Những con đường lập nghiệp

Những con đường lập nghiệp
SV trong giờ thực hành nghề
SV trong giờ thực hành nghề

Với mức điểm sàn vừa được Bộ GD-ĐT quyết định (khối A, D: 13; B,C: 14), thì sẽ có hơn 770.000 thí sinh hết cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH năm 2009. Tuy nhiên, các em vẫn còn cơ hội xét tuyển ở các trường dân lập, tư thục hoặc học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề khác và cũng có thể ôn tập để thi tiếp ở kỳ thi năm sau.

Nhưng có một thực tế tồn tại xưa nay, nhiều người cứ cho rằng, con đường vào đời lý tưởng nhất là đại học. Trượt đại học coi như mất tất cả, từ đó dẫn đến hoang mang, buồn chán, thậm chí có những hành động hết sức tiêu cực. Rõ ràng tâm lý bằng cấp ngự trị từ bao đời nay. Do vậy, con số hàng trăm nghìn thí sinh không vượt qua cửa ải của kỳ thi để vào đại học là vấn đề mà gia đình, xã hội hết sức quan tâm. Có rất nhiều các giải pháp để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực này, tại sao cứ phải vào đại học trong khi thực tế xã hội hiện nay đang lâm vào tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ”?

Ông Phạm Ngọc Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Asean bày tỏ ý kiến: "Công bằng mà nói, hiện tại, chúng ta giải quyết vấn đề phân luồng cũng như tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong trường phổ thông chưa tốt. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng như thí sinh chưa xác định rõ năng lực, sở trường, chưa tìm được hướng lập thân, lập nghiệp một cách phù hợp. Nếu giải quyết vấn đề này sớm thì hằng năm không còn áp lực căng thẳng trong mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Mỗi thí sinh không cần thiết phải lãng phí, tốn kém tiền bạc và công sức.

Thực tế cho thấy, nhiều người thành công, thành danh trong cuộc sống và công việc không phải từ con đường vào đại học. Cánh cửa vào đời luôn rộng mở cho những ai có ước mơ và hoài bão lớn. Không đỗ đại học, có thể học lên bằng con đường vào trung cấp, cao đẳng sau đó học liên thông, nâng cao trình độ, kể cả học nghề và đi làm nghề cũng là cơ hội tốt trong tương lai.

Cuộc sống đã chứng minh những tấm gương lao động sáng tạo, những nhà khoa học không bằng cấp, thậm chí là những nông dân thực thụ vẫn sáng chế ra nhiều loại máy móc, công cụ phục vụ đắc lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn".

Dẫu biết rằng thi đại học đậu rớt là điều hiển nhiên, nhưng khi thi trượt vẫn khiến cho các thí sinh bị hụt hẫng. Nhiều em đã bị stress, không muốn gặp bạn bè, người thân. Về phía phụ huynh cũng thất vọng khi con em thi trượt, bởi trước đó họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con.

Chị Ánh – giáo viên THPT huyện Sóc Sơn có con vừa thi trượt đại học tâm sự: "Ở trường cháu học cũng không đến nỗi nào. Ở nhà tôi luôn dành cho cháu sự ưu tiên đặc biệt để cháu có thời gian học hành, ngoài ra tôi cũng cho con đi học thêm ở nhiều thầy giỏi suốt 3 năm học THPT, vậy mà thi vẫn không đậu. Tuy vậy gia đình cũng không tạo áp lực với cháu. Trước mắt chúng tôi cũng đang chờ xét nguyện vọng 2, 3, nếu không được nữa thì chúng tôi cũng cho cháu học một cái nghề gì đó để lập thân, lập nghiệp.". 

Đại học không phải là con đường duy nhất vào đời. Với các thí sinh hỏng thi, con đường phía trước vẫn đang thênh thang rộng mở. Các “anh khóa hỏng thi” vẫn còn nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho mình...

Lam Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