Những điểm du học mới nổi

GD&TĐ - Theo ICEF Monitors, trang thông tin về giáo dục quốc tế, năm 2024, có 3 quốc gia đang trở thành điểm đến du học hấp dẫn mới.

Thái Lan có lợi thế giáo dục cạnh tranh nhờ khả năng chi trả.
Thái Lan có lợi thế giáo dục cạnh tranh nhờ khả năng chi trả.

Các yếu tố thúc đẩy xu hướng trên gồm thủ tục xin thị thực, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và khả năng tài chính.

Thái Lan

Theo Văn phòng Thư ký thường trực thuộc Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Thái Lan, hơn 300 nghìn sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học của nước này vào năm 2022.

Thái Lan có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn vào năm 2024 nhờ khả năng chi trả. Quốc gia này có giá cả phải chăng hơn so với các điểm đến du học phổ biến như Australia, Canada, Anh và Mỹ. Thêm nữa, học phí và chi phí sinh hoạt rẻ hơn so với các điểm đến hàng đầu Đông Nam Á như Malaysia hay Singapore.

Con số này tăng từ 25,1 nghìn người vào năm 2019. Tính từ năm 2009, tuyển sinh nước ngoài tại các trường đại học Thái Lan đã tăng khoảng 2 nghìn chỉ tiêu mỗi năm. Phần lớn nhờ vào nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc.

Theo khảo sát của trang tin tức giáo dục quốc tế University World News, số lượng sinh viên Trung Quốc học tập tại Thái Lan đã tăng gấp đôi trong 5 năm, lên hơn 20 nghìn người.

Khoảng 60% sinh viên nước ngoài ở Thái Lan là người Trung Quốc. Theo sau là Myanmar và Campuchia, trong đó mỗi nước có khoảng 5 nghìn sinh viên học tập tại Thái Lan vào năm 2022.

Sinh viên chỉ cần chứng minh tài chính với khoản tiền là 360 USD khi nộp đơn xin thị thực du học Thái Lan. Đây là dấu hiệu cho thấy chi phí sinh hoạt và học tập tại quốc gia này rất phải chăng. Ngược lại, sinh viên cần có ít nhất 20 nghìn USD để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt khi xin thị thực du học Australia, Canada và Mỹ.

Về chi phí học tập, chương trình cử nhân ở Thái Lan dao động từ 1.775 USD đến 1.900 USD; Chương trình thạc sĩ dao động từ 2.320 USD đến 2.500 USD cho một học kỳ.

Còn theo tổ chức giáo dục QS, những sinh viên với nguồn tài chính eo hẹp có thể sống với mức chi tiêu 20 USD một ngày gồm thức ăn, phương tiện di chuyển và chỗ ở. Những sinh viên muốn kết hợp du lịch và học tập Thái Lan cần chuẩn bị 46 USD chi tiêu mỗi ngày. Chi phí sinh hoạt sẽ cao hơn khi ở các thành phố lớn như Bangkok.

Thái Lan không chỉ cạnh tranh về chi phí, mà còn có chất lượng giáo dục đáng kể. Một số trường đại học và chương trình học được đánh giá cao. Đơn cử, hai trường đại học Thái Lan được xếp hạng trong top 100 Bảng xếp hạng Đại học châu Á QS 2024 gồm Đại học Chulalongkorn (xếp vị trí 44) và Đại học Mahidol (xếp vị trí 51). Đại học Chiangmai cũng là trường tốt tại Thái Lan, xếp ở vị trí 102.

Ba Lan

Ba Lan có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Ba Lan có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Trong suốt thập kỷ qua, số lượng sinh viên quốc tế ở Ba Lan đã tăng gấp 3 lần và năm ngoái đạt mức cao kỷ lục là hơn 100 nghìn người, theo thống kê từ tạp chí giáo dục trong nước Perspektywy.

Tổng cộng có 102.200 sinh viên quốc tế theo học tại Ba Lan trong năm học 2022 - 2023 và khoảng 9% số sinh viên tại các trường đại học Ba Lan là người nước ngoài.

