Những đóng góp của người Bạc Liêu trong đờn ca tài tử Nam Bộ

GD&TĐ - Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ, tuy chỉ mới ra đời cách đây hơn trăm năm nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn.

Những đóng góp của người Bạc Liêu trong đờn ca tài tử Nam Bộ
Một cảnh đờn ca tài tử ở Nam Bộ
 Một cảnh đờn ca tài tử ở Nam Bộ
Chỉ trong nửa đầu thế kỷ XX, đờn ca tài tử không những đã phổ cập sâu rộng ở Nam Bộ mà còn có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong nước, Hôm nay lại đang lan dần ra các nước trên thế giới.

Mới đây, UNESCO đã chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đạt được thành quả tốt đẹp này trước nhất là do tự thân đờn ca tài tử đã có những đặc điểm về khoa học và nghệ thuật. 

Tiếp đến là do công lao xây dựng, bồi đắp của các nghệ nhân cổ nhạc tiền bối ở các tỉnh Nam Bộ và được sự cộng hưởng nhiệt tình của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ miền Trung, miền Bắc.

Riêng người Bạc Liêu đã có những đóng góp to lớn, góp phần tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển đờn ca tài tử. 

Người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài tử là vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối. Từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đờn ca tài tử, từng gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX.

Hình thành một lực lượng nghệ nhân, nghệ sỹ trọng yếu cho đàn ca tài tử và cải lương Nam Bộ 

Vào đầu thế kỷ XX, nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948) thường được gọi là Nhạc Khị đã thành lập ban nhạc lễ, do uy tín và tài năng của ông nên chẳng bao lâu đã quy tụ hầu hết những nghệ nhân cổ nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ như: Sư Nguyệt Chiếu, Quốc Ân, Chơn Truyền (Bảy Kiên), Sáu Thìn, Hai Húa, Thầy Thống (Trần Xuân Thơ), Ký Tấn, cô Ba Phấn, cô Ba Chương…

Ban nhạc này cũng vừa là “cái lò” đầu tiên đào luyện ra những nhạc sĩ, ca sĩ, soạn giả tên tuổi của đất Bạc Liêu như: Cao Văn Lầu, Lê Văn Túc (Ba Chột), Nguyễn Văn Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ), Lý Khi, Bảy Cao…

Những vị này đều có những đóng góp lớn trong quá trình phát triển đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân), khi viết tác phẩm Kể chuyện Cải lương, đã xác nhận: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử, vùng đất sản sinh rất nhiều tài tử, nhạc sĩ nổi tiếng. 

Người được xem là thầy của cổ nhạc là ông Hai Khị (Nhạc Khị) cũng là người Bạc Liêu, con của ông là anh Ba Chột cũng đã trở thành nhạc sĩ tài danh…”.

Những nghệ nhân khác cũng được nhà nghiên cứu Huỳnh Minh đánh giá “Kế đó phải kể Ngô Mộc Thái, Phú Quới, Bùi Hữu Trí, Tư Biện, Tư Nho, Tư Bình, Năm Nhỏ đều là các nhạc sĩ ưu tú của Bạc Liêu. Tư Bình điêu luyện nhị hồ…

Năm Nhỏ sở trường lục huyền cầm, ai ai cũng biết tiếng tài tình. Về mặt soạn tuồng, Bạc Liêu khét tiếng với soạn giả Mộng Vân, ngày nay nói đến Mộng Vân không ai không tỏ niềm kính mộ… chẳng tiếc lời tán tụng… các công trình của ông đã bồi đắp và xây dựng cho nền kịch nghệ nuớc nhà… 

Trịnh Thiên Tư rất tận tâm xây dựng nền âm nhạc dân tộc… lúc nào cũng tỏ ra hăng say tô điểm sân khấu cải lương, phô bày ý chí thức tỉnh đồng bào bằng sóng nhạc lời ca chan chứa tình yêu đất nước, lay động hồn thiêng dân tộc”.

