên tự ý gọi mọi thứ cho con. Thay vào đó, hãy đưa ra cho trẻ quyền chọn lựa. Trẻ sẽ phải chọn lựa xem thích cái nào hơn và “chịu trách nhiệm” (ăn hết) món đã gọi. Tương tự, khi mua quần áo hay đồ chơi, cha mẹ cũng nên để trẻ chọn một trong hai món đồ.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể chỉ ra cho con thấy những bài học quan trọng được rút ra từ việc biết lựa chọn. Ví dụ, có những quyết định của trẻ sẽ ảnh hưởng đến chính con cũng như những người khác. Để giúp trẻ trau dồi khả năng lựa chọn, trước tiên, cha mẹ phải đưa ra các lựa chọn trong giới giạn.
Nữ giáo viên cho biết, sẽ thật tuyệt vời khi cha mẹ để trẻ được quyền lựa chọn. Tuy nhiên, một lưu ý là, việc được phép lựa chọn không bị kiểm soát và không giới hạn cũng có thể gây cản trở khả năng lựa chọn ở trẻ. Do đó, giới hạn là rất quan trọng. Vì vậy, phụ huynh cần để trẻ biết rằng, có một số thứ không được phép lựa chọn. Ví dụ, việc thắt dây an toàn trước khi xe chạy không phải là một việc được lựa chọn. Do đó, trẻ không thể lựa chọn những điều đã là quy tắc.
“Phụ huynh cũng nên đưa ra lựa chọn phù hợp với lứa tuổi của con mình. Trẻ nhỏ có thể chưa xử lý được những lựa chọn giống như trẻ lớn hơn. Ví dụ, hãy cùng xem sự thay đổi trong các lựa chọn trò chơi của trẻ theo độ tuổi. Một lựa chọn thích hợp cho trẻ mới biết đi là: “Con muốn ngồi xích đu hay đi cầu trượt?”. Nhưng đối với trẻ tiểu học, “Con muốn đi xe đạp một mình hay với bạn?”. Hãy nghĩ về những lựa chọn mình đưa ra và xem xét liệu chúng có phù hợp với con không”, giáo viên Mai Chi gợi ý.
Ngoài ra, phụ huynh không nên đưa ra quá nhiều phương án cho một lựa chọn. Bởi, theo giáo viên Mai Chi, thực tế, dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều trải qua cảm giác choáng ngợp khi có quá nhiều lựa chọn. Do đó, cần giới hạn sự lựa chọn. Khi đó, trẻ sẽ dễ dàng và có khả năng đưa ra lựa chọn một cách cẩn thận. Vì vậy, khi con đang mặc quần áo, thay vì hỏi trẻ muốn mặc chiếc áo nào, phụ huynh có thể nói: “Con muốn mặc áo màu xanh lá cây hay áo đỏ?”.
Khi lớn hơn, trẻ sẽ có thể xử lý nhiều lựa chọn hơn. Song, phụ huynh vẫn nên quan tâm đến các lựa chọn mà mình đưa ra cho trẻ. Ví dụ, khi trẻ chuẩn bị chọn quần áo trong tủ, hãy giới hạn các lựa chọn của con bằng cách đảm bảo rằng, tất cả món đồ con muốn mặc đều phù hợp thời tiết. Chẳng hạn, phụ huynh không nên để áo ba lỗ trong tủ của trẻ vào mùa Đông.
“Phụ huynh cũng chỉ nên cho trẻ lựa chọn những việc đơn giản. Trẻ cần thực hành đưa ra lựa chọn. Tuy nhiên, trẻ không thể tự lựa chọn đối với những vấn đề nghiêm trọng, có thể mang lại hậu quả. Trẻ em không thể luôn dự đoán toàn bộ kết quả của các lựa chọn. Các bố mẹ cũng không nên yêu cầu trẻ lựa chọn giữa một tuỳ chọn tồi tệ và tuyệt vời. Thực tế, khi làm như vậy, bố mẹ đang cố gắng làm cho trẻ thiên về chọn một bên. Điều này là không công bằng. Trẻ đang thực hành đưa ra lựa chọn, nên cần để con được trải nghiệm thực sự”, cô Mai Chi chia sẻ.