Ông Nguyễn Đức Chung bác cáo trạng, đề nghị được đối chất với 2 bị cáo còn lại

GD&TĐ - Tại phiên xử bị cáo Nguyễn Đức Chung phản bác nhiều luận điểm trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố mình đồng thời đề nghị được đối chất với 2 bị cáo còn lại.

Sáng 10/12, TAND thành phố Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), Nguyễn Trường Giang (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic - Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - Công ty Thoát nước Hà Nội) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại phần thủ tục phiên tòa, Hội đồng xét xử cho biết, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác đã có đơn xin xét xử vắng mặt.  Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh - Đoàn luật sư Hà Nội) là người đại diện cho bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa trong suốt thời gian diễn ra phiên toà sơ thẩm.

Tại phiên xử, bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị Tòa án triệu tập tất cả những người có mặt tại hồ Hoàn Kiếm ngày 31/7/2016 đến tòa, trong đó có ông Nguyễn Thế Hùng (nguyên phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), một số nhân viên UBND thành phố và nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội. Ông Chung cũng đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập tất cả những người tham gia đề xuất, đàm phán mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Thoát nước Hà Nội.

Bị cáo Chung cũng cho biết, các luật sư của ông sẽ cung cấp cho Hội đồng xét xử các bản dịch, băng ghi âm trong cuộc họp mà ông Chung cùng ông Nguyễn Thế Hùng và các ban, ngành của Hà Nội tiếp Tổng Giám đốc Công ty Watch Water của Đức ngày 25/6/2016; Văn bản ông Chung thay mặt UBND thành phố Hà Nội ký gửi Ban cán sự Đảng báo cáo kết quả thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C; một số văn bản của Thường trực Thành ủy, Nghị quyết của UBND thành phố Hà Nội về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố…

Tại phiên toà, Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Võ Tiến Hùng đề nghị Tòa án triệu tập ông Nguyễn Lê (nguyên Chủ tịch, người đại diện theo pháp luật của Công ty Thoát nước Hà Nội). Theo Luật sư Phúc, ông Lê là người ký 7/15 hợp đồng mua chế phẩm Redoxy-3C và ký 4 ủy quyền để cấp dưới ký hợp đồng mua chế phẩm.

Vị luật sư này cũng đề nghị Tòa triệu tập đại diện Cục hóa chất Bộ Công thương xem việc mua bán hóa chất có phải làm thủ tục khai báo nhập khẩu hay không. Ngoài ra, luật sư Phúc còn đề nghị triệu tập thêm ông Phạm Công Bình (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính) vì ông Hùng trực tiếp ký 2 văn bản liên quan trực tiếp đến giá chế phẩm Redoxy; ông Nguyễn Doãn Toản (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội).

Luật sư Phúc còn đề nghị Hội đồng xét xử thu thập bổ sung công văn của Cơ quan điều tra gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ vì có sai phạm nhất định nhưng chưa đến mức xử lý hình sự…

Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: TTXVN
Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: TTXVN

Giám đốc Công ty Arktic khai không góp vốn một đồng nào vào công ty

Trong phiên xử sáng nay, bị cáo Nguyễn Trường Giang đề nghị làm rõ 2 vấn đề mà cáo trạng quy kết đối với mình.

Thứ nhất, kết luận điều tra và cáo trạng nêu bị cáo giúp bà Nguyễn Thị Bích Hằng (người đứng tên 40% vốn Công ty Arktic) góp vốn 2 tỉ đồng và số tiền này bị cáo lấy từ lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào công ty đến nay, bị cáo chưa được hưởng lợi gì.

Thứ hai, hành vi của bị cáo không vì mục đích vụ lợi, 60% cổ phần mà bị cáo đứng tên thực chất chỉ là sang tên trên giấy tờ từ Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông Chung) và ông Đào Xuân Tấn (người từng đứng tên 40% vốn Công ty Arktic) cho bị cáo, chứ không phải là mua bán.

