Thực ra, nuông chiều và để trẻ tùy ý hay kèm cặp sát sao đều là những cách làm sai, tước đi của trẻ sự tự do và cả những cơ hội trưởng thành.
Hãy mạnh dạn trao quyền cho trẻ bằng cách cha mẹ tự tin vào chính mình và thấu hiểu được sự phát triển tư chất của con, ngay từ những lúc còn tấm bé, đồng thời cũng mang lại cho trẻ cảm giác được tin tưởng, được tự do, từ đó hình thành nên tính tự chủ.
Cũng không có gì to tát đến mức gọi là “cách mạng” trong việc thay đổi cách dạy con. Chỉ cần thay vì những câu hỏi như: “Hôm nay con muốn ăn gì?”, “con định mặc cái áo nào đến trường đây”, hãy giao ngay trách nhiệm cho trẻ: Con chọn đồ ăn đi, con lấy áo mặc để đến trường nào.
Miễn là bé đừng lấy áo mùa hè mặc cho mùa đông, còn lại, hãy để bé tự lựa chọn, để bé tự nói ra chính kiến, quan điểm của bản thân; những lựa chọn sai chỉ nên tư vấn để bé chọn lại, đừng phản bác và áp đặt ý kiến riêng của cha mẹ vào.
Để bé được quyền phát triển trí tưởng tượng cũng rất quan trọng. Khi bé xếp logo, vẽ tranh hay tập hát, trừ khi bạn là cô giáo đang cần bé đúng nét chữ, đúng nốt nhạc, còn lại hãy để bé tự tưởng tượng, từ đó phát huy sự sáng tạo của khả năng. Bạn đồng hành với bé, thế là đủ rồi, đừng can thiệp.
Chặng hạn bé lắp một cái ô tô lego, nhưng không tìm thấy bánh xe đâu, dù bạn nhìn thấy ngay trước mặt, nhưng vẫn cố tình lờ đi và bảo bé: Nào, chúng ta cùng tìm nhé, và cố tình để cho bé tự nhìn thấy. Sau vài lần, bé sẽ hiểu là mình hoàn toàn có thể tự chủ động.
Người lớn cũng có lúc sai chứ đừng nói trẻ. Vì vậy, đừng vội đổ lỗi và kết tội con khi có chuyện gì đó trái ý bạn. Thay vào đó, hãy chia sẻ để trẻ hiểu ra vấn đề (và đôi khi, chính là để bạn hiểu ra vấn đề). Đừng ép trẻ nhận lỗi khi bạn cũng chưa tìm hiểu cặn kẽ, nếu không, bạn sẽ làm tổn thương con mình và khiến bé trở nên thụ động.