Tự đánh mất cơ hội vì vấn nạn vi phạm bản quyền

GD&TĐ - Cần thiết hơn cả là sự tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trước bản quyền nghệ thuật để mở ra môi trường đầu tư lành mạnh.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Gần đây, khi trao đổi về vấn đề bản quyền, chuyên gia nghiên cứu về điện ảnh đã thở dài tiếc nuối khi nhắc đến sự vắng mặt của Walt Disney - một trong những studio lớn ở Hollywood - tại thị trường điện ảnh nước nhà. Nguyên do “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: Vấn nạn vi phạm bản quyền.

Nhìn lại, nếu Việt Nam chưa đủ điều kiện để Walt Disney nói riêng và nhiều studio nổi tiếng trên thế giới hướng đến là chuyện đã đành. Đằng này, rõ ràng họ đã để mắt tới và từng bày tỏ mong muốn có đại diện ở dải đất hình chữ S và sản xuất phim song cuối cùng vẫn phải bỏ ngỏ vì nỗi e ngại về tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta ngày càng phổ biến, phức tạp trên không gian mạng…

Có lẽ, đó chỉ là một trong vô số ví dụ cụ thể về sự tự đánh mất cơ hội của chính mình vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam chứ không riêng gì trong điện ảnh. Sự vi phạm này không chỉ dừng lại ở việc đánh cắp ý tưởng, mà còn có cả những sao chép nguyên xi và kinh doanh tưng bừng, thu về món lợi khổng lồ. Đã thế, khi bị phát hiện còn đánh trống la làng rằng… “oan lắm”, khiến bên bị xâm phạm bản quyền e ngại, chẳng muốn dây!

Thực tế này không chỉ cho thấy sự chậm trễ cũng như chưa thực sự sát sao, nghiêm minh của các cơ quan chức năng, mà còn phản ánh sự lười biếng sáng tạo, chỉ thích làm ăn chộp giật của không ít người.

Vì lợi ích cá nhân mà những kẻ ấy sẵn sàng đánh cắp bản quyền vô tội vạ, miễn sao càng thu được nhiều lợi nhuận càng tốt. Nếu bị xử lý chúng lập tức biến hình, biến tướng nhiều khi đến tức cười theo kiểu “trêu ngươi” khiến cơ quan chức năng theo mãi không bắt kịp.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại: Vậy, vì sao những trang web, nền tảng mạng xã hội phát phim, chương trình nghệ thuật vi phạm bản quyền ấy cứ sống tốt? Ai đã dung dưỡng chúng? Câu trả lời cũng có sẵn, rằng: Thường người Việt không chịu bỏ tiền để thưởng thức nghệ thuật mà chỉ muốn thưởng thức miễn phí. Có thể thấy đây là tâm lý rất phổ biến và nó trở thành căn bệnh cố hữu, khó chữa, thậm chí không ít lập luận còn ra sức bảo vệ tình trạng này cùng viện dẫn đó là cách hỗ trợ hữu ích góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người có thu nhập thấp!

Cũng bởi tâm lý đùm húm ấy đã thúc đẩy vấn nạn vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng và tạo thành điểm đen trong môi trường đầu tư lĩnh vực này, khiến nhiều đối tác quốc tế muốn bước vào vội dừng lại. Vậy nên, đừng “bắt con săn sắt” kiểu đó sẽ tự đánh mất cơ hội.

Cần thiết hơn cả là sự tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trước bản quyền nghệ thuật để mở ra môi trường đầu tư lành mạnh. Từ đó, các luồng gió lành sẽ tới thúc đẩy thị trường nghệ thuật phát triển, đồng thời kéo theo nhiều dịch vụ phát triển để đời sống tinh thần, vật chất được nâng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.