Những “điểm nhấn” trong 3 ngày xét xử ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy – 3C

GD&TĐ - Bị xác định gây thất thoát tiền xử lý ô nhiễm nước, ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 8 năm tù, cộng án cũ bằng 13 năm. Cuối tháng này, cựu Chủ tịch Hà Nội sẽ tiếp tục hầu tòa trong vụ án vi phạm đấu thầu.

Tiếp tục kê biên tài sản

Chiều 13/12, TAND TP Hà Nội phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cộng án 5 năm tù trong vụ Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước xử cuối năm 2020, bằng 13 năm tù.

Cùng về hành vi lợi dụng chức vụ, bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội) phải nhận 4 năm tù và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic) lĩnh 4 năm 6 tháng tù.

Về dân sự, cấp sơ thẩm buộc 3 bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 36 tỷ đồng cho nguyên đơn là Công ty Thoát nước Hà Nội (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước). Trong đó, bị cáo Chung 25 tỷ đồng; bị cáo Giang 7,1 tỷ và bị cáo Hùng 4 tỷ đồng. Bị cáo Giang được khấu trừ 1 tỷ đồng đã nộp còn bị cáo Chung được khấu trừ 10 tỷ đồng tiền gia đình nộp bảo lãnh thi hành án hôm 11/12, khi phiên tòa đang diễn ra.

Luật sư bào chữa của cựu Chủ tịch Hà Nội cho biết, 10 tỷ đồng là nguồn tiền của gia đình ông nộp để bảo lãnh cho trường hợp ông Chung bị buộc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Khi đó, số tiền này dùng để khấu trừ vào tiền nộp bảo lãnh, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật. Luật sư cho hay cơ quan điều tra kê biên 3 bất động sản của cựu Chủ tịch Hà Nội để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Với việc nộp 10 tỷ đồng, gia đình ông Chung mong được dỡ bỏ một phần kê biên tài sản.

Tòa án bác bỏ yêu cầu này, tuyên tiếp tục kê biên tài sản của các bị cáo nhưng không áp dụng hình phạt bổ sung. Trong vụ án, phía điều tra ra lệnh kê biên căn nhà đất hơn 100 m2 của ông Chung ở phố Trung Liệt (Đống Đa) và 2 căn hộ chung cư khác ở quận Thanh Xuân.

“Có hành vi vụ lợi”

Đây là nhận định của Hội đồng xét xử về cựu Chủ tịch Hà Nội và 2 đồng phạm. Bản án sơ thẩm xác định năm 2016, Hà Nội có chủ trương thay đổi công nghệ cũ xử lý ô nhiễm môi trường nước sông, hồ bằng cách dùng chế phẩm mới. Công ty Thoát nước Hà Nội được giao phối hợp thực hiện việc này.

Khi đó, ông Chung với tư cách Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C, một sản phẩm độc quyền cho Hà Nội sử dụng làm sạch nước. Watch Water đồng ý và đưa giá bán 8,5 Euro/kg.

Sau khi thử nghiệm 100kg chế phẩm, bị cáo Chung đã chỉ đạo miệng, yêu cầu Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic. Đây là doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Chung) thành lập, góp 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên cổ phần.

3 bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm.
3 bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm.

Do chỉ đạo này, Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C qua Arktic với tổng trọng lượng 489 tấn giai đoạn 2016-2019. Án sơ thẩm xác định, Arktic mua số hàng này với giá 115 tỷ đồng nhưng bán lại giá 151 tỷ đồng nên hưởng lợi bất chính hơn 36 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử nhận định, chủ trương, mục đích làm trong sạch môi trường nước sông, hồ ở Thủ đô là đúng và rất tốt. UBND thành phố tổ chức đoàn tham quan, mời chuyên gia khảo sát lấy mẫu về thử nghiệm và đề nghị tạo sản phẩm dành riêng cho Hà Nội cũng là chủ trương đúng. Tuy nhiên, các bị cáo tiến hành quá trình này một cách sai trái, không trong sáng và có hành vi vụ lợi.

Đây là vụ án có tính chất đồng phạm giản đơn; các bị cáo không có sự bàn bạc, phân công nhưng tiếp nhận ý chí của nhau để phạm tội. Hậu quả vụ án ngoài gây lãng phí, thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước còn gây lo ngại, bức xúc trong nhân dân nên rất cần thiết đưa các bị cáo ra xét xử; việc này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Trong vụ án, ông Nguyễn Đức Chung bị xác định phải chịu trách nhiệm chính do có vai trò người đứng đầu. Bị cáo này quyết định, yêu cầu cấp dưới mua chế phẩm Redoxy-3C trái quy định qua doanh nghiệp của gia đình mình.

Bác kêu oan

Trong hai ngày xét hỏi và tranh luận công khai, bị cáo Nguyễn Đức Chung không nhận tội; khẳng định không chỉ đạo bị cáo Hùng và Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic.

Bị cáo không có ý muốn chiếm đoạt, gây thất thoát tiền cho Nhà nước; mọi việc làm đều có động cơ là muốn nước sông hồ ở Hà Nội sạch sẽ hơn, không ô nhiễm. Cựu Chủ tịch UBND Hà Nội cho hay, trước thời điểm thử nghiệm Redoxy-3C, thành phố chưa bao giờ cấp ngân sách để xử lý môi trường nước sông, hồ trên phạm vi rộng và “cùng lắm chỉ có ngân sách để Sở Tài nguyên và Môi trường hút bùn, vớt rác”.

Ông Chung cũng phản bác quan điểm cáo buộc Arktic là doanh nghiệp “sân sau” của gia đình mình. Bị cáo này nhiều lần khẳng định chưa bao giờ đặt vấn đề với bị cáo Giang việc cho ông góp vốn vào Công ty Arktic để hưởng lợi qua việc bán hàng trung gian. Ông Chung cho rằng cáo buộc của Viện kiểm sát làm ảnh hưởng xấu uy tín của bản thân ông cùng gia đình, vợ con.

Viện kiểm sát đối đáp, khẳng định bị cáo Chung còn là Trưởng ban chỉ đạo công tác xử lý nước của Hà Nội và đã tạo điều kiện để Công ty Thoát nước tiếp cận kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường.

Mặt khác, bị cáo này chỉ đạo Nguyễn Trường Giang đi theo các đoàn công tác của thành phố, tham gia các buổi thử nghiệm dù không có trách nhiệm và sau đó định hướng cho Công ty Thoát nước mua hàng qua Công ty Arktic. Các lời khai của Giang cũng thể hiện Arktic là doanh nghiệp của gia đình ông Chung.

Phía cơ quan công tố ban đầu đề nghị tòa phạt cựu Chủ tịch Hà Nội từ 10-12 năm tù nhưng sau khi gia đình ông Chung nộp 10 tỷ đồng, mức án đề nghị được hạ xuống 8-10 năm tù. Tòa sơ thẩm tuyên ông Chung 8 năm theo quan điểm của Viện kiểm sát.

Ngày 27/12 tới, cựu Chủ tịch Hà Nội sẽ hầu tòa trong vụ án thứ 3 của mình với cáo buộc làm trái quy định, giúp Công ty Nhật Cường trúng thầu dự án số hóa, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