Bị cáo Giang khai gia đình bị cáo vốn có một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm cho siêu thị Minh Hoa – nơi bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) làm giám đốc. Bản thân bị cáo từng 7 năm sinh sống tại Đức, có nhiều mối quan hệ quen biết ở đây.

Năm 2016, bà Hoa giới thiệu bị cáo cho ông Chung, sau đó ông Chung nhờ bị cáo mua một số sản phẩm từ Đức về Việt Nam, việc mua bán sẽ thông qua công ty Arktic. Vì vậy, bị cáo mới tham gia vào công ty này.

Theo bị cáo Giang, khi vào công ty, bà Hoa ủy quyền cho bị cáo làm giám đốc để nhập khẩu các thiết bị theo yêu cầu của ông Chung. Tiếp đó, bà Hoa làm thủ tục sang tên 40% cổ phần từ ông Tấn sang cho bị cáo. Thực tế, bị cáo không góp vốn một đồng nào vào công ty.

Vẫn theo lời bị cáo, Công ty Arktic ban đầu chủ yếu kinh doanh các thiết bị phục vụ cho lĩnh vực môi trường và ô tô. Tại thời điểm nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C, công ty chưa được cấp phép đăng ký ngành nghề kinh doanh hóa chất.

Tòa sau đó hỏi bị cáo nhiều câu hỏi liên quan đến việc nhập chế phẩm Redoxy-3C về Việt Nam. Giang nói mọi việc đều làm theo sự chỉ đạo của ông Chung.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên xét xử. Ảnh: N.A.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên xét xử. Ảnh: N.A.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung phản bác cáo trạng

Về phía bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo phản bác nhiều luận điểm trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố mình về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Chung cho rằng, ngay khi nhận kết luận điều tra, bị cáo đã trình bày với cơ quan điều tra rằng bản thân bị oan. Bị cáo cũng đã gửi đơn kiến nghị tới Viện KSND Tối cao. Đến khi nhận cáo trạng, bị cáo tiếp tục có đơn kiến nghị và đơn khiếu nại gửi tới Viện kiểm sát và Tòa án các cấp.

Trước cáo buộc là người tạo mọi điều kiện cho bị cáo Nguyễn Trường Giang hoạt động, giành làm đại lý độc quyền của Công ty Watch Water, bị cáo Chung cho rằng, với cương vị là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bị cáo đã kết nối cho rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thành phố và các doanh nghiệp nước ngoài tiêu thụ hàng hóa.

Quá trình Giang đi cùng đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội, bị cáo Chung nói không hề biết Giang liên hệ với Công ty Watch Water như thế nào, mặt khác, Công ty Watch Water hoàn toàn có quyền lựa chọn nhà phân phối độc quyền.

Với cáo buộc là người chỉ đạo, điều hành trong vụ án, Nguyễn Đức Chung đề nghị được đối chất với 2 bị cáo Giang và Hùng để làm rõ về những lời khai của 2 bị cáo này.

Theo cáo trạng, Hà Nội có kế hoạch nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố. Theo đó, cơ quan chức năng Hà Nội đã có nhiều chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ. Cuối năm 2015, Công ty Thoát nước đã có tổng kết, đề nghị các Sở, ngành báo cáo UBND thành phố Hà Nội cho nhân rộng nhưng UBND thành phố không có ý kiến phản hồi.

Tháng 8/2016, ông Nguyễn Đức Chung đã kết luận và ra Văn bản 308 chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C trực tiếp từ Công ty Watch Water GmbH. Cáo trạng nêu ông Chung là người quyết định việc mua bán chế phẩm Redoxy - 3C trái pháp luật và phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, để Công ty Arktic được hưởng khoản lợi nhuận không chính đáng, khiến ngân sách Nhà nước bị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Chung còn chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Arktic trái với chỉ đạo của chính bị cáo tại Thông báo số 308 ngày 22/8/2016. Quá trình điều tra, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội không thừa nhận hành vi phạm tội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