Qua theo dõi tình hình thực tế, cũng như báo cáo của Chính phủ, đánh giá khách quan của các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cho thấy nền kinh tế Việt Nam năm 2014 có 3 điểm sáng rõ nét nhất, đó là kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và quá trình tái cơ cấu kinh tế.
Thứ nhất là kinh tế vĩ mô năm 2014 tiếp tục ổn định, củng cố và vững chắc hơn năm 2013. Với mức tăng trưởng kinh tế dự báo trên 5,8% cho thấy đây là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ từ 2011 - 2014 đạt và vượt kế hoạch. Lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
Điểm sáng thứ hai là thị trường tài chính tiền tệ có ổn định hơn, biểu hiện qua các yếu tố như lãi suất huy động, cho vay đều giảm mạnh khoảng 8 - 9% so với trước đây; Dự trữ ngoại hối tăng mạnh; Tỷ giá giữa tiền đồng với đô la Mỹ ít biến động. Điều này củng cố tâm lý thị trường, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất xuất khẩu; Thị trường chứng khoán có nhiều chuyển biến tích cực và được đánh giá nằm trong 5 thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới.
Điểm sáng thứ ba, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Cụ thể, lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước bao gồm cổ phần hóa và thoái vốn đã được đẩy nhanh, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 16/3/2014. Đây được coi là điểm nhấn trong điều chỉnh chính sách tháo gỡ khó khăn về thoái vốn cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2014, tốc độ thoái vốn đã gấp 3,5 lần so với năm 2013; công tác cổ phần hóa tiến triển tích cực không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng đẩy nhanh cổ phần như Tập đoàn Dệt may, Việt Nam Airline...
Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Đối với tái cơ cấu ngân hàng đã đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định tính thanh khoản, nợ xấu từng bước được xử lý; hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về tái cơ cấu đầu tư công được triển khai đúng hướng, có chuyển biến tích cực bằng việc giảm dần đầu tư phân tán dàn trải, tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư...
Nhờ sự chuyển biến tích cực ấy, các đối tác quốc tế đã đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Các hãng đánh giá tín nhiệm trong năm vừa rồi có nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam: Moody"s nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức B2 lên B1 cùng với đánh giá triển vọng và ổn định. Fitch Ratings đã nâng tín nhiệm nợ nội địa, nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức B+ lên BB- và kèm theo triển vọng tích cực.
Những khó khăn thách thức đối với kinh tế của năm 2014 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2015, đó là một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc, đáng chú ý là phải quan tâm nhất là cân đối thu chi ngân sách trong điều kiện nợ công cao và giá dầu thô xuất khẩu giảm sâu. Tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thách thức nữa là nợ công của chúng ta cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có thực hiện khá quyết liệt, nhưng còn chậm, không được như mong muốn.
Rủi ro còn lại là khả năng, năng lực quản lý điều hành tổ chức thực hiện của chúng ta như thế nào có tiếp tục được đà từ năm 2014 để tạo ra cái mới hay không.
“Năm 2015 là năm sẽ có nhiều đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi… Những luật này liên quan tới thể chế kinh tế thị trường có cách tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, cộng với cam kết của Chính phủ đưa môi trường đầu tư kinh doanh của ta xuống mức bình quân của ASEAN - 6, nhất là trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, đất đai… sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế”.
Ông Vương Đình Huệ