Xã hội nào thì sản sinh ra nếp nghĩ ấy, lối sống ấy. Chính con người bà của ngày hôm nay cũng không còn giống như ngày hôm qua. Bà biết điều đó nhưng bà bực, bà tức với chính con cái bà bởi chúng không làm theo những kinh nghiệm ngày xưa của bà. Chẳng gì bà cũng nuôi chúng nó lớn bằng sào, bằng gậy, để rồi giờ đây nó cãi…
Một người mẹ chồng, chưa thực sự cao tuổi, đã rất bức xúc khi nói về cô con dâu “sướng quá hóa rồ”. Bà đã không hài lòng về cô ngay từ lần gặp đầu tiên, khi cô tự nhiên quá mức, về nhà chồng tương lai, chưa cưới xin gì mà hai đứa cứ xoắn xuýt lấy nhau, chẳng bù cho ngày trước, ngày đầu tiên bà về ra mắt nhà người yêu là lao vào bếp, dọn dẹp, phụ giúp “mẹ chồng tương lai”.
Đến bữa ăn, bà cũng phải giành ngồi đầu nồi để xới cơm, phục vụ cả gia đình 7 người.
Có khi vừa bưng bát cơm lên miệng đã phải bỏ xuống vì mấy đứa em chồng tương lai đã “và” xong một bát, chìa ra xin chị dâu mới xới cơm cho. Cả bữa được mỗi nửa bát cơm, ăn xong còn phải dọn dẹp, rửa bát, quét nhà.
Vậy mà cô con dâu tương lai của bà ngồi xuống, ăn vội một bát cơm, rồi đứng dậy, nói rằng “cả nhà cứ ăn ạ, cháu ăn sáng muộn, nên giờ chưa đói”. Để mặc cả nhà ăn cơm, cô ấy ra ngồi ở bàn nước và cầm điện thoại.
Điều người mẹ chồng không hài lòng tiếp theo là việc cô con dâu có chửa trước. Mặc dù bà cũng mong có cháu bế, nhưng gì thì gì chứ, phải giữ gìn đến đêm tân hôn, chứ ai lại hôm cưới đã lùm lùm cái bụng, khó coi lắm.
Người ngoài nhìn vào, người ta đánh giá là con gái hư hỏng. Đã vậy, nó còn không biết xấu hổ, còn bô bô khoe rằng, chúng con thực hiện “giống ngắn ngày”, làm như hay ho lắm ấy.
Chẳng bù cho bà ngày trước, cưới nhau rồi mà chồng đụng vào, bà sợ chết khiếp, co dúm người lại, đến mấy ngày sau mới có tân hôn thực sự. Cưới nhau cả năm, sinh con rồi mà bà chưa bao giờ dám nhìn “cái đó” của chồng. Mấy chục năm cho đến giờ, sắp có cháu nội mà bà vẫn không chịu để đèn ngủ khi đi ngủ.
Bà bực mình lắm, mới có thai tháng thứ 7, cô con dâu của bà đã không chịu làm ăn gì, cái gì cũng phải chồng phục vụ đến tận miệng. Nhìn cái dáng cô ấy đi khệnh khạng, thỉnh thoảng kêu đau, bắt chồng dìu ra xe, bà thực sự “ngứa mắt”.
Bà nghĩ bụng, cứ làm như không ai đẻ bao giờ không bằng. Ngày xưa, bà vẫn đi làm đến ngày sinh cơ mà. Đang ở cơ quan thì trở dạ, bà gọi xích lô đi vào viện. Nằm kêu la đau đẻ gần 2 ngày mới sinh con, chứ có đâu như bây giờ, thích là đưa nhau vào viện, nhờ bác sĩ mổ lôi con ra.
Bà giận nhất là sau khi sinh con ở viện về, bảo cho con bú ngay mẻ sữa non đầu tiên, cô con dâu trả lời thẳng: “Con sinh mổ, dùng kháng sinh, nên không có sữa. Nhân tiện, con nuôi cháu bằng sữa công thức luôn, không cho bú nữa, khỏi phiền hà chuyện cai sữa sau này”.
Khổ thân cháu bà, chúng nó đẻ nhưng chúng nó không cho thằng bé bú, chắc lại sợ ngực chảy sệ, nên thế đấy mà. Đúng là người mẹ vô lương tâm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ cho con. Nuôi con bằng sữa bò, dù mỗi tháng mất mấy triệu, nhưng sữa bò làm sao bằng sữa mẹ. Vậy mà nói chúng nó, chồng vậy, vợ vậy đều cãi rằng “người ta cũng thế cả mà mẹ”.
