Những đơn hàng khổng lồ cho tiêm kích F-35

GD&TĐ - Tập đoàn Lockheed Martin tiếp tục có được những đơn hàng khổng lồ liên quan đến tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II.

Những đơn hàng khổng lồ cho tiêm kích F-35

F-35 vẫn giữ vững danh hiệu máy bay chiến đấu hiện đại bán chạy nhất trên thị trường vũ khí quốc tế và ngày càng tìm được nhiều người mua mới, cho dù giá của chúng đã tăng gấp 1,5 lần.

Hiện tại số lượng đơn đặt hàng đã vượt quá khả năng sản xuất của Lockheed Martin.

Điều này đã được Phó Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ (USAF) Richard Moore công bố trên trang Breaking Defense, trong một bài viết nói về vấn đề sản xuất F-35 Lightning II.

Hiện nay năng lực sản xuất đối với tiêm kích thế hệ thứ 5 này là 156 máy bay/năm. Và so với kế hoạch chế tạo F-16 chỉ 48 chiếc/năm từ năm 2025, sản lượng có vẻ khá ấn tượng, nhưng chưa thể so sánh với danh mục đơn đặt hàng theo công bố đã là 2.500 chiếc.

Đồng thời trong kế hoạch trước đây của Lockheed Martin, tốc độ sản xuất sẽ được mở rộng lên 180 chiếc mỗi năm, nhưng ngay cả khi đạt được mục tiêu này, họ vẫn phải mất 14 năm mới hoàn thành đơn hàng.

Trong khi đó, những khách hàng mới liên tục được thêm vào danh sách, ngoài ra nhiều người mua hiện tại đang mở rộng quy mô phi đội Lightning II của họ.

Dây chuyền sản xuất F-35 của Lockheed Martin đang chạy hết công suất.

Dây chuyền sản xuất F-35 của Lockheed Martin đang chạy hết công suất.

Nhưng để đẩy nhanh tiến độ, vấn đề không chỉ xảy ra với Lockheed Martin - hãng lắp ráp F-35. Muốn tăng cường sản xuất, tất cả các nhà cung cấp phải phối hợp chung, từ Northrop Grumman - công ty sản xuất các bộ phận thân máy bay, và Pratt & Whitney - công ty sản xuất động cơ, cho đến các nhà thầu nhỏ nhất cung cấp những thành phần khác.

Điều này có nghĩa đây là một nhiệm vụ to lớn đối với một số lượng đáng kể các công ty quốc phòng, không chỉ tại Mỹ mà trên toàn thế giới, bởi vì "con chip" của F-35 chính là sự tham gia của các quốc gia khách hàng vào quá trình sản xuất nó.

Bên cạnh đó, việc mở rộng sản xuất đồng nghĩa với đầu tư nguồn vốn đáng kể, theo ước tính của các nhà phân tích kinh doanh trong ngành, lợi nhuận sẽ chỉ xuất hiện sau 5 - 6 năm.

Trong bối cảnh đó, những khó khăn song song đã nảy sinh với F-35, liên quan đến thực tế là chiếc máy bay chiến đấu này thiếu khả năng bảo trì và sửa chữa, do vậy chỉ khoảng 55% có thể trực chiến và khó đạt được mục tiêu 90% vào năm 2027.

Nhưng trong tình huống này, một quy luật khá đơn giản của nền kinh tế thị trường được áp dụng. Nếu khách hàng không mua được sản phẩm này thì sẽ tìm đến sản phẩm khác.

Mặc dù hiện nay F-35 là tiêm kích thế hệ thứ năm duy nhất được xuất khẩu, các dự án như TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ, hay KF-21 của Hàn Quốc - mặc dù chúng có thể không sánh bằng F-35, nhưng sẽ tiếp cận khách hàng nhanh hơn nhiều và với mức giá thấp hơn.

Hàn Quốc mặc dù đã có dự án KF-21 nhưng vẫn tiếp tục đặt hàng F-35.

Theo Breaking Defense

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