Riêng đối với Cao Văn Lầu, Viện sĩ Lưu Hữu Phước đã mạnh dạn phát biểu: “Chúng ta nên suy tôn nhạc sĩ Cao Văn Lầu là Hậu tổ… nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người Minh Hải (Bạc Liêu), cái tài năng đó thành tựu đó phải tỏa ra cả nước và cả thế giới…”.

Một tiết mục đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch
 Một tiết mục đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch

Các loại bài bản được hệ thống và chỉnh tu 

Nhạc Khị cũng là người đầu tiên ở Bạc Liêu có chủ trương chỉnh tu các loại bài bản cũ và hệ thống lại các loại bài bản đang lưu hành lúc bấy giờ.

Vào những năm đó, phong trào đờn ca tài tử mới được nhen nhóm. Nhạc Khị là người dẫn đầu phong trào này đã sớm thấy các loại bài bản trong ba Nam, sáu Bắc, bốn Oán đang được sử dụng lúc ấy đa số đều bị “tam sao thất bổn”.

Cả 7 bài của nhạc lễ cổ truyền cũng không được nguyên vẹn, nên ông đã ra công chỉnh tu, bổ sung và hệ thống lại toàn bộ các loại bài bản. 

Cùng thực hiện với ông còn có sư Nguyệt Chiếu và Bảy Kiên, ngay trong những năm đầu thế kỷ XX, các ông hoàn thành công việc tốt đẹp này.

Lúc bấy giờ chưa có điều kiện để in ấn, nên những người thừa kế của Nhạc Khị phải ghi chép và sau khi Nhạc Khị qua đời mới được Trịnh Thiên Tư tổng hợp lại trong tác phẩm Ca nhạc cổ điển của ông.

Đây chính là thành quả trí tuệ của một tập thể nghệ sĩ tiền bối ở Bạc Liêu. Trong đó đã ghi lại toàn bộ nội dung của sáu Bắc, bảy Bài, ba Nam, bốn Oán và các bài bản canh tân hoặc mới sáng tác của các nhạc sĩ đương thời.

Có chủ trương sáng tác rõ ràng 

Đây chính là điểm ưu việt của cổ nhạc Bạc Liêu trong khi xây dựng lực lượng nhạc sĩ kế thừa, Nhạc Khị đã đề ra chủ trương sáng tác phải có chủ đề hẳn hoi.

Đối với Nhạc Khị, người nhạc sĩ không những phải đàn hay mà còn phải sáng tác giỏi, sáng tác không chỉ lời ca mà cả nhạc bản theo một chủ đề nhất định.

Cũng vì có chủ trương sáng suốt như thế nên ông đã đào tạo ra một lực lượng kế thừa đông về số mạnh về chất - có thể nói đây là lực lượng lớn mạnh nhất của cổ nhạc Nam Bộ trong thời kỳ đó.

Các tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu trong tiền bán thế kỷ XX, đa số đều mang ý nghĩa nghệ thuật vị nhân sinh, mà đầu tiên là những đề tài lịch sử. Mở đầu là bài Thủy tổ Hồng Bàng được thể hiện trong bản Lưu thủy trường, thật là tuyệt diệu khi tác giả gắn ghép trang sử đầu tiên của lịch sử Việt Nam với bản đầu tiên của 20 bản Tổ, kế tiếp là một loạt triều đại Việt Nam được trình bày theo thứ tự các bản Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Phụng cầu, Giang nam.

Những bản canh tân hoặc những sáng tác mới đều mang nội dung biểu dương các vị anh hùng liệt nữ, đề cao những tấm gương yêu nước, trung dũng bất khuất kiên cường, những con người đã hy sinh vì đại nghĩa. 

Hoặc những bài ca phản ánh những cảnh có thực trong thời Pháp thuộc, những cảnh vợ xa chồng, cha xa con, gia đình ly tán... đặc biệt trong loại hình này Nhạc Khị đã mượn ý nghĩa Chinh phụ vọng chinh phu trong tác phẩm Tô Huệ chức cẩm hồi văn để khuyến khích những người học nhạc sáng tác.

