Những điểm nhấn trong bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Putin tại SPIEF

GD&TĐ - Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) hôm qua (17/6), Tổng thống Nga Putin đã có bài phát biểu quan trọng mà Điện Kremlin đánh giá là ‘cực kỳ quan trọng’. Dưới đây là những ý chính của bài phát biểu.

 Tổng thống Nga Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg.
Tổng thống Nga Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg.

Trật tự thế giới cũ đã bị “cuốn theo chiều gió”

Theo ông Putin, khi Mỹ tuyên bố chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ tự cho mình là “sứ giả của Chúa trên trái đất”, với những quyền lợi được coi là thiêng liêng và không có nghĩa vụ. Tuy nhiên, các trung tâm quyền lực mới đã xuất hiện và có quyền bảo vệ hệ thống, mô hình kinh tế và chủ quyền của chính họ.

“Những thay đổi thực sự mang tính cách mạng, mang tính kiến tạo trong địa chính trị, nền kinh tế toàn cầu, trong lĩnh vực công nghệ, trong toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế” là “cơ bản, then chốt và không thể thay đổi” – ông Putin nói và cho biết “thật sai lầm khi cho rằng người ta có thể chờ đợi thời điểm thay đổi hỗn loạn kết thúc và mọi thứ sẽ trở lại bình thường như nó vốn có. Nhưng điều này sẽ không xảy ra”.

Các biện pháp trừng phạt chống Nga phản tác dụng

Khi Mỹ và các đồng minh phát động chiến dịch “hủy bỏ” Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, họ hy vọng nền kinh tế và xã hội Nga sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến những người tạo ra chúng, làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế và xã hội, làm tăng chi phí thực phẩm, điện và nhiên liệu, đồng thời làm tổn hại đến chất lượng cuộc sống ở phương Tây, đặc biệt ở châu Âu.

“Liên minh châu Âu đã hoàn toàn mất chủ quyền chính trị của mình và giới tinh hoa quan liêu của họ đang múa theo giai điệu của người khác, chấp nhận bất cứ điều gì mà họ nghe được từ phía trên, gây tổn hại cho người dân và nền kinh tế của chính họ” – ông Putin nói.

Theo Tổng thống Nga, công dân EU sẽ phải trả giá cho “những quyết định khác với thực tế và trái với lẽ thường” vì thiệt hại trực tiếp từ các lệnh trừng phạt có thể vượt quá 400 tỷ USD trong 1 năm.

Không nên đổ lỗi Nga về giá năng lượng và lạm phát gia tăng

Tổng thống Nga cho rằng không nên đổ lỗi cho Nga khi giá năng lượng và lạm phát gia tăng. “Đừng trách chúng tôi, mà hãy tự trách mình” – Tổng thống Nga nói.

Theo ông Putin, việc EU “tin tưởng một cách mù quáng vào các nguồn tái tạo’ và từ bỏ các hợp đồng khí đốt tự nhiên dài hạn với Nga đã khiến giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái. Trong khi đó, cả Mỹ và EU đều giải quyết đại dịch Covid-19 bằng cách in hàng nghìn tỷ USD và euro.

Sự thay đổi đang chờ phương Tây

Ông Putin cho biết các chính sách do lãnh đạo EU và Mỹ thực hiện đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và chia rẽ trong xã hội của họ, không chỉ về mặt phúc lợi mà còn về giá trị và định hướng của các nhóm khác nhau.

“Tự tách rời như vậy khỏi thực tế, khỏi những đòi hỏi của xã hội chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy và sự phát triển của các phong trào cấp tiến, dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, gây ra suy thoái và trong tương lai gần và sẽ dẫn đến sự thay đổi của giới tinh hoa” – ông Putin nói.

Nếu có nạn đói, đó không phải là lỗi của Nga

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga, đặc biệt là xuất khẩu phân bón và ngũ cốc, là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu ngày càng gia tăng – Tổng thống Nga chỉ ra.

Theo ông Putin, rắc rối về nguồn cung cấp lương thực đã nảy sinh trong vài năm qua, chứ không phải vài tháng, do “hành động thiển cận của những người quen giải quyết vấn đề của mình nhưng người khác phải trả chi phí”, bóp méo dòng chảy thương mại bằng cách in tiền theo kiểu “chính sách thuộc địa săn mồi”.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết Moscow đã sẵn sàng gửi thực phẩm tới châu Phi và Trung Đông, nơi có nguy cơ đói kém nghiêm trọng nhất, nhưng phải đối mặt với những trở ngại về “hậu cần, tài chính, vận tải” do phương Tây áp đặt.

Lý do dẫn đến cuộc xung đột Ukraine

Ông Putin cho rằng Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2 vì phương Tây từ chối tuân thủ các nghĩa vụ của mình và “đơn giản là không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận mới nào với họ”. Quyết định tấn công Ukraine là “bắt buộc nhưng cần thiết” vì Nga có mọi quyền với tư cách là một quốc gia có chủ quyền để bảo vệ an ninh của mình và bảo vệ công dân, cư dân của Donbass trước “sự diệt chủng của chế độ Kiev và những người theo chủ nghĩa phát xít mới nhận được sự bảo vệ hoàn toàn của phương Tây”.

Ông Putin nói rằng phương Tây đã dành nhiều năm để biến Ukraine thành một quốc gia “chống Nga” và bơm cho nước này vũ khí, cố vấn quân sự. Ông cho biết họ “không quan tâm” đến nền kinh tế hoặc cuộc sống của người dân Ukraine, nhưng “không tiếc chi phí để tạo ra một chỗ đứng vững chắc của NATO ở phía đông nhằm chống lại Nga, nuôi dưỡng sự hung hăng, thù hận và ghét Nga”.

“Tất cả mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt sẽ đạt được một cách vô điều kiện” – ông Putin khẳng định.

Phát triển kinh tế là biểu hiện của chủ quyền

Trong thế kỷ 21, chủ quyền không thể chỉ là một phần – ông Putin lập luận. Tất cả các yếu tố của nó đều quan trọng như nhau và bổ sung cho nhau, trong đó có nền kinh tế. Có 5 nguyên tắc chính mà Nga sẽ tuân theo trong phát triển kinh tế, đó là cởi mở, tự do, công bằng xã hội, cơ sở hạ tầng và chủ quyền công nghệ.

Nga sẽ “không bao giờ đi theo con đường tự cô lập và chuyên quyền”, mà sẽ mở rộng tương tác với bất kỳ ai muốn giao dịch, ông Putin nói và cho biết có rất nhiều quốc gia như vậy.

Moscow cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, tìm cách giảm bất bình đẳng xã hội và đảm bảo các công nghệ chủ chốt của nước này không phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.