Những cù lao đang chết từ từ

Những cù lao đang chết từ từ

(GD&TĐ) - Những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu đã làm thay đổi dòng chảy trên các tuyến sông, kèm theo đó là những hệ lụy khiến các cồn cát (còn gọi là cù lao) giữa sông Tiền, sông Hậu đang chịu sự tàn phá nặng nề của sạt lở và có khả năng mất dần trong tương lai

.Ăn không ngon, ngủ không yên vì “thủy thần” truy đuổi

Bè nuôi cá của người dân ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) tan hoang sau vụ sạt lở vào cuối tháng 10/2012
Bè nuôi cá của người dân ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) tan hoang sau vụ sạt lở vào cuối tháng 10/2012

Chưa bao giờ, người dân sống ở các khu vực cồn cát trên sông Tiền, sông Hậu lại nơm nớp lo sợ như hiện nay. Nạn sạt lở không chỉ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản mà còn đẩy người dân vào những cuộc truy đuổi ráo riết của “thủy thần”.

Chúng tôi đến cồn Sơn, quận Bình Thủy, một trong những điểm nóng về sạt lở trên địa bàn TP Cần Thơ. Chỉ tay về phía mênh mông nước, ông Cao Văn Ba, người dân địa phương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 5 công đất nhưng do sạt lở, nay diện tích đất còn lại chưa tới 2 công. Thậm chí, sạt lở đã đuổi đến tận nhà và đang sắp bị nuốt chửng.

Hiện tại, bà con ở đây ai cũng lo sợ, thậm chí nửa đêm đang ngủ mà nghe có tiếng động ngoài sông là mọi người liền thức dậy để canh hà bá...”. Cùng cảnh ngộ ấy, bà Nguyễn Thị Y cho biết, mảnh đất 10 công giáp bờ sông Hậu của bà trước kia thì hiện nay lở mất hết 6 công, năm nào nước cũng lấn vô 15 - 20m, bà phải dời nhà dần vào trong để trốn chạy hà bá. “Ai cũng biết sông sâu bên lở bên bồi, nhưng lở kiểu này có bồi bao nhiêu cũng không đủ, cái cồn này sắp mất rồi!”, bà Y cho biết.

Sạt lở tại các cồn ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng
Sạt lở tại các cồn ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng
 

Men theo dòng sông Hậu, chúng tôi đến cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Được biết ngày xưa khu vực đầu cù lao trải dài ở rất xa, rồi bị nước sông Hậu bào mòn dần, đã có cả chục ha đất canh tác, ao đầm nuôi cá tra của bà con bị nhấn chìm theo con nước.

Cũng ở đây có gần 20 ao, đầm nuôi cá tra đã bị sóng đánh sạt lở ra sông. Khi chúng tôi có mặt tại khu vực ấp Long Châu, nhiều ao, đầm của bà con đã bị xoáy lở hết, để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai, bà con đã dùng thân cây dừa, cừ tràm đóng cọc, đắp bờ để chắn sóng nhưng nhiều vết nứt mới xuất hiện cứ lấn sâu vào đất liền trước sự bất lực của bao người.

Ông Trần Ngọc Lợi, khu vực Long Châu bùi ngùi: “Ngày xưa đầu cồn cách xa cả cây số, giờ sạt lở đã ăn sâu vào cách nhà chỉ vài chục mét. Với tình hình này, việc xóa sổ khu vực đầu cồn là hoàn toàn có thể…”. 

Theo thống kê, toàn quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hiện có khoảng 20 điểm sạt lở. Riêng khu vực cồn Sơn mỗi năm có khoảng 2 ha đất bị nuốt chửng do sạt lở. Ngân sách quận phải bỏ ra rất nhiều để tiến hành gia cố đê bao, đảm bảo an toàn cho người dân, thế nhưng nạn sạt lở vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Giữa sông Tiền, qua địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp… là những cồn nổi lên từ hàng trăm năm nay, đã hình thành xóm làng, ruộng đồng, vườn cây, dân cư đông đúc. Đó là cồn Phú Đa, cù lao An Bình, cồn Cái Gà, cồn Hang Chuột, cồn Kiến, cồn Bùn... Điểm giống nhau của các cồn là nguy cơ sạt lở và ngập chìm. Hàng trăm hộ dân đang sống trong tình trạng phập phồng, âu lo vì sạt lở có thể khiến đất đai, nhà cửa, ruộng vườn bị cuốn trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào…

Còn tại Đồng Tháp, theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 100 điểm nóng sạt lở ở 17 xã, phường, thị trấn với chiều dài gần 17 km. Vùng sạt lở nghiêm trọng nhất là cù lao 5 xã thuộc huyện Thanh Bình. Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông liên tục xảy ra hết sức phức tạp, suốt chiều dài tuyến cù lao vẫn còn nham nhở những vết sạt lở của từng vạt đất, công trình, nhà cửa, cây ăn trái… đã bị trôi tuột xuống sông. Nhiều vị trí, sạt lở tạo “hàm ếch” sâu hoắm ăn vào đất liền, người dân sống dọc bờ sông phải di dời vào đất liền đến cả trăm mét.

