Giúp trẻ hòa nhập môi trường mới
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, không ít phụ huynh nghĩ rằng cho con đi học chữ càng sớm nghĩa là con mình sẽ dễ thắng thế khi vào tiểu học. Thực tế việc làm đó là không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ dưới 6 tuổi. Những minh chứng cho thấy, nhiều đứa trẻ do chỉ biết học chữ, học tính mà không được chuẩn bị một cách đầy đủ về nhiều mặt nên càng học càng đuối.
Cái vốn có trước không thể chỉ sinh sôi nảy nở được, thậm chí còn “cùn” đi. Một số trẻ do học trước nên sinh ra chủ quan khi phải học lại từ đầu. Từ đó mà sinh ra thiếu tập trung trong học tập vì không học được điều gì mới lạ so với cái mình đã biết. Điều nguy hại hơn là nếu việc học trước lại phạm sai lầm như: Tư thế ngồi, cách cầm bút, khả năng phát âm thì việc khắc phục, uốn nắn sau này ở trường tiểu học là cả một công việc khó khăn, căng thẳng.
Cột mốc 6 tuổi vào lớp một là cột mốc đặc biệt quan trọng. Trong thời gian đầu mới đến lớp Một, trẻ có thể gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc thích nghi, thích ứng trường học ở trẻ. Đối với trẻ 5 tuổi hoạt động vui chơi đang giữ vai trò chủ đạo.
Chơi là một hoạt động mang tính chất thoải mái, không bắt buộc. Trong khi chơi trẻ hoàn toàn được tự do, tùy theo tình huống mà có thể chơi trò này hay trò khác, thích thì chơi, không thích thì thôi, chứ không thể bắt ép được.
Khi chính thức vào lớp Một, trẻ được gọi là một học sinh đúng nghĩa. Cũng chính vì sự thay đổi môi trường, yêu cầu chung nên một số trẻ rất sợ đi học, đến trường chỉ là sự bắt buộc hoặc có trẻ đến trường chỉ để quấy phá nghịch ngợm. Giải quyết điều này không khó khi cha mẹ tập cho trẻ có thói quen quan sát, đặt câu hỏi và phụ huynh cố gắng trả lời một cách tối đa, khen thưởng khi trẻ biết phát hiện cái mới...
Điều phụ huynh cần nhận thức trước tiên trong vấn đề chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một là khó khăn của các bé khi vào lớp Một không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết... mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Phụ huynh có thể giới thiệu về trường tiểu học cho con mình, dẫn trẻ đi ngang trường tiểu học để quan sát, nhìn ngắm các anh chị học tập - vui đùa...
Tập trung trước hết vào tâm lý của trẻ
Sự chuẩn bị cho trẻ về hoạt động học mang tính chất giúp trẻ làm quen, thích nghi và xây dựng nên những hứng thú tích cực với môn học. Việc chuẩn bị cho trẻ có những kiến thức về đọc và làm toán cần dựa trên nguyên tắc là cung cấp những biểu tượng ban đầu trong lĩnh vực học tập, góp phần hình thành nên tâm thế “sẵn sàng đi học” nơi trẻ.
Phụ huynh nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên, cần lựa chọn những sách có hình ảnh sinh động ngoài bìa nhằm gây hứng thú cho trẻ đối với sách.
Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều quá quan tâm đến mặt trí tuệ, kiến thức của con trẻ mà bỏ quên yếu tố tâm lý. Điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho trẻ tâm lý thích đến trường, có kỹ năng giao tiếp với bạn, có kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng điều chỉnh nhận thức, hành vi…
Việc đi học đòi hỏi trẻ có năng lực trí tuệ. Tuy vậy, đừng nghĩ rằng năng lực trí tuệ chính là sự hiểu biết trước hay tri thức của trẻ. Năng lực trí tuệ bắt đầu đến trường bộc lộ trước hết ở sự quan sát một cách tập trung những hiện tượng hoặc quá trình trực quan cụ thể trong tự nhiên, xã hội và nhận ra những mối quan hệ giữa chúng. Sự mô tả chính xác bằng lời về những đối tượng, quá trình và hiện tượng mà trẻ biết đến trong trò chơi và trong hoạt động hàng ngày.
“Chuẩn bị cho trẻ vào trường phổ thông không phải là việc làm thay cho giáo dục tiểu học. Không nên dạy trước những gì mà sau này trẻ sẽ được học ở trường phổ thông. Không nên yêu cầu trẻ phải như một học sinh thực thụ ngay khi còn ở tuổi mẫu giáo.
Bảo đảm cho trẻ được sống đúng lứa tuổi của mình, vẫn hồn nhiên, vui tươi, không làm cho trẻ bị già đi trước tuổi là những mục tiêu chính đáng và khoa học. Hãy đầu tư cho con mình có tầm nhìn và có trọng điểm. Đó là món quà quý giá nhất mà phụ huynh thể hiện sự yêu thương con cái mình thật sự” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra lời khuyên.
“Chuẩn bị trí tuệ có nghĩa giúp trẻ có kỹ năng về các thao tác tư duy. Cần hình thành ở trẻ những phẩm chất của tư duy: Tính linh hoạt, tính mềm dẻo, tính khái quát... tập cho trẻ phân tích, so sánh, phán đoán các sự vật hiện tượng trên bình diện thực tiễn lẫn suy luận”.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn