Những điểm mới trong xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT năm 2012

Những điểm mới trong xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT năm 2012

(GD&TĐ) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17/02/2012 hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (NGND, NGƯT).

Trong đó, một số tiêu chuẩn được quy định chi tiết theo từng cấp học, bậc học hoặc được điều chỉnh so với quy định trước đây để đảm bảo tính thống nhất của Thông tư này với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng và giúp các đơn vị cơ sở dễ hiểu, dễ thực hiện.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các tân GS, PGS 2011
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các tân GS, PGS 2011, ảnh gdtd.vn

So với Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23/4/2008, Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17/02/2012 có một số điểm mới cơ bản sau:

Về đối tượng: Không xét diện xét đặc cách vì mục tiêu xét đặc cách trước đây là ghi nhận thành tích của các nhà giáo lão thành, có thành tích đóng góp đặc biệt xuất sắc cho ngành giáo dục mà vì lý do nào đó, trước đây chưa được tham gia xét tặng. Qua 2 đợt xét phong tặng vừa qua (4 năm), ngành giáo dục đã xét đặc cách và đề nghị Chủ tịch nước phong tặng 114 NGND và 198 NGƯT cho hầu hết các nhà giáo đầu ngành. Nay Thông tư mới bỏ diện xét đặc cách và đối tượng nhà giáo đã nghỉ hưu không tiếp tục giảng dạy, để phù hợp với quy định hiện hành. Như vậy, các nhà giáo sau khi nghỉ hưu tại các trường công lập, tiếp tục giảng dạy, quản lý (diện cán bộ, giáo viên, giảng viên cơ hữu) tại các trường ngoài công lập vẫn được coi là “nhà giáo trong các cơ sở giáo dục” (Khoản 1, Điều 62, Luật Thi đua, Khen thưởng) và là đối tượng được tặng danh hiệu NGND-NGƯT. Thông tư này cũng mở rộng đối tượng là cán bộ, công chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, ngành trung ương có đủ thời gian trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo quy định, trước khi chuyển về bộ ngành làm cán bộ quản lý đào tạo.

Về Tiêu chuẩn: Các tiêu chuẩn về tài năng sư phạm cơ bản đã được lượng hóa, cụ thể hóa theo từng cấp học, bậc học. Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ các tiêu chuẩn ưu tiên đối với giáo viên, cán bộ quản lý công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm động viên kịp thời những thầy giáo, cô giáo đang thầm lặng cống hiến tuổi xuân, sự tâm huyết và trí tuệ cho ngành giáo dục và cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Về Hội đồng, tuyến trình và tỷ lệ phiếu bầu: Hội đồng được quy định cụ thể từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, trong đó thống nhất thành phần hội đồng và số lượng thành viên tối thiểu. Quy trình và tuyến trình cũng được quy định chi tiết đối với từng cấp hội đồng. Tỷ lệ phiếu tín nhiệm, sơ duyệt, và phiếu tán thành được điều chỉnh tăng lên từ 60% số phiếu giới thiệu của quần chúng (quy định của các năm trước) tăng lên 80% và từ 66,6% số phiếu tán thành của Hội đồng tăng lên 90%, để phù hợp với quy định của Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ. Việc tăng tỷ lệ phiếu suy tôn của quần chúng và của Hội đồng các cấp nhằm đảm bảo các nhà giáo được vinh danh là những nhà giáo bên cạnh tài năng sư phạm còn là những nhà giáo tiêu biểu, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội.

Về hồ sơ: Để phù hợp với quy định của Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 23/12/2010 của Chính phủ, các mẫu hồ sơ và bản khai thành tích được thiết kế lại theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay yêu cầu viết tay bằng đánh máy và thay đổi một số điểm về mẫu biểu hành chính. Độ dài và nội dung của bản khai thành tích cá nhân giới hạn trong phạm vi các tiêu chí đánh giá NGND-NGƯT, vì vậy ứng cử viên NGND- NGƯT cần nghiên cứu phần giải thích yêu cầu về hồ sơ trước khi khai (phần ghi chú tại trang cuối của bản khai) và lựa chọn những thành tích tiêu biểu để ghi vào bản khai, nếu số lượng công trình, đề tài nghiên cứu hoặc danh hiệu thi đua, quyết định khen thưởng nhiều có thể liệt kê và gửi kèm trong phần phụ lục.

Trên đây là một số những điểm mới cơ bản về tiêu chuẩn, quy trình và hồ sơ xét tặng danh hiệu NGND-NGƯT của Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17/02/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các nhà giáo và cơ sở giáo dục có thể tìm hiểu sâu hơn về nội dung các quy định tại Thông tư (đính kèm).

N.T.T.Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