Tết đến xuân về, trẻ nhỏ được nghỉ lễ dài ngày cũng là khoảng thời gian các bé rất dễ rơi vào tình trạng ngồi lì trước màn hình điện thoại, ipad cả ngày không biết chán.
Theo số liệu báo cáo mới nhất, trẻ em đã dành khoảng 6,5 giờ mỗi ngày để xem điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
Các chuyên gia tâm lý học cảnh báo những mối nguy hiểm khôn lường có tác động tiêu cực tới sức khỏe của bé do những hệ lụy từ việc này, trong đó có 9 vấn đề nổi cộm.
Các bậc cha mẹ hãy lưu tâm đến việc sử dụng điện thoại của con em mình hơn nữa để giảm thiểu những tác dụng ngoài mong muốn.
Nghỉ lễ dài ngày dễ khiến các bé đắm chìm trong thế giới ảo chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh (Ảnh minh họa)
1. Phá vỡ mối quan hệ cha mẹ và con cái
Trong bất cứ gia đình nào, mối liên hệ ràng buộc, mật thiết giữa cha mẹ và con cái luôn là mối quan tâm và giữ vị trí quan trong hàng đầu. Nhưng các nhà tâm lý học hiện đang cho rằng điện thoại thông minh có thể phá vỡ mối quan hệ đó.
Mặc dù sống chung dưới 1 mái nhà, nhưng trẻ dành thời gian nhiều cho việc xem điện thoại thay vì giao lưu, trò chuyện và tương tác cùng bố mẹ, các anh chị em trong gia đình sẽ dần dẫn đến sự xa cách và không tạo dựng được sự thân thiết vốn có.
Trẻ sẽ không còn muốn tham gia bất cứ hoạt động gì ngoài việc bấm nút thích và trả lời bình luận qua chiếc điện thoại.
2. Trẻ thờ ơ, không còn sự nhạy bén
Điện thoại thông minh được xem như cánh cổng đưa trẻ lạc vào một thế giới ảo chứa đầy thông tin và hình ảnh. Có rất nhiều công cụ và lời khuyên hữu ích xuất hiện trên các trang mạng mà chúng ta có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc hoặc các mối quan hệ.
Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít nội dung bạo lực, mối đe dọa trực tuyến và những vấn nạn khác gây ảnh hưởng không tốt tới trẻ nhỏ.
Nghiên cứu đã cho thấy việc trẻ tiếp xúc nhiều với các nội dung trên mạng, xem điện thoại quá nhiều sẽ hình thành sự thờ ơ, làm giảm sự nhạy bén của trẻ, lâu dần khiến trẻ chấp nhận các hành vi xấu như một hiện tượng bình thường để giải quyết vấn đề.
Xem điện thoại nhiều dẫn đến sự thờ ơ, giảm độ nhạy bén của trẻ, lâu dần khiến trẻ chấp nhận các hành vi xấu mà coi đó như việc bình thường (Ảnh minh họa).
3. Làm thay đổi suy nghĩ về sự trưởng thành
Phần lớn khi chúng ta còn nhỏ sẽ có suy nghĩ muốn trở thành người lớn thật nhanh bởi chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của người trưởng thành đầy thú vui, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, ở với bất cứ ai mà chúng ta thích, mua tất cả các loại kẹo, được đi giày cao gót hoặc tự lái xe mà không bị ai trách mắng.
Tuy nhiên, theo các báo cáo và khảo sát khác nhau, những nội dung trên các trang mạng vô tình làm thay đổi tư tưởng, suy nghĩ về quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ.
Lứa tuổi thanh thiếu niên ngày nay có xu hướng sống chậm lại, không tham gia vào các hoạt động người lớn như hẹn hò, quan hệ tình dục, làm việc có lương, sống tách rời gia đình, cha mẹ.
4. Cản trở các kỹ năng liên kết xã hội
Việc ngồi lì trước màn hình điện thoại đang dần khiến thanh thiếu niên ngày nay lười vận động, không muốn ra khỏi nhà để giao lưu và tìm kiếm bất kỳ mối quan hệ hay kết nối xã hội nào bên ngoài.
