Mong manh ước mơ đến trường
Trong căn phòng 6 giường bệnh với 12 đứa trẻ bị ung thư ở khoa Nhi Bệnh viện K (Cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), 2 đứa trẻ chung nhau một giường đơn. Những căn phòng khác cũng kín những đứa trẻ bị ung thư, căn bệnh mà đã mắc phải thì đa phần nằm dưới lưỡi hái tử thần. Những đứa trẻ sáng trong vô tội. Bọn trẻ đồng cảnh ngộ, chúng quấn quýt thân thiết nhau bằng tình cảm rất đỗi trong sáng, ngây thơ.
Tôi bước vào căn phòng đầu tiên của Khoa Nhi, ấn tượng với tôi là em Nguyễn Văn Mạnh (3 tuổi) với cái đầu trọc lóc chạy khắp phòng, lên hết giường nọ giường kia nghịch đồ. Nhìn thân hình gầy gò với một bên mắt của bé lồi hẳn ra khiến nhiều người vô cùng xót xa thương cảm.
Chị Phùng Thị Hằng, mẹ bé Mạnh cho biết, hai mẹ con đến từ Mê Linh (Hà Nội). Mỗi lần nói đến bệnh tình của con, chị không kìm được những giọt nước mắt. Cháu bị bệnh bướu ác sau vùng giác mạc và u nguyên bào thần kinh. Lúc mới sinh, Mạnh không chỉ bụ bẫm, khỏe mạnh mà còn rất đẹp nữa. Lên 2 tuổi chị đã cho con đến Trường Mầm non Thạch Đà A (Mê Linh); cháu ngoan ngoãn và được cô giáo yêu quý.
Thế nhưng, một lần Mạnh bị sốt, cứ chiều đến là sốt kèm theo đau chân, mắt sụp mí. Lo lắng có chuyện chẳng lành, vợ chồng chị vội đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện Nhi, rồi cháu được chuyển sang Bệnh viện K. Kết luận cháu bị ung thư là nỗi đau không thể nào kể xiết.
“Gần 1 năm 2 mẹ con đã xem bệnh viện như nhà. Đến giờ, bệnh của con đã chuyển sang giai đoạn xạ trị. Cháu không đủ sức khỏe nên không thể phẫu thuật mà phải hóa trị lâu dài. Lần điều trị này, gia đình sẽ khó khăn, vất vả hơn. Chồng là thợ xây, tôi chỉ ở nhà nội trợ, cuộc sống cũng khó khăn hơn, bởi điều trị hóa chất gia đình phải tự chi trả vì không có trong bảo hiểm” - chị Hằng cho biết.
Nhưng điều chị lo sợ nhất rồi đây những cơn đau sẽ hành hạ con mình, một đứa trẻ mong manh thế này làm sao chịu đựng?
Chị Hằng nghẹn ngào: “Hôm vừa rồi cô giáo đến hỏi thăm cháu. Không biết con có được đi học hay không. Cháu vẫn còn vô tư và trong sáng, không biết ước mơ là gì. Nếu có một điều ước, em chỉ mong con được khỏe mạnh, được cắp sách đến trường với mơ ước tuổi thần tiên. Nhưng mơ ước ấy…”, chị nhìn vào khoảng trống xa xăm vô định.
Vẫn không thôi mơ ước
Trong căn phòng nhỏ, tôi quan sát ở góc giường ngoài cùng, một cậu bé chân đang vướng dây truyền, khuôn mặt buồn thỉnh thoảng lại thở dài rồi như mệt, em nằm xuống, đưa ánh mắt buồn bã nhìn vào hư không.
Đó là bé Hoàng Thế Mạnh, năm nay 10 tuổi nhà ở Cầu Bươu, Thanh Trì (Hà Nội). Mẹ bé là chị Trần Thị Hạnh (36 tuổi) cho biết: “Con vào lớp 1 được 2 tháng sau ngày khai giảng thì nghỉ học. Một lần, vào giờ thể dục con bị đau chân không tập được. Lúc đầu, chị cứ nghĩ trẻ con ở tuổi đang lớn thì thiếu canxi nên nhức mỏi chân là chuyện bình thường. Chị mua thêm canxi để bồi bổ cho con.