Nạn sạt lở đẩy người dân vào những cuộc truy đuổi ráo riết của “thủy thần”

Nạn sạt lở đẩy người dân vào những cuộc truy đuổi ráo riết của “thủy thần”

 

Khổ vì “cát tặc”

Theo một số người dân ở khu vực đầu cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, ngoài sự tàn phá của thiên nhiên, bà con nơi đây còn phải chịu hậu quả của nạn khai thác cát trái phép diễn ra cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần, các xáng cạp ngang nhiên lấy cát sát bờ, bà con ra ngăn cản bọn chúng còn tỏ thái độ hung hăng và dọa đánh.

Một người dân ở khu vực Long Châu (xin được giấu tên) cho biết thêm: “Có lần, do quá bức xúc, nhiều hộ nuôi cá tra đã đi xuồng ra sông yêu cầu các xáng cạp phải khai thác cát xa bờ. Thấy bà con làm dữ, họ cũng nghe theo, nhưng mấy hôm sau, có một nhóm người lạ mặt đi xe máy vô bờ “hỏi thăm” và “dằn mặt” những ai còn dám lên tiếng phản đối”. 

Vừa qua, một đoạn đê bao cặp bờ sông Tiền thuộc ấp An Long, xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) bất ngờ đổ ập xuống lòng sông, gây thiệt hại 25 bè nuôi cá điêu hồng thương phẩm và 4 ao nuôi cá điêu hồng giống của người dân. Ước thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng. Từ khi tai họa ập đến, nhiều hộ dân nuôi cá điêu hồng bị thiệt hại nặng, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay vì tiền bạc, công sức trôi theo dòng nước. Vụ việc sau đó được xác định là do có ba chiếc xáng khai thác cát đang hoạt động gần bờ dẫn đến sạt lở.

Theo nhận định của giới chuyên môn, nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra rầm rộ đã làm thay đổi dòng chảy, mặt cắt lòng sông bị thay đổi dẫn đến sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Nếu kéo dài tình trạng này, nguy cơ các khu vực cồn bị xóa sổ là hoàn toàn có thể…

Khó khăn trong công tác phòng chống

Điều rất dễ hiểu và được xác định lâu nay là nạn sạt lở tại các cồn ở ĐBSCL, nguyên nhân chủ yếu do khai thác cát trái phép trên sông
Điều rất dễ hiểu và được xác định lâu nay là nạn sạt lở tại các cồn ở ĐBSCL, nguyên nhân chủ yếu do khai thác cát trái phép trên sông    
 

Trong khi nạn cát tặc đang diễn ra ngày càng táo bạo thì công tác phòng chống lại hết sức khó khăn.

Ông Huỳnh Trọng Toàn, cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là thiếu các phương tiện phục vụ công tác thanh, kiểm tra như canô, xuồng cao tốc… Mỗi lần đi phải thuê ghe thuyền và thiết bị đo vị trí, phần mềm kỹ thuật cũng không có. Ngoài ra, nạn khai thác cát trái phép thường diễn ra sau 18 giờ đêm, nhưng ngoài các đợt phối hợp thanh tra đột xuất, phòng chỉ làm việc theo giờ hành chính nên việc kiểm tra vào ban đêm rất khó khăn…”.

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm đối với nạn khai thác cát lậu hiện chỉ mang tính cảnh cáo, chưa đủ sức răn đe. Sau mỗi đợt ra quân kiểm tra, xử phạt, tịch thu phương tiện khai thác cát trái phép… thì tình trạng khai thác cát trái phép yên ắng không bao lâu lại tiếp diễn.

Đó là chưa kể, lực lượng làm công tác chuyên môn ở các địa phương quá mỏng, mỗi lần mở đợt kiểm tra phải tập hợp cán bộ từ nhiều phòng, ban, nhiều cơ quan nên từng lúc không thể chủ động. Thêm vào đó, việc cắm phao tiêu phân luồng trên các tuyến sông vẫn chưa được thực hiện đầy đủ nên khó xác định xáng cạp có khai thác cát ngoài phạm vi cho phép hay không.

Mới đây, dư luận ĐBSCL lại hết sức bàng hoàng khi biết nạn khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ, gây sạt lở nghiêm trọng (trên sông Tiền - đoạn đi qua địa phận huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) là do có sự “chống lưng” của ông Nguyễn Hồng Lâm – nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Hồng Ngự.

Hành vi sai phạm của vị lãnh đạo này cùng những người có liên quan đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp ra quyết định khởi tố và chờ ngày chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Quốc Ngữ - Hiển Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