(GD&TĐ) - Cuối tháng tám âm lịch, khu vực biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn (tỉnh An Giang) tiếp giáp quận Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia) mênh mông trắng xóa, nước lũ trên kênh Vĩnh Tế chảy xiết và cuồn cuộn đổ qua các ngã kênh T4, T6, kênh Võ Văn Kiệt, Lạc Qưới 1 và 2… tràn ngập đồng ruộng. Sau 8 năm, mùa lũ 2011 này phải nói rằng lớn và chính vụ đang bắt đầu.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Lạc Qưới) cho hay, mực nước năm nay lên sớm và cao hơn so với mọi năm, ai cũng chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó trước các tình huống. “Sống ở vùng này, bà con thắm thía với lũ lụt, không một ai xao lãng. Nhà nhà đều chuẩn bị, có cách riêng của mình”. – ông Thành nói. Chẳng hạn như đồng biên giới, sản xuất được 2 vụ ăn chắc, lúa thu hoạch sớm, năng suất tốt và giá cả có lợi.
Đầu vàm kênh Võ Văn Kiệt thoát lũ ra biển Tây. |
Sau trận lũ năm 2000, hầu hết nhà cửa đều vào cất ở khu dân cư mới và tuyến dân cư kênh Võ Văn Kiệt, tuyến lộ N1. Nhờ vậy, giữa mùa lũ 2011 này, mọi sinh hoạt ở đây diễn ra bình thường. Bà Võ Thị Sảnh (tuyến dân cư kênh Võ Văn Kiệt), xởi lởi: “Nước trên đồng thì đã sâu thiệt. Nhưng, so với tuyến dân cư này, còn cao nhiều lắm nên đâu có nhằm nhò gì, bà con ở đây rất an tâm”.
Kênh Võ Văn Kiệt – tuyến thoát lũ và là chỗ dựa của nhiều cư dân Lạc Qưới, Vĩnh Phước, Lương An Trà, Vĩnh Gia… (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Thấy dòng nước chảy xiết, độ chênh lệch khá rõ giữa mặt ngoài và trong kênh; ông Nguyễn Thế Toàn, cư dân sở tại bảo, ghe, xuồng lưu thông luôn phập phồng, cẩn thận khi di chuyển qua lại vàm kênh này.
Phóng tầm nhìn xuôi dòng, có những hàng bạch đàn, tràm bông vàng, tràm bản địa… thẳng tắp theo kênh Võ Văn Kiệt và sừng sựng giữa đồng nước mênh mông; khiến người ta không khỏi nghĩ đến công trình của thế kỷ và mang dấu ấn lịch sử khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên.
Lũ vượt báo động III gây tràn ngập ruộng đồng Tứ giác Long Xuyên |
“Cây xanh đã giúp ích cho người dân nhiều lắm, đồng trống, mùa nước dâng cao mà không có nó, chịu đâu có nổi. Gió ở đây thổi mạnh, suốt mấy tháng trời, từ khi đỉnh lũ xuất hiện đến lúc nước rút”. – ông Trần Văn Thế (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước) bộc bạch.
Nươc lũ dâng cao kết hợp với mưa, đường sá trên tuyến dân cư Võ Văn Kiệt trở nên lầy lội, lưu thông từ Vĩnh Thành ra Vĩnh Thuận và chợ Lạc Qưới lại khó khăn hơn. Cư dân nơi đây kể rằng, thông qua Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ và ngân sách tỉnh An Giang hỗ trợ, tuyến lộ này đã được láng nhựa được một khúc và rải đá cấp phối, rồi cũng nhiều lần sửa chữa và dặm vá bằng vốn góp của dân.
Song, việc đầu tư không đến nơi, đến chốn nên hiệu quả sử dụng không bao lâu thì xuống cấp, mặt đường lại lỏm chỏm. Còn tuyến lộ từ đầu cầu Lạc Qưới 2 đi vào Trường THCS Lạc Qưới, xuyên qua xã Vĩnh Phước và cầu Lò Gạch (xã An Tức) vẫn ì ạch sau 2 – 3 năm thi công. Công trình sử dụng bằng nguồn vốn Trái phiếu của Chính phủ, do doanh nghiệp ngoài tỉnh thi công.
Mùa lũ cũng là mùa đánh bắt thủy sản đồng nước. |
Đứng trên vàm kênh T6, ông Trần Văn Ton (ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Qưới) cứ nươm nướp cho cánh đồng T6 này, rồi chỉ nước chảy trên dòng kênh Vĩnh Tế, ông kênh T6 là tuyến đầu tiên trong hệ thống kênh thoát lũ ra biền Tây nên chịu áp lực mạnh, đoạn giữa bị lộ Lạc Qưới – Ba Chúc chặn đứng, dòng nước thoát dữ dội tại 2 cửa ở khu vực cầu sắt Vĩnh Thông. Đánh bắt thủy sản là sở trưởng người dân vùng Tứ giác Long Xuyên, nó trở thành kế mưu sinh khi nước nổi dâng cao.
Đi dọc các tuyến dân cư vẫn thấy một vài vuông ớt, bắp, cà… cho thu hoạch; một số nơi cũng dọn đất, chuẩn bị trồng tỉa các thứ. Chị Trần Thị Hà (ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Qưới) cho hay, đang gieo ươm ớt hiểm giống lai F1 207 và chuẩn bị trồng khoảng 1 công đất. “Theo lịch thời vụ, gieo ươm và trồng cuối tháng tám âm lịch, đến giữa tháng mười một cho thu hoạch và ăn dài tới tết”. – chị Hà tính toán.
Nỗi lo ngập lụt đối với những nơi chưa có cụm, tuyến dân cư vượt lũ |
Sống ở vùng sâu, vùng xa mà chịu khó, chắt chiu mỗi thứ một ít, đời sống không đến nỗi khó khăn. Đó cũng là cách của cư dân trên những dòng kênh thoát lũ ra biển Tây (phần địa phận tỉnh An Giang), cho thấy sự chủ động khi mực nước năm nay lên nhanh và cao so với 8 năm qua, vượt báo động III.
Phan Trọng Ân