(GD&TĐ) - Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm vừa qua Trường Đại học Giao thông Vận tải đã thực hiện một cách đồng bộ các nội dung liên quan tới quá trình đổi mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Những nội dung lớn ấy bao gồm: xây dựng chương trình đào tạo ngành tiên tiến, kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, chuyển đổi chương trình và tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, công bố các nội dung công khai của nhà trường.
Chương trình đào tạo tiến tiến ngành “Kỹ thuật công trình xây dựng” liên kết với Đại học tổng hợp Leeds (Vương quốc Anh), được thực hiện từ học kỳ I năm học 2008-2009 đã triển khai có hiệu quả thời gian qua. Năm học 2009-2010 đã tuyển sinh K50 với số lượng 43 sinh viên, hiện nay đang học học kỳ 2 của năm thứ nhất. Để triển khai thực hiện chương trình này nhà trường đã có nhiều đầu tư cho việc nâng cấp hạ tầng cơ sở như xây dựng phòng học hiện đại phục vụ việc giảng dạy và học tập tiếng Anh, giảng đuờng dành riêng cho chương trình tiên tiến bao, nâng cấp các phòng thí nghiệm, thư viện điện tử. Phối hợp với Hội đồng Anh tập huấn nâng cao tiếng Anh và phương pháp giảng dạy cho giảng viên. Hội đồng Anh đã tư vấn về phương pháp đào tạo, lựa chọn giảng viên giảng dạy tiếng Anh cho phù hợp với chương trình. Để bảo đảm chương trình đào tạo có chất lượng, trường đã cho kiểm tra đánh giá giữa kỳ cho các nhóm sinh viên. Tháng 5/2009, nhà trường đã phối hợp với Viện quốc tế Hoa Kỳ kiểm tra tiếng Anh lấy chứng chỉ TOELF nội bộ để đánh giá trình độ tiếng Anh cho sinh viên theo chuẩn TOELF.
Từ thực tế đào tạo nhà trường cũng nhận thấy cần phải có những giải pháp tháo gỡ những hạn chế hiện nay là: Trình độ tiếng Anh của sinh viên còn hạn chế; thời lượng học tiếng Anh còn ít, gây khó khăn cho sinh viên khi chuyển sang học các môn tiếp theo ở giai đoạn sau; Độ hấp dẫn của chương trình đối với sinh viên chưa cao, mức thu học phí, các điều kiện ưu đãi (đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài, chế độ ưu tiên...) chưa rõ ràng; Phụ huynh và sinh viên còn băn khoăn vào mục tiêu và đầu ra của chương trình tiên tiến; Phương pháp giảng dạy của giảng viên chưa thực sự đổi mới mạnh mẽ. Đội ngũ trợ giảng còn thiếu, đặc biệt là các môn cơ bản; Kế hoạch hỗ trợ tài chính cho chương trình tiên tiến chưa rõ nét và chưa ổn định, chưa có quy định cụ thể về các danh mục chi mà Nhà trường được phép như mua sắm trang thiết bị, định mức thù lao cho giảng viên trong nước và ngoài nước.
Thực hành tin học tại ĐH GTVT |
Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã và đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã xác định việc tự đánh giá chất lượng trường là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết để cán bộ, giảng viên, công nhân viên thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những mặt mạnh, tìm ra nguyên nhân và phương hướng khắc phục những mặt còn tồn tại để nhà trường ngày càng phát triển. Ngày 15/9/2007, bản báo cáo tự đánh giá đầu tiên của Nhà trường đã được hoàn thiện và được gửi tới Bộ GD&ĐT. Với 53 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn, Nhà trường tự đánh giá 11 tiêu chí đạt mức 1 và 42 tiêu chí đạt mức 2.
Tháng 5/2009, Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài (được thành lập theo Quyết định số 3199/QĐ-BGDĐT ngày 29/4/2009) sau khi khảo sát tại trường, kết quả cho biết Đại học Giao thông Vận tải có 12 điểm mạnh gồm: sứ mạng; quy chế tổ chức; chương trình đào tạo các hệ; chương trình đào tạo ngành tiên tiến; phương thức đào tạo thích hợp; chiến lược xây dựng đội ngũ; chế độ chính sách đối với sinh viên; mối quan hệ của nhà trường với cựu sinh viên và các đơn vị lao động sản xuất, hầu hết sinh viên tốt nghiệp có việc làm; tỷ lệ bài báo khoa học; hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cơ sở vật chất; an ninh trật tự; quản lý tài chính.
Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá ngoài, nhà trường cần có những điều chỉnh như: Tổ chức lấy ý kiến phản hồi về CTĐT từ các nhà tuyển dụng thường xuyên hơn; Đa dạng hoá các phương pháp giảng dạy tiên tiến rộng khắp trong phạm vi toàn trường; Khắc phục tỷ lệ người học trên số cán bộ giảng viên cơ hữu (còn cao so với quy định chung 15/1). Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá kết quả của người học còn chậm, chưa phát triển thành phong trào rộng khắp trong toàn trường. Việc phối hợp nghiên cứu khoa học với nước ngoài vẫn còn hạn chế do thiếu tài liệu khoa học, thiếu trang thiết bị thí nghiệm tiên tiến như yêu cầu của đối tác nước ngoài. Có công trình được đăng trên tạp chí quốc tế nhưng chưa nhiều... Mặc dù được Đoàn đánh giá ngoài xếp mức đảm bảo chất lượng của nhà trường đạt cấp độ 2, nhưng có thể nhận thấy rằng các hoạt động đảm bảo chất lượng cần được triển khai một cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt cần thành lập Bộ phận Khảo thí và Kiểm định chất lượng trực thuộc trường, nhằm tư vấn cho Ban Giám hiệu về vấn đề đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian tiếp theo.
Trong việc triển khai đào tạo theo tín chỉ, trường đã xây dựng xong toàn bộ chương trình đào tạo theo tín chỉ hệ thống tín chỉ cho 15 ngành và 67 chuyên ngành, trong đó có việc xác định tổng số tín chỉ và kết cấu chương trình cho cho toàn khoá học trên cơ sở phân bổ hợp lý khối lượng kiến thức cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành; phân bổ khối lượng cho từng học kỳ; xây dựng các môn học tự chọn cho các ngành đào tạo tối thiểu là 15%. Trong đó rất nhiều học phần trong chương trình đào tạo mới được xây dựng với đề cương mới, tham khảo kiến thức của các nước tiên tiến. Không chỉ có kiến thức được cập nhật từ các giảng viên đã đi học tập và nghiên cứu (thạc sỹ và tiến sỹ) ở nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Canađa, Nhật Bản, Trung Quốc v.v... Tuy nhiên, nếu theo nhu cầu của người học thì hầu hết sinh viên chỉ thích học các chuyên ngành như: cầu đường, kinh tế xây dựng hoặc kế toán tổng hợp. Rõ ràng nhà trường không thể chỉ tập trung đào tạo các chuyên ngành này. Mặt khác, có nhưng chuyên ngành hẹp, nhu cầu xã hội là có thực, nhưng hàng năm chỉ cần một lượng không lớn, nếu có quá ít sinh viên đăng ký học thì khó có thể tổ chức đào tạo vì không có hiệu quả. Chính vì thế, nhà trường chủ trương, sinh viên sau khi nhập học được đăng ký vào học các chuyên ngành dựa trên kết quả thi đầu vào.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và cũng thể hiện trách nhiệm với người học và với xã hội, Đại học GTVT đã xây dựng chuẩn đầu ra và coi đây là một trong các hệ thống thông số thể hiện sự gắn kết trường với nhu cầu đào tạo của xã hội, các nội dung chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo trình độ đại học cũng như các thông tin công khai khác không phải là bất biến. Hàng năm, nhà trường sẽ thực hiện việc tổng kết và đánh giá công tác công khai nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả công tác quản lý. Việc thực hiện công khai của Trường Đại học Giao thông Vận tải nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường trong việc quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nhà trường xác định rằng, thông qua việc thực hiện công khai này, các cán bộ, giảng viên, công nhân viên và người học sẽ hiểu rõ và quán triệt nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… Đồng thời, nhà trường mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của toàn bộ cán bộ, giảng viên, công nhân viên và người học để hoàn thành nhiệm vụ, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lao động, truyền thống hơn 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển.
GS.TS. Đỗ Đức Tuấn
(Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải)