Những đổi mới bước đầu đã tạo lập cái "sáng", cái "trong" và đẩy lùi "tiêu cực"

Những đổi mới bước đầu đã tạo lập cái "sáng", cái "trong" và đẩy lùi "tiêu cực"

(GD&TĐ) - Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã báo cáo nội dung liên quan đến công tác bồi dưỡng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên và vấn đề bạo lực học đường trước đại biểu Quốc hội và cử tri. Không né tránh những vấn đề “nóng”, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, “Tư lệnh ngành” thể hiện trách nhiệm đối với ngành mình quản lý và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ về những khó khăn, phức tạp đang đặt ra cho lĩnh vực GD&ĐT.

Báo Giáo dục & Thời đại xin đăng tải nội dung bản báo cáo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

v
Ngành Giáo dục đang từng bước tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HS-SV

Bạo lực học đường có diễn biến phức tạp

Công tác giáo dục đạo đức trong học sinh, sinh viên mấy năm qua có những đổi mới tiến bộ và thu được những kết quả, nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó, trong tu dưỡng, trong hoạt động cộng đồng, có cả những tấm gương đã hy sinh thân mình vì việc nghĩa làm lay động chúng ta. Tuy nhiên bên cạnh những thành công đó, tình trạng bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức học sinh cũng có những diễn biến mới.

Nguyên nhân đầu tiên là do đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Các cháu còn nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm lý, muốn tự khẳng định mình và hiếu động, như các cụ thường nói "khôn đâu đến trẻ", cho nên không đúng được điều chúng ta mong muốn.

Nguyên nhân thứ hai, liên quan đến sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường kéo theo những mặt tiêu cực tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ.

Nguyên nhân thứ ba, những hành vi bạo lực xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội, ngay trong gia đình, trong cộng đồng, xuất hiện tràn ngập trong phim ảnh, Internet, sách báo cũng tạo nên những khó khăn trong việc giải quyết bạo lực và giáo dục đạo đức cho các cháu.

Về phía nhà trường và ngành Giáo dục, chúng tôi nhận thấy phương pháp và nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên còn hạn chế, chưa tạo được sự lôi cuốn chủ động, chưa tạo nên xúc động, xúc cảm, lay động cho các cháu; giáo dục đạo đức, lối sống bằng nêu những tấm gương tốt của những người xung quanh, của thầy, cô giáo và trong xã hội chưa được nhiều.

Việc phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý các cháu, đảm bảo môi trường an ninh cho các cháu học tập cũng như rèn luyện chưa được chặt chẽ, việc giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu nhiều các điều kiện cần thiết để triển khai. Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã có bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

v
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã đem lại hiệu quả tích cực

Những bước đi quyết liệt của ngành Giáo dục

Để giải quyết những vấn đề trên, trước hết, ngành Giáo dục đã chủ động đổi mới nội dung phương pháp dạy, học và thi cử; đặc biệt với môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên.

Ngành Giáo dục đã lồng ghép trong cuộc vận động Học tập, làm theo tấm gương của Bác, có cuộc vận động Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tấm gương tự học và sáng tạo. Bằng tấm gương thực tiễn của thầy, cô giáo, bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường để lôi cuốn, thuyết phục các cháu. Việc này được triển khai đồng thời theo hai hướng: Tôn vinh những tấm gương sáng trong Ngành, đồng thời xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm.

Bộ GD&ĐT đang triển khai rất mạnh mẽ việc thanh - kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực, trục lợi trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và một bộ phận cán bộ quản lý giáo viên nhằm làm cho môi trường giáo dục - nơi hình thành nhân cách của các cháu - được trong lành, thuận lợi.

Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy và thi. Như các đại biểu Quốc hội đã thấy, liên quan đến các môn như Văn, Lịch sử, Địa lý vừa rồi chúng ta đã có thay đổi, từ thay đổi trong cách thi như vậy đã truyền thay đổi sang cách học, cách dạy trong nhà trường.

Đồng thời với việc chỉ đạo đổi mới nội dung dạy, học và thi cử, chúng tôi đã chủ động chỉ đạo việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp.

Bộ đã ban hành và có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp hàng năm, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học và các địa phương, theo từng chủ đề và thời gian để phối hợp đồng bộ việc học văn hóa cũng như việc rèn luyện sức khỏe và hình thành nhân cách của các cháu. Trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, vừa rồi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đã có báo cáo, tôi xin không nói thêm.