Thằng cu đã lớn rồi mà chúng vẫn không chịu “xi” cho con đi tè, cứ ỉ lại vào có bỉm. Trẻ nhỏ mà đóng bỉm suốt đêm, sáng ra mới thay, cái bỉm nặng đến cả cân, toàn nước tiểu tích tụ lại, chẳng trách thằng bé bị hăm.
Cứ nhìn cảnh vợ chồng nó nuôi con là bà lại chán vì bất lực, không tham gia, góp ý được điều gì. Cái gì chúng nó cũng cãi, cũng lấy lý do “nay khác xưa”, rồi còn lý do “ai cũng thế”.
Ngày trước, từ tháng thứ ba bà đã gạn nước cơm cho con uống, có tí đường là ngon rồi. Thế mà bây giờ chúng nó bảo hết tháng thứ năm mới tập ăn dặm, vì sữa công thức đủ chất dinh dưỡng rồi.
Đến cái đoạn ăn dặm mới bực mình. Mỗi bữa chúng nó cho thằng nhỏ ăn có một, hai thìa bột nhạt, gọi là làm quen, mãi hai tuần sau mới dám cho ăn tăng lên một chút.
Đến khi con có thể ăn được bột mặn mới phức tạp. Mỗi thứ một tí tẹo teo, phải mang cân tiểu ly ra cân mới đúng công thức. Ngày xưa tất cả cho vào xoong ninh nhừ, đánh nhuyễn, gạn nước, giờ thì tất tần tật trút hết vào máy xay sinh tố nghiền nát. Trông bát bột trẻ con mà ngao ngán, xanh xanh, đo đỏ, trăng trắng, lổn nhổn, chẳng ra cái thể thống gì.
Bà góp ý, không cần cầu kỳ, thì vợ chồng con trai lại cãi rằng đủ chất, đủ lượng, đủ khoáng chất và vi-ta-min là được, hình thức không quan trọng…. Mệt thật!
Bà bất lực, bà nói cạnh khóe, bà nhắc nhở, khuyên răn, bà hờn dỗi, thậm chí mắng mỏ mà cũng không thay đổi gì được, nên bà cảm thấy mình bị tổn thương, bị coi thường.
Đã có lúc bà nghĩ “kệ chúng nó, con chúng nó chúng nó muốn nuôi thế nào mặc kệ chúng nó, bà không thèm tham gia”. Nói thì dễ, nhưng thực hiện cũng khó. Việc chúng làm cứ bày ra trước mắt bà, bà làm ngơ sao được, cái gì bà cũng thấy “ngứa mắt”.
Không ít lần mẹ con xích mích, nhưng đau nhất là con trai bà cũng đứng về phe vợ nó, chống lại bà. Không lẽ nhà có một mẹ, một con mà đuổi vợ chồng nó ra ở riêng cho khuất mắt?
Chán cảnh, bà đi buôn dưa lê với mấy bà cùng hội dưỡng sinh buổi sáng, những tưởng được các bà đồng niên cho lời khuyên hay giải pháp cải thiện tình hình, hoặc không cũng là cho đỡ tấm tức trong lòng…. ấy vậy mà bà còn bị ăn mắng xơi xơi.
Mà sao, họ cũng bằng tuổi bà mà họ nghĩ khác vậy. Họ bảo, mọi việc làm của con dâu, con trai bà không sai, chỉ là không giống với cách bọn mình đã làm, đã sống trước đây thôi. Điều quan trọng là bà phải nhìn thấy vợ chồng con trai bà tâm đầu ý hợp, yêu thương nhau, hai người mau mắn có cháu bé.
Điều may mắn thứ hai là họ đã tự lập, cả hai nhập vai bố mẹ trẻ rất chủ động, không giống như nhiều đồi vợ chồng trẻ, sinh con rồi mà chẳng biết làm cái gì, trăm việc đến tay bà nội, bà ngoại.
Nghe một thôi, một hồi từ các bà già tưởng cổ hủ, hóa ra lại hiện đại hơn bà, bà thấy cũng đúng. Tuy bà đã bớt bực tức, bớt giận, nhưng vẫn còn buồn vì bây giờ mọi thứ khác ngày xưa quá. Bà nghe nhiều người nói “bao giờ cho đến ngày xưa” nhưng quả thực ngày xưa có cái cổ hủ thật!