Những đứa trẻ dưới Mái ấm Thiên Ân

GD&TĐ - Những đứa trẻ bị bỏ rơi hay các bà mẹ đơn thân được Mái ấm Thiên Ân nhận về chăm sóc, che chở. Qua thời gian, những mảnh đời bất hạnh ấy đã vượt qua tự ti, mặc cảm trở thành con người có ích cho xã hội.

Sơ Chi chăm sóc cho những đứa trẻ bất hạnh ở Mái ấm Thiên Ân.
Sơ Chi chăm sóc cho những đứa trẻ bất hạnh ở Mái ấm Thiên Ân.

Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện

Chúng tôi đến thăm Mái ấm Thiên Ân (thôn 4, xã Chư Á, TP Pleiku, Gia Lai) vào một chiều mùa hè oi ả. Mái ấm tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Ở các gian phòng vang lên tiếng ê a đọc bài của lũ trẻ. Thấy có khách đến, chúng khoanh tay lễ phép chào rồi tiếp tục bài học.

Mái ấm Thiên Ân được sơ Nguyễn Thị Kim Chi thành lập từ năm 2010. Trước đây, sơ Chi sinh sống tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sơ nương nhờ các ở Giáo xứ Thọ Thành (xã Hòa Phú, TP Buôn Mê Thuột). Ở đây sơ được nuôi dưỡng cho ăn học đến nơi đến chốn.

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, sơ tiếp tục học ngành trồng trọt (Đại học Tây Nguyên) để có thể giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Hoàn thành chương trình học xong, cô thiếu nữ lúc bấy giờ tiếp tục học thêm 6 tháng để trở thành sơ. Đến năm 2007, sơ Chi được bài sai về Tu viện Phao Lô Thiên Ân.

Từ ngày gắn bó với Tu viện Phao lô Thiên Ân, sơ Chi có dịp dạy cho người đồng bào dân tộc thiểu số cách trồng trọt, chăn nuôi. Trong thời gian gắn bó với người dân, sơ Chi chứng kiến cảnh những đứa trẻ lem luốc theo bố mẹ lên nương rẫy. Có những đứa trẻ thiếu ăn, thiếu mặc không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Nhiều đêm trằn trọc thương cho lũ trẻ, sơ Chi mong muốn chúng được đến trường học con chữ để sau này thoát khỏi nghèo đói. Ý định nuôi dạy lũ trẻ bất hạnh ngày một thôi thúc sơ Chi. Sau đó, sơ Chi được giới thiệu một khu đất khoảng 1.000 m² tại thôn 4 (xã Chư Á).

Khi chính quyền địa phương đã đồng ý, sơ Chi vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ để xây dựng nhà nuôi dạy trẻ mồ côi và đặt tên là “Mái ấm Thiên Ân”.

Nâng cánh ước mơ

Lũ trẻ quây quần học bài chuẩn bị cho năm học mới.
 Lũ trẻ quây quần học bài chuẩn bị cho năm học mới.

Đưa ánh mắt ra phía khoảng sân nắng cháy, sơ Chi tâm sự: Đến nay Mái ấm Thiên Ân đã trở thành mái nhà chung của 180 đứa trẻ với những hoàn cảnh khác nhau.

Bên cạnh đó, 40 nhân viên là phụ nữ, đàn ông, người già neo đơn được chở che ở nơi này. Mái ấm cũng thành nơi nương tựa cho những bà mẹ đơn thân.

10 năm gắn bó với mái ấm, sơ Chi đã hơn 1 lần rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện của những mảnh đời bất hạnh. “Mỗi người ở đây đều có một câu chuyện riêng. Nhưng đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, mang những nỗi niềm khó bày tỏ. Có những đứa trẻ bị bỏ rơi khi đang còn đỏ hỏn.

Có những đứa trẻ nghèo khó phải bỏ học giữa chừng. Và có những bà mẹ đơn thân không nơi bấu víu. Tôi từng trải qua nhiều sóng gió nên hiểu và cảm thông phần nào đối với họ. Tôi thấy thương cho những mảnh đời bất hạnh vì vậy muốn góp chút sức lực để giúp đỡ những mảnh đời này. Thấy họ mạnh khỏe, vui vẻ và lạc quan với cuộc sống là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi”.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các em được đến trường, sơ Chi còn hỗ trợ học nghề, chọn công việc phù hợp cho các em, những người khó khăn có thể ổn định cuộc sống. Qua những công việc, các em có thể tự lập, lo cho bản thân.

“Mỗi em ở đây đều có một điểm mạnh, điểm yếu riêng. Có em trí nhớ không tốt nhưng lại giỏi kĩ năng khác. Có em chăm chỉ học hành, thông minh. Do đó, mình phải quan sát, gần gũi để giúp các em phát huy được những điểm mạnh. Một số em không có bằng cấp để đi học nghề, tôi cho học ở các tiệm điện, cơ khí, mở lò bánh mì để giúp các em tự lo cho cuộc sống. Nhờ vậy, có một số em có đồng ra, đồng vào gửi về cho gia đình mình”, sơ Chi nói.

Năm 13 tuổi, do gia đình khó khăn nên em Nhíp (người Jrai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai) có nguy cơ đứt đoạn việc học. Sau đó, bố mẹ gửi Nhíp vào Mái ấm Thiên Ân với hy vọng con tiếp tục được học con chữ. Được các sơ chăm sóc, cho đến trường đi học, Nhíp vô cùng trân trọng và cố gắng. Sau khi tốt nghiệp ngành giáo viên mầm non, Nhíp trở về mái ấm dạy chữ cho những em nhỏ nơi đây.

“Em lớn lên trong vòng tay và tình yêu thương của các sơ. Do đó, em muốn san sẻ một chút vất vả với các sơ. Em có thể phụ sơ dạy chữ, chăm sóc cho những em nhỏ hơn. Nếu sau này các em không học lên cao thì có thể kiếm một công việc nuôi sống bản thân”, Nhíp tâm sự.

Chị Y Hrul (người Xê Đăng, làng Đak Lech, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum) cho biết, chị vốn là mẹ đơn thân, một mình gồng gánh nuôi 3 người con. Gia đình nghèo, không có đất đai canh tác nên cuộc sống của mẹ con chị vô cùng khó khăn.

“May mắn gần 2 năm qua, mình được các sơ ở Mái ấm Thiên Ân chở che, tạo công ăn việc làm. Từ ngày về đây, mẹ con mình có chỗ ăn, ở, con cái được học con chữ. Mình không giúp được các sơ nhiều nhưng cũng phụ chăm sóc các em bé sơ sinh, bị gia đình bỏ rơi. Mình xem nơi đây như ngôi nhà thứ 2 đã chở che cho 3 mẹ con”, chị Y Hrul chia sẻ.

Mái ấm Thiên Ân được thành lập và hoạt động   ổn định suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, do địa phương còn nhiều khó khăn nên không thể hỗ trợ nhiều về vật chất. Do đó, chúng tôi cố gắng hỗ trợ về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho mái ấm hoạt động, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Ông Đinh Ứt - Bí thư Đảng ủy xã Chư Á

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.