Trẻ không cần các mối quan hệ đó bởi chỉ cần vài cú nhấp chuột là họ đã có thể thêm bạn dễ dàng. Chiếc điện thoại thông minh đã làm cho con đường kết bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao trẻ có thể gặp rất nhiều khó khăn về mặt xã hội khi bước ra ngoài thế giới thực.
Một bé trai đang phải điều trị co giật, liệt cơ mặt do xem điện thoại quá nhiều.
5. Trầm cảm, lo lắng
Hiệp hội Tâm lý học - Anh (The British Psychological Society) cho biết hệ quả của việc trẻ ôm khư khư điện thoại sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tâm thần của trẻ, điển hình là rối loạn tâm trạng, hay lo lắng, trầm cảm và các vấn đề khác. Trẻ có thể có phản ứng tâm trạng thái quá với các nội dung trên mạng xã hội.
Thêm vào đó, trẻ không phải lúc nào cũng có thể hiểu được ranh giới giữa môi trường mạng truyền thông và thực tế xã hội.
6. Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa việc tăng thời gian sử dụng điện thoại và tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ ở trẻ em cùng các vấn đề sức khỏe và hành vi nghiêm trọng khác.
Ví dụ có thể kể đến như thành tích học tập kém, hành vi mạo hiểm, suy giảm khả năng nhận thức. Cha mẹ hãy nhớ rằng trẻ cần được nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc để chuẩn bị năng lượng và sức khỏe đảm bảo cho các hoạt động vào ngày hôm sau.
7. Tăng nguy cơ béo phì
Các nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trẻ sử dụng điện thoại thông minh có thể dẫn đến tình trạng béo phì. Khi trẻ suốt ngày chỉ chăm chú vào chiếc điện thoại thì sẽ không còn thời gian cho các hoạt động thể chất hoặc ít nhất là đi chơi cùng bạn bè.
Ngoài ra, khi xem điện thoại quá lâu trẻ sẽ có xu hướng uống ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trẻ sử dụng điện thoại thông minh có thể dẫn đến tình trạng béo phì (Ảnh minh họa).
8. Rối loạn hành vi
Một số nghiên cứu cho thấy thời gian trẻ dùng điện thoại càng nhiều càng khiến trẻ có nguy cơ bị rối loạn hành vi, thiếu tập trung, hiếu động thái quá.
Những vấn đề này kéo theo sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ cha mẹ và con cái, các mối quan hệ xã hội khác của trẻ. Một nghiên cứu của Tổ chức Sinh sản Quốc gia (Đan Mạch) cũng khẳng đinh những vấn đề rối loạn hành vi của trẻ nhỏ có mối liên hệ với việc sử dụng điện thoại thông minh.
9. Cảm giác vui vẻ, hạnh phúc ở trẻ không còn
Theo kết quả khảo sát của tổ chức The Monitor the Future, trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên vốn là đối tượng xem điện thoại nhiều hơn mức cho phép. Điều này dẫn tới hệ quả là cảm giác vui vẻ, hạnh phúc ở trẻ không còn.
Trong cuộc khảo sát này, trẻ sẽ trả lời bảng câu hỏi về mức độ hài lòng kèm theo thời lượng sử dụng điện thoại. Đây cũng được xem là một bằng chứng hùng hồn về việc thế giới ảo qua điện thoại không thể thay thế các mối quan hệ và sự thực ở thế giới thực.
Trẻ quá đam mê thế giới ảo mà bỏ qua những hoạt động thực bên ngoài, dẫn đến hàng loạt hệ lụy nguy hiểm (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu được hết những hệ lụy này và cho con sử dụng điện thoại vô tội vạ mà không kiểm soát, nhất là trong dịp nghỉ lễ dài ngày.
Ngay từ bây giờ cha mẹ hãy cùng nhìn lại và có kế hoạch cho trẻ sử dụng điện thoại một cách hợp lý hơn để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho con em mình.