Ba Lan cung cấp hơn 300 chương trình đại học dạy bằng tiếng Anh. Đây là lợi thế thu hút phần lớn sinh viên quốc tế. Ngoài ra, nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do số lượng sinh viên Ukraine tăng đáng kể, trong đó nhiều người phải di tản vì xung đột với Nga. Gần 50 nghìn người Ukraine đang học tập tại Ba Lan, chiếm gần 50% số sinh viên nước ngoài.

Tuy nhiên, theo báo cáo của NotesfromPoland.com, Ba Lan cũng đang thu hút sinh viên từ nhiều quốc gia khác như Belarus (12 nghìn người), Thổ Nhĩ Kỳ (3,8 nghìn), Zimbabwe (3,6 nghìn), Ấn Độ (2,7 nghìn), Azerbaijan (2,5 nghìn), Uzbekistan (2,1 nghìn), Trung Quốc (1,8 nghìn), Kazakhstan (1,7 nghìn), Nigeria (1,6 nghìn).

Theo tổ chức giáo dục châu Âu Study.eu, Ba Lan là điểm đến học tập có chi phí phải chăng so với nhiều nơi ở châu Âu. Học phí các trường đại học hàng đầu Ba Lan dao động từ 530 USD đến 1.600 USD.

Chính phủ Ba Lan cho biết, sinh viên quốc tế thường phải chi trả khoảng 350 USD mỗi tháng khi sinh sống tại Ba Lan. Chi phí ở thành phố lớn có thể cao hơn. Lệ phí nộp đơn xin thị thực du học là 85 USD.

Thí sinh cần chứng minh tài chính là 190 USD, cộng với học phí cho mỗi tháng lưu trú tại Ba Lan và một khoản tiền đủ để di chuyển về nước. Họ cũng phải chứng minh có thể trả tiền thuê nhà.

Về chất lượng giáo dục, Ba Lan có gần 400 trường đại học công lập và tư thục. Trong đó, 2 trường lọt top 500 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2024 của tổ chức QS là Đại học Warsaw (xếp vị trí 262) và Đại học Jagiellonian (xếp vị trí 304). Ngoài ra, Ba Lan có 10 trường nằm trong top 1.000.

Philippines

Đa số sinh viên quốc tế tại Philippines theo học STEM.

Đa số sinh viên quốc tế tại Philippines theo học STEM.

Philippines là quốc gia có số lượng lớn du học sinh trên thế giới. Số lượng du học sinh Philippines tại Canada đứng thứ ba, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Đơn cử, vào năm 2023, gần 49 nghìn sinh viên Philippines học tập tại Canada, tăng hơn 50% so với năm 2022.

Số lượng du học sinh Philippines tại Australia lớn thứ tư, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal, với hơn 48 nghìn người. Con số này thậm chí còn tăng nhanh hơn so với Canada. Ước tính, số lượng du học sinh Philippines tại Australia năm 2024 tăng 194% so với năm 2023 và tăng 469% kể từ năm 2019.

Dù vậy, Philippines cũng là điểm đến học tập hấp dẫn với số lượng sinh viên nước ngoài ngày càng tăng. Năm 2022, quốc gia này chào đón hơn 22 nghìn sinh viên quốc tế, tăng hơn 50% so với năm 2021, theo thống kê của ApplyBoard.

Giống như Ba Lan, Philippines có nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, thu hút sinh viên nước ngoài. Đáng chú ý, Philippines hầu hết chiêu mộ sinh viên lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), chiếm 74% số lượng sinh viên quốc tế.

Sự tăng trưởng tuyển sinh quốc tế của Philippines chủ yếu được thúc đẩy bởi sinh viên Ấn Độ. Năm 2022, hơn 16 nghìn sinh viên Ấn Độ học tập tại quốc gia này, theo sau lần lượt là Trung Quốc, Nigeria, Hàn Quốc, Thái Lan.