Thực hiện theo tinh thần này các nhạc sĩ Bạc Liêu đã cho ra đời một loạt các bản: Dạ cổ hoài lang, Giọt mưa đêm, Liêu giang, Ngũ quan, Tứ bửu Liêu thành… đều là những tác phẩm bất hủ. Nhất là bản Dạ cổ hoài lang sau đó được chuyển thành Vọng cổ - đã trở nên bản trụ cột của đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ.

Đặc biệt trong thời kỳ này ít thấy những bài ca về tình yêu, nếu có thì cũng là những mối tình trong lịch sử như: Trần Khắc Chung - Huyền Trân công chúa, Mối tình của công chúa Ngọc Hân...

Nhà công tử Bạc Liêu - nơi thường tổ chức những buổi đờn ca tài tử trong tiền bán thể kỷ XX
 Nhà công tử Bạc Liêu - nơi thường tổ chức những buổi đờn ca tài tử trong tiền bán thể kỷ XX

Có phong trào sáng tác rộng lớn 

Sự ra đời của các bài bản cổ nhạc ở Bạc Liêu trong tiền bán thế kỷ XX đều có chủ trương phục vụ con người và đất nước, với những đề tài lịch sử rất thiết thực.

Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn đã thành một phong trào sáng tác rộng lớn. Mở đầu là bốn tác phẩm: Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê và Minh Hoàng thưởng nguyệt của Nhạc Khị được các giới nghệ sĩ đương thời tôn xưng là Tứ bửu.

Tiếp theo là các sáng tác mới của Nguyệt Chiếu, Phạm Nguơn Kiên, Cao Văn Lầu, Lê Văn Túc (Ba Chột)... trong đó có 12 bản của Cao Văn Lầu như: Dạ cổ hoài lang, Thu phong, Chim chiều, Giọt mưa đêm, Hậu đình lê…; 18 bản của Lê Văn Túc: Liêu giang, Ngũ quan, Từ bửu Liêu thành, Lý con sáo, Kim tiền bản… đều đã trở thành những bản nòng cốt của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.

Về lời ca thì Trịnh Thiên Tư đã có đầu công với hơn 100 bài ca được sáng tác cho các bài bản cũ và mới theo một trình tự hợp lý và một hệ thống hoàn bị.

Nhất là bảy Bài (bảy bản Bắc Lớn) từ trước nay rất ít có lời ca, người ta thường sử dụng bản đờn của bảy bản này trong lễ nhạc, nhờ Trịnh Thiên Tư đặt lời ca mà bảy Bài lại được áp dụng vào đàn ca tài tử.

Cách sáng tác đều khắp các bài bản cổ nhạc của Trịnh Thiên Tư từ trước đến nay chưa thấy có người thứ hai. Soạn giả Mộng Vân trong 16 năm cuối đời đã biên soạn 68 kịch bản và sáng tác hơn 30 nhạc khúc để làm bản gác đầu vô Vọng cổ - một sản phẩm nghệ thuật rất đặc biệt, loại hình này sau đó được chuyển thành Tân cổ giao duyên, thật là một kỳ tích ở Việt Nam.

Bản vọng cổ được phổ cập sâu rộng và được ứng dụng nhiều nhất 

Hiện nay mọi người đều biết bản Vọng cổ là hóa thân của bản Dạ cổ hoài lang - một kiệt tác của ông Cao Văn Lầu đã được ra đời tại Bạc Liêu hơn 90 năm trước. Bản Vọng cổ ngày nay đã có một vị trí gần như độc tôn trong đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ.

Trong quá trình biến đổi đã được các nhạc sĩ Bạc Liêu chủ động kéo dài mỗi câu từ nhịp 2 đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và từ năm 1941 đến nay nó đang dừng lại ở nhịp 32.

Mỗi một giai đoạn kéo dài là một biến đổi nghệ thuật - mỗi một công trình độc đáo của các tác giả: Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng.

