Những công việc gian truân, vất vả cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc

GD&TĐ - Thanh Hóa, có 3 huyện vùng cao, biên giới giáp Lào. Khi Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra, cũng là những ngày lo lắng đến “mất ăn, mất ngủ” của người làm công tác phục vụ. Nhận, vận chuyển đề thi, bài thi, coi thi, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài… đều là những công việc đầy gian truân, vất vả.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (người đeo kính) và Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức đi kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu
Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (người đeo kính) và Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức đi kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu

Dùng xe chở phạm nhân chở đề thi

Trong mỗi kỳ thi, việc vận chuyển và bảo vệ đề thi là một trong những khâu cực kỳ quan trọng. Bằng mọi giá, đề thi phải được vận chuyển, bảo vệ tuyệt đối an toàn.

Là quản lý trường THPT, nên cứ đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Tạ Quốc Việt – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) lại được điều động làm công tác coi thi. Sau khi kết thúc kỳ thi an toàn, thầy Việt, mới “thở phào” vì đã trải qua quãng thời gian áp lực, căng thẳng. Kể lại công tác coi thi, có những kỷ niệm, mà theo thầy sẽ khó quên được trong suốt cuộc đời mình.

Thầy Việt có 22 năm công tác trong ngành thì 18 năm đi coi thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 7 năm làm thanh tra cắm chốt, 7 năm làm phó chủ tịch và 4 năm làm chủ tịch Hội đồng thi. Thế nhưng, đáng nhớ nhất là lần đi coi thi tốt nghiệp THPT (năm 2019) tại Trường THPT Triệu Sơn 3, huyện Triệu Sơn.

Thầy Việt nhớ lại: “Theo quy định, đi nhận đề thi dùng xe ô tô biển xanh, có lực lượng công an đi cùng. Mỗi Hội đồng thi phải mang theo thùng sắt, hoặc tôn, có khóa để đựng đề. Sau khi họp phổ biến các quy chế, hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của kỳ thi xong, thì nhận đề. Năm ấy, Hội đồng thi Trường THPT Triệu Sơn 3 xếp thứ tự thứ 52, thời gian nhận đề vào khoảng 10 giờ 40 phút. Thế nhưng, khi đến lượt nhận đề, thùng đựng đề do trường sở tại chuẩn bị lại quá nhỏ, phải mua thùng khác.

Trời nắng, người đông, nóng bức, chờ đợi là cả một vấn đề. Đến hơn 11 giờ, Phó Chủ tịch Hội đồng thi trường sở tại mới mua được thùng về. Sau khi nhận xong, niêm phong bàn giao và mang đề ra xe, Mặt trời đã gần đứng bóng. Chúng tôi được chiếc xe chuyên dùng để chở phạm nhân của Công an huyện Triệu Sơn đợi sẵn. Từ khi lên xe, lái xe bật còi hú inh ỏi và chạy rất nhanh khiến người ngồi trong xe nhiều lần đứng tim.

“Khi chúng tôi tổ chức niêm phong tủ đựng đề thi, kiểm tra hệ thống camera xong, lúc ấy đã hơn 13 giờ. Lúc này, mọi người mới được ăn trưa”, thầy Việt trải lòng.

Chiếc U-oát bị chết máy ở đỉnh dốc Cổng Trời (Mường Lát) khi vận chuyển đề thi năm 2009. Ảnh: Thầy Nguyễn Minh Đạo cung cấp.

Chiếc U-oát bị chết máy ở đỉnh dốc Cổng Trời (Mường Lát) khi vận chuyển đề thi năm 2009. Ảnh: Thầy Nguyễn Minh Đạo cung cấp.

Thấp thỏm chờ xe cứu hộ

Còn thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn lại có kỷ niệm về công tác nhận đề thi. Có lần, thầy Đạo được điều động đi làm điểm trưởng ở Trường THPT Mường Lát, cách TP Thanh Hóa gần 250 km. Ngày trước, lối lên Mường Lát vô cùng gian nan, vất vả nên khi được cấp trên giao đi làm công tác thi, là hiểu sẽ đối mặt với những ngày căng thẳng, lo âu nhất đối với việc vận chuyển, bảo vệ đề thi.

Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới đường đi lối lại xa xôi đã đành, nhưng sợ nhất là gặp mưa lũ, sạt lở đất, chia cắt đường. Những ngày chuẩn bị tổ chức kỳ thi, mà trời mưa là thầy cô “ăn không ngon, ngủ không yên”. Những phương án vận chuyển, bảo vệ đề thi làm sao cho an toàn tuyệt đối, được Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, huyện xây dựng rất chặt chẽ đề phòng tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chủ tịch Hội đồng thi giao túi đề cho các giám thị tại một điểm thi tốt nghiệp THPT ở Thanh Hóa. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hội đồng thi giao túi đề cho các giám thị tại một điểm thi tốt nghiệp THPT ở Thanh Hóa. Ảnh tư liệu

Thầy Đạo kể lại: “Tháng 7/2009, tôi được giao làm nhiệm vụ tại điểm thi THPT Mường Lát. Khi nhận đề xong, chúng tôi lên Mường Lát bằng một chiếc xe U-oát. Lên đến thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa), đã quá trưa. Từ thị trấn này lên Trường THPT Mường Lát còn hơn 100 km đường rừng. Vì vậy, tâm trí của mọi người trong đoàn đều lo lắng, vì xe chở người và đề thi có vẻ... không an toàn”.