Nền nếp GD trong nhà trường được củng cố mạnh mẽ nhờ các biện pháp giáo dục toàn diện
Nền nếp GD trong nhà trường được củng cố mạnh mẽ nhờ các biện pháp giáo dục toàn diện

Phong trào này được triển khai với 5 nội dung: Xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp; đổi mới phương pháp dạy và học; giáo dục kỹ năng sống; tổ chức hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; chăm sóc các giá trị và các di tích văn hóa lịch sử theo phương châm phát huy tổng hợp nguồn lực của nhà trường, xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể để chăm lo hoạt động của nhà trường cũng như việc học, việc rèn luyện của các cháu.

Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Trung ương Đoàn, Hội Phụ nữ Việt Nam đã ký kết các văn kiện phối hợp trong việc triển khai các công việc để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

7.000 di tích đã được giao cho ngành Giáo dục để các cháu cùng các thầy cô giáo chăm sóc các di tích này, tìm hiểu, học tập, sưu tầm, giới thiệu với các quan khách, với những người thăm quê, thăm trường, thăm di tích tạo nên sự hiểu biết và lòng yêu mến, biết ơn đối với cha ông, đối với quê hương, đất nước.

Việc triển khai dạy hát dân ca được sự phối hợp của ngành Văn hóa đã có những kết quả rất tốt. Việc này một mặt bồi dưỡng tình yêu quê hương, giữ gìn bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa, cũng góp phần để bồi đắp tình cảm của các cháu.

Về các bảo tàng, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai theo ngành dọc, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc miễn và giảm giá vé khi các cháu vào các bảo tàng, di tích tham quan, học tập. Việc này cũng thuận lợi cho việc chúng tôi đổi mới việc dạy Văn, dạy Sử, các môn Khoa học, xã hội và nhân văn.

Với Trung ương Đoàn, nội dung tập trung vào việc tổ chức các hoạt động tập thể để hình thành nhân cách, lối sống, thế giới quan của học sinh, sinh viên thông qua nhiều hoạt động, rõ nhất và tất cả chúng ta đều thấy là hoạt động thanh niên tình nguyện đã có trong nhiều năm và thu được những kết quả rất tốt.

Với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi phối hợp để triển khai ở các nhà trường, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc việc đảm bảo ba đủ cho các cháu: đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở, để cho các cháu đi học. Triển khai việc chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng người có công với nước, hoàn cảnh khó khăn thể hiện lòng kính trọng biết ơn, chia sẻ giúp đỡ khó khăn.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã có ký kết với Bộ Công an Thông tư số 34 liên quan đến việc phòng, chống ma túy, đảm bảo an ninh trong nhà trường và đảm bảo an ninh trong môi trường nơi các cháu đi từ nhà đến các trường, lớp học, tránh bị bạo lực, các cháu đánh nhau, các cháu bị người khác đánh, bị trấn lột. Việc này được ngành Công an và tất cả các địa phương triển khai phối hợp rất hiệu quả.

Tương tự, Bộ GD&ĐT có phối hợp ký kết quy chế phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải để triển khai việc đảm bảo an toàn tính mạng của các cháu trong quá trình đi học, nhất là đối với các cháu ở bậc học THCS, THPT.

Với các hội khoa học, chúng tôi ký kết quy chế và trên thực tế đã triển khai khá tốt sự phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử, Hội Nhà văn, Hội Toán học, Hội Vật lý và nhiều hội khác có thể triển khai việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học các môn khoa học này.

Đồng thời, thông qua việc dạy, việc học, thi cử để góp phần bồi dưỡng hình thành nhân cách, nhận thức cho các cháu để vừa nâng cao đạo đức cũng như đẩy lùi bạo lực.

Tôi được báo cáo: Rất nhiều bài thi Văn năm nay mực nhòe nước mắt của người viết và nước mắt của cả thầy, cô giáo khi chấm bài. Ngay sau khi thi môn Văn xong, một tờ báo đã mở diễn đàn. Nó tạo nên sự lay động cho các cháu, cho cả các thầy cô giáo và người lớn.

Đây không chỉ là bài thi, đây là một bài học bổ ích. Những đổi mới bước đầu của Ngành theo chúng tôi đánh giá đã có kết quả trong việc tạo lập cái "sáng", cái "trong" và đẩy lùi "tiêu cực" trong Ngành, trong nhà trường và trong xã hội.

__________________

(Đầu đề và tên các tiểu mục do Tòa soạn đặt)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