Những đứa trẻ mưu sinh nơi phố núi

GD&TĐ - Lượng khách du lịch đổ về Sapa mỗi năm một đông thêm, đặc biệt từ khi có tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Thế nhưng, đằng sau một Sapa đẹp, lộng lẫy như nàng tiên ngủ trong rừng thì hình ảnh những em bé dân tộc mặt mũi lấm lem, áo quần phong phanh mưu sinh trong giá lạnh khiến du khách không khỏi xót xa.

Những đứa trẻ mưu sinh nơi phố núi

Muôn nẻo mưu sinh

Dạo quanh Sapa, ngày cũng như đêm du khách sẽ dễ dàng thấy những em bé người dân tộc mặt mũi lấm lem, quần áo không đủ ấm, đứa lớn còn địu thêm cả em trên lưng nhưng đều chung mục đích mưu sinh. Đứa thì bán hàng rong, đứa thì ngồi bán cố định một chỗ. Cửa hàng của các em chỉ là một tấm vải ni lông đơn giản đủ rộng bằng chiếc mâm trải bên ven đường khách qua lại, bày chục cái dây đeo chìa khóa hình con cá, hình con giống, hay cái ví đeo điện thoại.

Khi thấy du khách bước từ trên xe xuống, hoặc đang dạo bộ từ xa, những đứa trẻ dân tộc Dao, Mông… chạy xô cả lại vây quanh, chìa những dây móc chìa khóa, con giống, hàng thổ cẩm để chèo kéo khách mua. Khách không mua, chúng cứ lẽo đẽo bám theo suốt cả đoạn đường dài. Đến lúc chán, các em tự rút lui để đi tìm toán khách khác với mong muốn bán được món đồ nào đó hay được khách cho ít tiền.

Thấy có một bé gái chừng 10 tuổi, đang địu đứa em trai trên lưng, tôi lại gần bắt chuyện làm quen. Bé cho biết: Con tên là Ly Lỳ, hiện học lớp 4 tại Trường Tiểu học Lao Chải. Gia đình con thuộc dân tộc Mông, nhà ở bản Lao Chải, cách thị trấn Sapa 15km.

Cứ đến chiều thứ 6, khi tan học ở trường, mẹ đã đưa mấy chị em Ly Lỳ đi bộ lên Sapa để mưu sinh. Nhà có 6 chị em, Ly Lỳ là con thứ 3, em bé địu trên lưng là em út hơn một tuổi. Anh trai cả đang học lớp 12. Suốt cả buổi sáng vừa địu em trên lưng, lòng vòng quanh chân núi Hàm Rồng và nhà thờ đá nhưng Ly Lỳ vẫn chưa bán được bất cứ thứ gì cho du khách, em cho biết thêm.

Hơn 10 giờ đêm, khu vực trung tâm của Sapa khách thưa thớt dần nhưng những đứa trẻ mưu sinh vẫn chưa chịu về. Đêm cuối đông vẫn chưa đến 10 độ, trời càng thêm lạnh và có mưa phùn, phong phanh một bộ quần áo thổ cẩm, lũ trẻ co ro trong giá rét. Không ít trẻ đã lăn kềnh ra bên mấy thứ hàng bán của mình mà ngủ ngon lành.

Chạnh lòng du khách

Chị Ngọc Oanh, một khách du lịch đến từ Thủ đô Hà Nội tâm sự: “Cảnh những đứa trẻ co ro trong giá rét, lang thang khắp Sapa để chèo kéo, cố bán bằng được cho du khách một vài món đồ chẳng đáng là bao, tôi rất xót xa. Nhất là khi nghĩ đến những đứa trẻ thành phố lớn tồng ngồng bố mẹ vẫn phải ép ăn từng thìa cơm.

Còn trẻ em ở đây cuộc sống hoang sơ, bản năng vô cùng. Có khi lang thang cả buổi vẫn chưa bán được thứ gì nhưng cũng chẳng có cái gì cho vào bụng. Đứa nào cũng còi cọc, mặt mũi lem luốc. Trời mưa, nắng, hay rét, kể cả 10 - 11 giờ đêm, chúng vẫn ngoài trời, mong muốn bán cho khách được một thứ đồ dùng, dù chỉ đáng giá dăm bảy nghìn”.

Vì mong muốn bán được hàng, để cuộc sống tốt hơn là điều tốt nhưng ở cái tuổi của các em, lẽ ra được đến trường, được vui chơi mới đúng. Để các em làm quen với cuộc sống mưu sinh như vậy, người lớn không khỏi chạnh lòng. Đáng sợ nhất đó là người lớn lợi dụng, kiếm tiền trên sức lao động của trẻ em. Liệu có hay không một “cái bang” ở đất Sapa thâu tóm các em lại để bắt các em đi xin tiền, chèo kéo du khách mà bán hàng, đem tiền mang về nộp cho chúng?

Chị Thu Hà, nhân viên bấm huyệt mấy năm ở Sapa cho biết: Cũng có những ông bố, bà mẹ người dân tộc lợi dụng lòng thương hại của du khách bắt con đi bán hàng rong, đi xin tiền. Họ nấp sau gốc cây hay ở xa quan sát con cái, thấy có người cho tiền là chạy lại lấy để cất đi. Họ bỏ mặc con cái dưới trời mưa rét, thậm chí nhiệt độ ở mức 0 độ. Đêm khuya còn khách du lịch thì con của họ cũng phải bán hàng, nhất định chưa chịu cho con về nhà nghỉ ngơi. Con mà mệt, mà buồn ngủ thì cứ lăn kềnh bên đường mà ngủ.

Một điều đáng lo ngại nữa đó là trẻ em lang thang buôn bán ở Sapa liệu có chểnh mảng việc học hành hay không? Quan sát của cá nhân, nhiều em đang độ tuổi tiểu học nhưng lúc nào cũng thấy các em lang thang bán hàng, kể cả ngày thường đi học. Bố mẹ ra phố thị bán hàng kiếm sống cũng địu cả con một vài tháng tuổi đi cùng cũng là hình ảnh dễ dàng bắt gặp mỗi khi du khách dạo quanh phố núi.

Đến bao giờ các em được đến trường đi học, được vui chơi sau giờ tan học, không phải sống cuộc sống lam lũ để mưu sinh? Câu trả lời này xin dành cho người lớn, cho các nhà quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.