Những nội dung cơ bản của dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ trong giao ban báo chí tháng 4/2020 sáng nay (28/4).
Mục đích, yêu cầu tổ chức thi
Tổ chức thi gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
3 đối tượng dự thi
Đối tượng dự thi theo dự thảo phương án bao gồm:
Người học đã hoàn thành chương trình THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (gọi chung là chương trình THPT) trong năm học 2019-2020;
Người học đã hoàn thành chương trình THPT hoặc đã dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT;
Người học đã đỗ tốt nghiệp nhưng vẫn có nguyện vọng dự thi để lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Các cơ sở giáo dục ĐH có thể tham khảo, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm học 2020 -2021 theo quy định trong đề án tuyển sinh của trường được công bố công khai.
Vẫn có điểm các môn thành phần trong bài thi tổng hợp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH).
Trong đó: Bài thi tổng hợp KHTN gồm các câu hỏi của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; bài thi tổng hợp KHXH gồm các câu hỏi của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT); gồm các câu hỏi của 2 môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên).
Bài thi tổng hợp KHTN và KHXH có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Thí sinh là học sinh giáo dục THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp (KHTN hoặc KHXH);
Thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên (GDTX) phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp (KHTN hoặc KHXH). Thí sinh GDTX có thể dự thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; bài thi của thí sinh được chấm bằng máy tính với phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Đề thi giảm độ khó, bám sát chương trình tinh giản
Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, bám sát nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD&ĐT công bố. Tinh thần, đề thi sẽ giảm độ khó so với năm trước, nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa phù hợp.
Bộ GD&ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung và sự khách quan, công bằng trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT cũng đồng thời xây dựng và công bố sớm đề thi tham khảo của Kỳ thi.
Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi ở địa phương mình, từ các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi trắc nghiệm, chấm thi tự luận, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của Quy chế thi
Bài thi trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng máy tính; toàn quốc thống nhất sử dụng phần mềm chấm thi trên máy tính do Bộ GD&ĐT cung cấp và thực hiện quy trình chấm thi trắc nghiệm theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện Quy chế thi trong tất cả các khâu của Kỳ thi tại các địa phương;
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức các đoàn do Thanh tra tỉnh chủ trì làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện Quy chế thi trong tất cả các khâu của Kỳ thi tại địa phương;
Giám đốc sở GD&ĐT ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi của Hội đồng thi địa phương.
Như vậy, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT, của Sở GD&ĐT sẽ có thanh tra của tỉnh cùng thực hiện thanh tra các khâu của Kỳ thi.
Năm 2020 sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi để tuyển sinh riêng
Phát huy tinh thần tự chủ đại học của các cơ sở giáo dục ĐH, các trường tự chủ quyết định phương án tuyển sinh của mình, kết hợp đa dạng nhiều phương thức tuyển sinh.
Các phương thức tuyển sinh các trường có thể sử dụng: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập THPT qua học bạ; xét kết quả các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; thi năng khiếu, thi văn hóa, phỏng vấn…; kiểm tra đánh giá năng; hồ sơ năng lực, hồ sơ xét tuyển, bài viết luận của thí sinh…; kết hợp các phương thức trênl các phương án khác (nếu có, thuộc quyền tự chủ của các trường).
Năm 2020 sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi (hay kiểm tra) để tuyển sinh riêng, nếu có thì là các bài kiểm tra đánh giá năng lực đặc thù riêng. Cũng sẽ không có nhiều cuộc thi hay bài thi diễn ra trong nhiều đợt nên không thể lặp lại tình trạng tập trung quá đông thí sinh về một điểm, trong một thời gian nên sẽ không tạo nên áp lực về luyện thi, thi quá nhiều hay đổ dồn về các khu đô thị lớn.