Tổ chức du học ApplyBoard lưu ý, khi một điểm đến thu hút một lượng lớn sinh viên Ấn Độ, nơi đó có xu hướng mở rộng số lượng sinh viên quốc tế với tốc độ ngày càng nhanh. Lấy Vương quốc Anh làm ví dụ. Năm 2017, nước này chào đón 18 nghìn sinh viên Ấn Độ. Sang năm 2025, Vương quốc Anh dự kiến đón hơn 100 nghìn sinh viên Ấn Độ mới, đưa Ấn Độ trở thành thị trường nguồn hàng đầu của Vương quốc Anh.

Tại Philippines, sinh viên quốc tế phải trả học phí từ 530 USD đến 2.000 USD mỗi năm, một trong những mức học phí hợp lý nhất trên thế giới. Còn chi phí sinh hoạt dao động từ 700 USD đến 1.000 USD mỗi tháng.

Lệ phí xin thị thực Philippines là 100 USD. Nước này không có quy định số tiền chứng minh tài chính nhưng ứng viên phải chứng minh rằng họ có đủ khả năng chi trả học phí, chỗ ở và chi phí sinh hoạt tại Philippines.

Philippines có 5 trường đại học lọt vào Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2024 của tổ chức QS gồm Đại học Philippines, Đại học Anteneo de Manila, Đại học De La Salle, Đại học Santo Thomas và Đại học San Carlos.

Xu hướng dịch chuyển

Chi phí sinh hoạt và học tập, cộng với yêu cầu khắt khe về việc chứng minh tài chính, đang khiến hàng nghìn sinh viên không thể học tập tại các điểm đến sử dụng tiếng Anh hàng đầu. Tuy nhiên, nhu cầu du học vẫn còn mạnh mẽ và sinh viên mong muốn nhiều trải nghiệm mới mẻ khi học tập ở nước ngoài.

Thái Lan, Ba Lan và Philippines chỉ là ba trong số những điểm đến du học mới phổ biến dựa trên khả năng chi trả. Nhiều quốc gia khác đã thu hút ngày càng nhiều sinh viên quốc tế trong những năm qua gồm Mexico, Hà Lan, Nga và Nhật Bản.

Có thể thấy, trong xu hướng dịch chuyển về điểm đến du học, châu Á đang được quan tâm nhiều hơn cả. Có nhiều nguyên nhân cho xu hướng trên như châu Á là nền kinh tế khu vực phát triển nhanh nhất thế giới nên việc học tập tại châu lục này mở ra nhiều cơ hội thực tập và việc làm.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Á đưa giáo dục quốc tế vào chiến lược phát triển quốc gia. Họ xây dựng nhiều quy định, chính sách tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài tham gia học tập như trao học bổng, liên kết với các trường nước ngoài...

Một nguyên nhân khác là yếu tố di chuyển. Từ lâu, sinh viên châu Á là nguồn cung khổng lồ cho các quốc gia phương Tây nhưng hiện nay, nguồn cung này đã dịch chuyển về “gần nhà”. Sinh viên châu Á muốn du học gần hơn để tiết kiệm chi phí, chia sẻ chung nền văn hóa, lối sống, môi trường học tập.

Vì những lý do trên, châu Á là thị trường giáo dục quốc tế tiềm năng, có khả năng cạnh tranh với nhiều quốc gia phương Tây vốn có truyền thống giáo dục lâu đời.

Châu Á có thể chưa thể “soán ngôi” đầu bảng trong lĩnh vực giáo dục bởi xét trên bề dày lịch sử, Anh hay Mỹ đã có sự phát triển lâu bền, chắc chắn. Tuy nhiên, các đại diện châu Á được kỳ vọng sẽ xuất hiện với mật độ ngày càng cao trong các bảng xếp hạng giáo dục quốc tế.

Tạp chí Perspektywy nhận định: Con số hơn 100 nghìn sinh viên quốc tế trong năm học 2022 - 2023 là thành tựu cho những nỗ lực to lớn của ngành Giáo dục Ba Lan trong 19 năm qua. Khi Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2004, nước này chỉ có 8,8 nghìn sinh viên quốc tế, chiếm 0,5% tổng số sinh viên và nằm ở mức thấp nhất châu Âu.

Theo ICEF Monitor

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