Những đơn vị biểu diễn âm nhạc thừa lãng mạn, thiếu trách nhiệm

GD&TĐ - Dường như tâm lý 'xài chùa', cố tình lảng tránh trách nhiệm vẫn 'ngự trị' trong mỗi người.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Dù đang dần chiếm lĩnh thị phần thị trường âm nhạc Việt Nam khi không chỉ trụ tại Đà Lạt mà còn tỏa ra Hà Nội, Sài Gòn…, song Mây lang thang có thể sẽ vướng vào vụ kiện tụng với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Nguyên do được VCPMC đưa ra là, cùng với Lululola, Mây Sài Gòn, Mây lang thang (Đà Lạt, Hà Nội)… “không có thiện chí trả tiền bản quyền”.

Mấy năm qua, những Mây lang thang hay Lululola… đã tạo dựng khá thành công các điểm âm nhạc nhiều sắc màu để người yêu nhạc tìm về thư giãn trong mỗi ngày nghỉ lễ, Tết và cả cuối tuần.

Cũng vì, các điểm đến này luôn chu đáo về dịch vụ cũng như khéo tạo ra không gian lãng mạn, quyến rũ, đồng thời mời được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn. Việc người trẻ năng động góp sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh như thế là điều đáng được ghi nhận, khích lệ…

Tuy nhiên, thật đáng buồn khi nhắc đến câu chuyện bản quyền năm 2023, họ lại bị VCPMC không chỉ nêu tên, mà còn tính đến việc khởi kiện. Nhiều khi dư luận vẫn cho rằng, những vụ việc đó thường xảy ra đối với thế hệ trước hoặc không để ý hoặc vốn chưa quen với việc thực hiện trách nhiệm này.

Nhưng phản ánh đó chỉ đúng với thời điểm cách đây mấy chục năm còn hiện nay thuộc về những người hiểu tường tận về bản quyền, thậm chí còn bất ngờ hơn cả vì chủ nhân của các điểm âm nhạc mới đó phần lớn là người trẻ.

Mà với người trẻ thì hẳn rằng không mấy ai không biết đến trách nhiệm, nghĩa vụ này khi trực tiếp khai thác các sản phẩm âm nhạc, thậm chí lẽ ra họ cần là người tiên phong. Vậy nhưng…

Thực ra, không riêng gì với âm nhạc mà trong nhiều lĩnh vực giải trí khác như điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh, văn học… mỗi khi nhắc đến vấn đề bản quyền thường đem đến không ít nỗi băn khoăn, trăn trở.

Dường như tâm lý “xài chùa”, cố tình lảng tránh trách nhiệm vẫn “ngự trị” trong mỗi người. Không ít đơn vị hoặc cá nhân chỉ muốn thu lời từ việc kinh doanh sản phẩm sẵn có của người khác mà không xin phép cũng như trả tiền tác quyền.

Cùng với việc vi phạm pháp luật thì đây là cách ứng xử không đàng hoàng với các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng như thể hiện thái độ vô ơn với văn nghệ sĩ tâm huyết sáng tạo ra chúng.

Có thể, họ chỉ nhớ việc tính lời mà quên đi rằng, nếu không có tác giả viết nên những ca khúc hay ấy thì ca sĩ lấy gì để biểu diễn và khán giả lấy gì để nghe cũng như làm sao họ có thể dựng thành chương trình để kinh doanh?

Bởi vậy, mong rằng, người trẻ đừng chỉ quan tâm đến việc xây dựng không gian, câu chuyện âm nhạc thừa lãng mạn bằng các bản tình ca để thu lời mà thiếu trách nhiệm với vấn đề bản quyền của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.