Khi vượt qua địa danh Cổng Trời (xã Trung Lý, Mường Lát), chiếc xe bỗng khựng lại. Bác tài xế loay hoay mãi vẫn không thể nào nổ máy trong khi mưa bắt đầu nặng hạt. Hơn hai giờ đồng hồ trôi qua, không một chiếc xe, hay người nào đi xuôi xuống. Không có sóng điện thoại, tất cả ngồi nhìn nhau, rồi nhìn hòm đề thi khá lo lắng khi trời tối dần. Đồng chí công an cho biết, khu dân cư cách đây chừng vài km. Trụ sở UBND xã Trung Lý cách Cổng Trời khoảng 12 km. Chúng tôi quyết định cử người đi bộ lên khu dân cư, để nhờ xe máy của bà con chở về UBND xã Trung Lý. Những người khác ở lại bảo vệ đề thi.

Tài xế và 2 giám thị trong đoàn xung phong cuốc bộ để tìm sự trợ giúp. Lúc ấy, những người đi lên đã đành, còn người ở lại bảo vệ đề thi vừa phấp phỏng lo âu, hy vọng. Hơn một giờ đồng hồ nữa trôi qua, vẫn không thấy một tia sáng của ánh đèn xe nào đi xuống. Đoàn thực sự lo lắng, nhưng vẫn động viên nhau yên tâm, bình tĩnh. Mãi hơn 21 giờ 30 phút, ánh đèn xe ngược hướng mới xuất hiện. Một chiếc xe 7 chỗ đỗ ngay chỗ chiếc U-oát xanh đen đứng bất động, theo sau là hai chiếc xe máy và một xe cứu hộ ô tô. Chiếc xe 7 chỗ thành nơi thay đồ “dã chiến” cho mọi người, rồi chiếc xe ấy đưa đoàn tiếp tục cuộc hành trình về đến điểm thi THPT Mường Lát an toàn lúc 23 giờ...

Người thân đón thí sinh sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT ở Thanh Hóa. Ảnh tư liệu

Người thân đón thí sinh sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT ở Thanh Hóa. Ảnh tư liệu

Đánh thức thí sinh dậy làm bài thi

Cô Phạm Thị Tuyến - giáo viên Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn không thể quên kỷ niệm trong lần đi coi thi tốt nghiệp ở Trường THPT Mường Lát năm 2020. Cô Tuyến kể: Buổi làm thủ tục dự thi có khá nhiều thí sinh đến muộn. Các thầy, cô giáo ở trường phải gọi điện liên tục, chạy tới chạy lui để tìm học sinh. Hỏi lý do mới biết các em ở cách trường 30 - 40 km, trời mưa nên mãi chưa xuống đến nơi, có em thì ngủ quên…

“Thí sinh chủ yếu là người Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú… Đây là học sinh rất “đặc biệt”: Nhà nghèo, có em lại ham chơi, lười học, thi chỉ cốt lấy bằng tốt nghiệp rồi đi làm. Có học sinh nữ bầu to cũng đi thi; em vừa sinh con xong cũng cố gắng đi thi, để lấy... cái bằng”, cô Tuyến chia sẻ.

Một điều khá ấn tượng và có phần ngỡ ngàng với nữ giám thị này, đó là buổi thi môn Tiếng Anh, phát đề chưa lâu có thí sinh nói rằng: “Em làm xong rồi. Khi tôi đến chỗ em ấy ngồi, bất ngờ khi thấy thí sinh này tô 50 câu đều đáp án C! Quan sát xung quanh, lại thấy có em vừa nhận đề thi xong, đã gục xuống bàn ngủ ngon lành. Đánh thức thí sinh dậy để làm bài thi lại thấy đã tô hết lượt cùng một đáp án. Vì vậy, tôi đành để em ngồi tại vị trí để tiếp tục... ngủ cho đến thời gian nộp bài”, cô Tuyến nhớ lại.

Sau tình huống ấy, nữ giám thị tìm hiểu được biết, học sinh vùng núi cao học tiếng Việt đã thấy khó nên tiếng Anh được mặc định không thể học được. Vì thế, cứ đến giờ kiểm tra, các em chỉ chọn 1 đáp án.

“Mỗi kỳ thi, khi kết thúc phần niêm phong bài thi, vận chuyển về sở GD&ĐT nộp xong, những người làm công tác coi thi mới có thể thở phào bởi chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó”, thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...