Giống như tình yêu, tình bạn đòi hỏi lòng tốt, sự đồng cảm và xem xét quan điểm của người khác.
Tạo mối quan hệ tôn trọng nhau
Phyllis L. Fagell - cố vấn trường học tại Trường Sheridan ở Washington chia sẻ về câu chuyện khi Melissa (14 tuổi) mới chia tay bạn trai. Khi đó, nữ sinh này không hiểu tại sao người yêu mình dần mất hứng thú.
Là cố vấn trường học của Melissa vào thời điểm đó, bà Fagell đã lắng nghe những tâm sự từ học sinh của mình. Khi đó, Melissa khóc và hỏi rằng, em đã làm gì sai. Nữ sinh này lo rằng, liệu có phải do em đã nhắn tin cho bạn trai quá nhiều? Hoặc, em có làm bạn trai xấu hổ khi trang trí tủ đồ của người yêu?
Bà Fagell cho biết thường nhận được nhiều câu hỏi từ học sinh, không chỉ khi các em phải lòng ai đó, hay cha mẹ trẻ sắp ly hôn. Trẻ thường đặt câu hỏi về các mối quan hệ. Những câu hỏi phổ biến gồm: Làm thế nào để biết liệu ai đó thích mình? Nếu một chàng trai sắp chia tay, liệu phái nữ có nên làm điều đó trước không?
“Tôi lớn lên trong những bộ phim hài lãng mạn. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, tình yêu thường âm thầm nảy nở từ tình bạn. Những ảnh hưởng của phương tiện truyền thông ngày nay có thể khác, nhưng kết quả thì tương tự nhau. Nếu chúng ta không dạy con mình về tình yêu thương, thế giới bên ngoài sẽ làm điều đó thay chúng ta”, nữ chuyên gia chia sẻ.
Ông Richard Weissbourd - một nhà tâm lý học trẻ em tại Harvard và là tác giả của cuốn sách “The Father We Mean to Be”, đã kêu gọi người lớn dạy bọn trẻ cách tạo ra mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và lâu dài.
“Chúng ta dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho mọi việc, nhưng lại không làm gì để chuẩn bị cho tình yêu của trẻ. Chúng ta đã tạo ra khoảng trống mà tivi, phim và video lấp đầy và có rất nhiều ý tưởng non nớt về tình yêu”, ông Weissbourd chia sẻ.
Phụ huynh nên chia sẻ những trải nghiệm của mình về tình yêu. Ảnh minh họa. |
Truyền đạt tinh tế
Khi những đứa trẻ học cách có những mối quan hệ lành mạnh, tác động sẽ rất sâu rộng. Becky Sipos - Giám đốc điều hành của Character.org và là một cựu giáo viên, lưu ý rằng những người trẻ tuổi có thể giải quyết vấn đề giữa các cá nhân sẽ gắn kết và hiệu quả hơn trong trường học cũng như cuộc sống.
Tuy nhiên, không có kế hoạch chi tiết để dạy trẻ em về tình yêu. Bà Sipos nói: “Tình yêu là điều tối thượng trong việc nhận ra giá trị của người khác”. Tình yêu là một chủ đề khó, vô định hình, đòi hỏi sự nhạy cảm, nhưng câu trả lời không phải là trốn tránh nó hoàn toàn.
Theo các chuyên gia, trước hết, cha mẹ cần cung cấp cho trẻ những kinh nghiệm mình có. Nhiều người lớn có sự khôn ngoan về tình yêu nhưng cảm thấy không an toàn về khả năng tư vấn cho trẻ em.
Theo ông Weissbourd, người lớn cần truyền đạt sự tinh tế, dịu dàng và tập trung cần thiết để phát triển mối quan hệ có ý nghĩa với ai đó.
Sẽ dễ dàng nhất để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh khi chúng ta ở trong một mối quan hệ đó. Song, cha mẹ cũng có thể rút ra những gì họ đã học được từ trải nghiệm tốt và xấu. Cho dù đã ly hôn, hoặc kết hôn với tình yêu đầu tiên của mình, hay chọn sai đối tác, mọi người đều mang đến một góc nhìn có giá trị cho cuộc thảo luận.
Trong khi đó, Kenneth Ginsburg - chuyên gia y học cho trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia và là tác giả của cuốn sách “Raising Kids to Thrive” cho biết: “Cung cấp thông tin cho trẻ em theo cách tôn vinh trí thông minh của chúng. Trẻ đang chuyển từ suy nghĩ cụ thể sang suy nghĩ trừu tượng và việc thuyết trình sẽ không hiệu quả. Khi người lớn tích cực thu hút trẻ em tham gia đối thoại, chúng sẽ có kết luận của riêng mình và ít có khả năng phản đối nội dung hơn”.
Phụ huynh cũng nên tìm thời điểm để có những cuộc trò chuyện ý nghĩa và nói về việc đã yêu người bạn đời của mình như thế nào. Sau đó, hãy nêu những phẩm chất trong tình yêu mà mình ngưỡng mộ. Hỏi trẻ tình yêu có ý nghĩa như thế nào đối với chúng.
Ông Thomas Lickona - một nhà tâm lý học phát triển và giáo sư danh dự tại SUNY Cortland, cho rằng, phụ huynh và trẻ nên cùng nhau đọc các lời khuyên về mối quan hệ. Trước khi đọc, hãy yêu cầu trẻ chia sẻ lời khuyên mà chúng sẽ đưa ra.