Mấy hôm sau chân con lại sưng lên cục nhỏ như quả táo, chị tưởng thằng bé nghịch ngợm va vào đâu đấy thôi. Mấy hôm sau chỗ sưng to lên bằng quả ổi, cứng lại, thằng bé đi tập tễnh khó nhọc vì đau. Chị đưa con đi khám, chuyển đến mấy bệnh viện, cuối cùng bác sĩ kết luận: U nguyên bào thần kinh”.
Rồi từ đó bé Mạnh không được đến lớp. 4 năm rồi mẹ con chị sống ở trong bệnh viện này. “Đôi khi nghĩ về con thấy buồn, có khi là nghiệp. Chị sinh được 2 cháu. Đứa em của Mạnh năm nay 8 tuổi, bị đại tràng bẩm sinh. 3 năm trước chị đưa thằng nhỏ đi điều trị, về nhà được 3 tháng thì phát hiện Mạnh bị ung thư. Chăm con trên này nhưng vẫn lo cho đứa thứ 2 ở nhà. Nhà chồng thì bố chồng đột quỵ, nên không có ai giúp đỡ. Nghĩ đến cuộc sống của mình mà cảm thấy tủi vô cùng, cô ạ”, chị Hạnh nghẹn ngào trong nước mắt.
“Mỗi năm cứ đến khai giảng, nghĩ đến chuyện con không được đi học, nhìn thấy các bạn đi học tôi buồn lắm. Mạnh đi học 2 tháng đành nghỉ học, đến giờ vẫn còn không biết chữ. Tôi chỉ mong rằng có thuốc chữa được cái bệnh này để những gia đình không may có con mắc bệnh ung thư cũng vơi bớt đi nỗi đau. Có con bị bệnh này khổ tâm lắm, không chỉ khổ về kinh tế mà tinh thần cũng rất khổ”.
Như bất kì một người mẹ thương con nào khác, chị Hạnh muốn ở bên con từng khắc từng giây, chăm sóc con, để mỗi lần con mở mắt ra nhìn thấy đầu tiên chính là mẹ. Có tình yêu biết đâu cơn đau sẽ giảm xuống, vơi đi. Còn chồng chị có nghĩa vụ đi làm để kiếm tiền thuốc thang cho con.
Với những đứa trẻ, trải qua bao nhiêu cơn đau đớn, giày vò của hóa chất, xạ trị, các bé vẫn giữ nguyên vẹn ước mơ trong trẻo, hồn nhiên. Khi được hỏi về ước mơ của mình, bé Mạnh hồn nhiên nói: “Con thích được ở nhà vì được mẹ chăm sóc cả ngày. Và con chỉ ước mơ được làm bác sĩ, có nhiều tiền để còn vào đây làm từ thiện giúp đỡ các bạn của em”. Ước mơ ấy có lẽ quá xa vời, chỉ có thể chờ đợi điều kỳ diệu từ câu chuyện bà tiên trong cổ tích.
Chia tay những “thiên thần” bé nhỏ ở đây, tôi không khỏi xót xa và ám ảnh. Vẫn còn đó những tâm sự, những câu chuyện đau lòng còn dang dở mà tôi chưa có điều kiện tìm hiểu hết. Và ước mơ một lần đến trường, đi dự khai giảng vẫn ánh lên trong mắt những đứa trẻ tội nghiệp mỗi khi chúng phải trải qua sự sợ hãi, đau đớn ngước mắt nhìn cây truyền hóa chất.
Mong có lớp học nhỏ trong bệnh viện
ThS BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện K cho biết: Tổ công tác xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực như hàng tuần thường có chương trình chiếu phim hoạt hình vào thứ 5 cho các em nhỏ. Nhiều tổ chức từ thiện vào các dịp lễ trong năm cũng đến thăm và tặng quà cho các con. Thế nhưng, trong nhiều năm làm việc và tiếp xúc với các bệnh nhi, tôi hiểu được phần nào tâm lý của các con. Mỗi trẻ có một ước mơ khác nhau, bé này thì thích gấu bông, bé thì thích được làm cảnh sát giao thông... mong rằng các tổ chức từ thiện tặng đúng món quà các con thích.