Nó biến hóa và phát triển thật mạnh mẽ như giáo sư Trần Văn Khê đã từng nói: “Bài Vọng cổ khi sinh ra nó, nó không phải bị cố định với một nét nhạc nào, nó có sự đóng góp của bao nhiêu người nghệ sĩ từ bao nhiêu đời, làm cho nó phát triển lên mạnh mẽ, nó không những đi ra bên ngoài tỉnh Bạc Liêu mà nó còn đi ra bên ngoài tất cả trong miền Nam và bây giờ nó đi ra cả đất nước Việt Nam, người ta đều ưa thích.

Có thể nói bài Vọng cổ thiên hình vạn trạng, do đó nó có sức sống mãnh liệt, không thể gò bó nó trong một khuôn khổ nào”.

Nhà nghiên cứu Phan Thanh Nhàn cũng nói: “Nó đã đi vào cuộc sống nhân quần như một tất yếu của nghệ thuật. Vì vậy nó trong sáng, bình dị lạ thường. Nó đã và đang xâm thực vào hồn người và ở đó nó đã mọc rễ.

Nếu như ngày xưa, mỗi triều đại vua chúa bên Trung Hoa đã dành riêng cho mình một khúc nhạc như vua Nghiêu có khúc Đại chương, vua Thuấn có khúc Tiêu thiều… thì ở thế kỷ này, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã dành cho thế hệ người Việt Nam đương đại khúc nhạc Dạ cổ hoài lang.

Khúc nhạc ấy đã cắm một cột mốc vào lịch sử và phát sáng như một ngôi sao trên bầu trời âm nhạc Việt Nam”.

Nhu cầu thưởng thức bản Vọng cổ càng ngày càng lớn, số thính giả càng ngày càng đông; bản Vọng cổ hiện nay còn có mặt ở nước ngoài, thậm chí còn được một số học giả phương Tây rất chú ý.

Như ông G.Knops nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc cổ điển thế giới đã nói: “Bài ca này phản ánh bầu không khí áp bức mà người dân Việt Nam phải lay lất sống bên trong.

Lúc đó họ chỉ có một con đường duy nhất để tự do phát lộ tâm tư, đó là âm nhạc. Những bài ca đó chính là lịch sử, là tâm trạng của một dân tộc...”.

Hoặc như Ghisa - Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc của CHDC Đức trong Hội thảo về nhạc sĩ Cao Văn Lầu tổ chức tại Bạc Liêu năm 1992, khi nói về bản Vọng cổ và hát cải lương, đã phát biểu: “Là một loại âm nhạc truyền thống, mặc dù mới được trình diễn trong khoảng 70 năm nay.

Có thể nói nó là một trong các loại âm nhạc truyền thống mới nhất và là một trong những loại phát triển rộng rãi nhất”. Nhưng dù được ái mộ bao nhiêu hay có đi xa đến đâu, nó vẫn gắn liền với xứ sở với con người Bạc Liêu - nó vẫn là điệu Vọng cổ Bạc Liêu.

Tóm lại, cổ nhạc nói chung và đờn ca tài tử Bạc Liêu nói riêng với sự phát triển không ngừng trong tiền bán thế kỷ XX đã có nhiều đặc trưng nổi bật.

Đó cũng là những tiến bộ thật tích cực của con người Bạc Liêu trong việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tỉnh nhà.

Đồng thời những đặc điểm đó cũng là những điểm đặc sắc đã điểm tô sắc màu cho cổ nhạc và cải lương Nam bộ. Những đặc điểm đó đều là những thành quả lao động trí tuệ thật tuyệt vời của các nghệ sĩ tiền bối Bạc Liêu, cũng là những niềm tự hào của người Bạc Liêu hôm nay và mai sau.

Tháng 8/2010, Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Âm nhạc Việt Nam và 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam và Trung Bộ tiến hành công tác kiểm kê lập hồ sơ “Đờn ca tài tử Nam Bộ, Việt Nam” trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.                                                                                                                                               Năm 2012 Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Đờn ca tài tử vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku (Cộng hòa Azerbaijan) ngày 5/12/2013 đã khẳng định, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được công nhận vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.