Theo các chuyên gia, tình yêu thường âm thầm nảy nở từ tình bạn. Ảnh minh họa. |
Bắt đầu từ tình bạn
Cuộc trò chuyện sẽ trở nên hiệu quả nhất khi người lớn coi trẻ em là chuyên gia trong cuộc sống. Chuyên gia Ginsburg cho biết: “Bạn vẫn có thể đặt ra các quy tắc và nuôi dạy một đứa trẻ an toàn, khỏe mạnh, có đạo đức trong khi tôn trọng lẫn nhau. Khi người lớn có lòng trắc ẩn và tránh đưa ra các giả định, họ sẽ làm gương cho các kỹ năng giao tiếp tốt. Điều đó cũng làm tăng khả năng trẻ muốn chia sẻ chi tiết về các mối quan hệ của chúng. Điều cha mẹ nói sẽ không quan trọng bằng hành động họ làm mẫu”.
Phụ huynh cũng nên bắt đầu bằng việc dạy trẻ các kỹ năng kết bạn. Tình bạn là thực hành tốt cho sự lãng mạn. Giống như tình yêu, nó đòi hỏi lòng tốt, sự đồng cảm và xem xét quan điểm của người khác. Thảo luận về các lựa chọn bạn bè, tiếp cận các chủ đề như độ tin cậy và sự hào phóng. Trẻ em sẽ tiếp thu nhiều ý tưởng về tình yêu thương thông qua tương tác với bạn đồng trang lứa.
Cha mẹ có thể dạy trẻ về nghĩa vụ đạo đức của chúng với nhau bằng cách đặt ra những câu hỏi giả định: Con sẽ làm gì nếu bạn thân lừa dối bạn trai? Có ổn không khi một sinh viên năm cuối hẹn hò với một sinh viên năm nhất?
Đừng bỏ qua những tác động bên ngoài. Các phương tiện truyền thông có thể gây bất lợi, nhưng người lớn có thể sử dụng nó để mang lại lợi ích cho trẻ. Chuyên gia Ginsburg cho rằng, bằng cách xem các chương trình hoặc phim cùng con, cha mẹ có thể thảo luận về các vấn đề trong mối quan hệ mà không đi sâu vào vấn đề cá nhân. Cha mẹ cũng có thể nói về tình yêu và sự tôn trọng khi nghe một bài hát có ca từ phân biệt giới tính hoặc phụ nữ.
Ngoài ra, kiến thức truyền thông là một kỹ năng quan trọng. Theo các chuyên gia, những cuộc nói chuyện về tình dục là quan trọng, nhưng nó không phải tất cả. Khi cha mẹ “nói chuyện”, chuyên gia Ginsburg cho rằng, đó là về khoa học, không phải về cách sống lành mạnh. Cha mẹ có thể giải thích rằng, tình dục là một hành động và khi tách rời khỏi cảm xúc thì nó hoàn toàn là thể chất.
“Việc làm tình có thể bao gồm quan hệ tình dục và nâng cao trải nghiệm. Tuy nhiên, nó chỉ có thể diễn ra trong một mối quan hệ tin cậy và tôn trọng lẫn nhau”, ông Ginsburg cho biết.
Khi chỉ tập trung vào cơ chế của tình dục, cha mẹ cũng không chuẩn bị cho trẻ những rủi ro về mặt cảm xúc.
“Chúng ta phải cho trẻ biết rằng, sẽ có những lúc thăng trầm và tổn thương không thể tránh khỏi cho đến khi con tìm được người phù hợp. Mặc dù trường học có thể đề cập đến các khía cạnh của giáo dục giới tính, nhưng phụ huynh phải nói về sự chính trực, có đi có lại và trung thực ở nhà”, ông Ginsburg khuyến khích. Trẻ em cũng cần hiểu rằng phản ứng hóa học mạnh mẽ không nhất thiết phải chuyển thành các mối quan hệ tốt đẹp. Tình yêu có nhiều sắc thái hơn.
Cũng theo các chuyên gia, trường học có thể đóng một vai trò quan trọng. Bà Julie Frugo - hiệu trưởng Trường bán công Premier ở St. Louis cho biết, cần xây dựng sự đồng cảm và thoải mái của các nhà giáo dục khi đề cập tới chủ đề này.
“Chúng tôi giúp giáo viên hiểu những gì đang diễn ra trong nhóm tuổi này về mặt nhận thức, xã hội và cảm xúc. Nhờ đó, để họ có thể phát triển mối quan hệ chân thực, đáng tin cậy với trẻ em. Họ có thể là những đứa trẻ 12 tuổi chia tay với bạn trai của mình, nhưng đó là sự đau lòng thật, trong khoảnh khắc đối với trẻ”, bà Frugo cho biết.
Trường của bà Frugo cung cấp các môn tự chọn riêng biệt dành cho nam sinh và nữ sinh. Qua đó, giúp đào sâu hơn vào các mối quan hệ so với giáo dục giới tính truyền thống.
Nữ cố vấn trường trung học sẽ giảng dạy cho các nữ sinh trong khóa học này. Trong đó, học sinh có thể thảo luận về cách đối phó với một người bạn trai thích kiểm soát, người luôn đòi gặp.
Trong khi đó, nam cố vấn sẽ dạy lớp nam sinh. Theo các chuyên gia, nếu muốn con mình tận hưởng trọn vẹn món quà, phụ huynh cần dạy trẻ cách bước từng bước hướng tới tình yêu.
Tình dục lành mạnh bắt đầu bằng việc quan tâm đến ai đó. Theo ông Ginsburg, điều tuyệt vời khi nói về tình yêu theo cách này là nó cho phép trẻ em có cảm giác về tình dục trong một thời gian rất dài trước khi chúng nghĩ đến việc quan hệ thực sự. Trẻ có thể cảm thấy như thể mình đang lớn lên chỉ bằng cách nắm tay hoặc để ý đến ai đó.