Bà Vương Hương Giang - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: Ngành GD-ĐT quận coi hội thi là dịp sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, tạo điều kiện để tất cả GV được giao lưu, học hỏi, phát huy tài năng, tâm huyết của mình.
Tham dự hội thi có rất nhiều cô giáo trẻ đã cho thấy đội ngũ các thầy cô ngày càng được trẻ hóa, từng bước khẳng định năng lực chuyên môn. Hội thi đã thực sự trở thành ngày hội đua tài, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, là nơi phát hiện và nuôi dưỡng tài năng của ngành.
Nhiều tiết học được thực hiện theo chủ đề tích hợp liên môn, linh hoạt trong khâu kiểm tra đánh giá theo hướng đổi mới, áp dụng một số khâu, một số phương pháp, kĩ thuật dạy học của Mô hình Trường học mới, tạo ra không khí dạy học sôi nổi, phát huy được tính tích cực, chủ động của HS, để lại ấn tượng sâu sắc.
Cô Nguyễn Thị Sen (Trường MN CLC 20-10) trong suốt 12 năm cống hiến với nghề luôn thể hiện niềm say mê, tâm huyết và tinh thần tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đó là thực hiện thí điểm áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến của Trường Liên Hợp Quốc UNIS.
Việc lựa chọn hoạt động khám phá xã hội với đề tài: Tìm hiểu hồ Hoàn Kiếm đã mang đến những bước đột phá về phương pháp, phá bỏ lối mòn trong tư duy và cách dạy học truyền thống. Cô đã tạo cơ hội cho trẻ tự học, tự khám phá bằng chính những trải nghiệm, cảm xúc của bản thân trẻ về hồ Hoàn Kiếm và chia sẻ với cô và các bạn qua kĩ năng vẽ, viết thư...
Cô Trương Thị Cúc (Trường MN CLC 20-10) với hoạt động giúp trẻ phát triển ngôn ngữ qua câu chuyện Chú cá vàng đã đưa trẻ đến với không gian của đại dương, tạo bất ngờ cho HS với nhiều đồ dùng sáng tạo độc đáo. Trẻ hứng thú khi được thưởng thức phần kể chuyện bằng ánh sáng kết hợp với âm thanh tuyệt vời trong một không gian lớp học gần gũi, thân thương như chính ngôi nhà của bé.
Cô Hoàng Thanh Hương (Trường MG Quang Trung), cô Vũ Anh Thư (Trường MN Đinh Tiên Hoàng), cô Vũ Thanh Huyền (Trường MN Bình Minh) đã tích cực đổi mới phương pháp, sáng tạo đồ dùng, đồ chơi từ những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm hiếm, dễ làm. Bên cạnh đó, các cô cũng mạnh dạn nghiên cứu CNTT và phương pháp Montesori, hoạt động STEM vào giờ học, qua đó giúp trẻ yêu thích chữ viết, phát triển ngôn ngữ và tư duy hiệu quả.
Trong giờ dạy Địa lý, cô Trần Thanh Uyên (Trường TH Trần Quốc Toản) đã khéo léo lựa chọn các phần mềm hỗ trợ việc dạy học phù hợp, các băng hình tư liệu và tranh ảnh kết hợp với vốn hiểu biết sẵn có của HS giúp các em làm chủ tiết học, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Việc GV mạnh dạn thay đổi toàn bộ ngữ liệu của bài, gắn bài dạy với thực tế cuộc sống, kết hợp giữa việc sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại và đồ dùng dạy học truyền thống đã giúp không khí tiết dạy nhẹ nhàng, hiệu quả với thông điệp ý nghĩa về lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần sẻ chia, ý thức về chủ quyền biển đảo của dân tộc.
Trong môn Toán, tiết Luyện tập chung thường được GV đánh giá là khô khan, khó dạy so với bài mới. Tuy vậy, bằng việc mạnh dạn thay đổi ngữ liệu phù hợp với đối tượng HS, tổ chức hệ thống hóa kiến thức cho HS dưới dạng gameshow, cô Dương Thu Hằng (Trường TH Thăng Long) đã truyền cảm hứng cho HS, giúp các em phát triển trí lực một cách tối đa.
Giờ học môn Đạo đức với bài học Tôn trọng Luật Giao thông, cô Hằng cũng đã để lại ấn tượng về một tiết học sôi nổi, có nội dung hấp dẫn, phương pháp hình thức đa dạng, phù hợp với mục tiêu bài dạy, lôi cuốn HS tham gia tích cực các hoạt động.
Với giờ Âm nhạc lớp 3 và lớp 4, cô Đỗ Thị Dung (Trường TH Tràng An) đã mang đến một phong cách mới. Kiến thức chắc chắn về nhạc lí, giọng hát trong trẻo, nhiều cảm xúc và phong cách tươi vui, trẻ trung đã cuốn hút HS ngay từ phút đầu tiên.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, các giờ dạy của GV quận Hoàn Kiếm được đánh giá là thực chất, thể hiện đúng năng lực chuyên môn và bản lĩnh sư phạm vững vàng. Các GV đã làm chủ tiết dạy của mình với phong thái dung dị, đời thường, được HS hào hứng đón nhận.