Những chuyện khó tin ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Những chuyện khó tin ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Tôi quyết định đến Hữu Bằng sau câu chuyện với chú Phan Lạc Sắc – Phó chủ tịch Công đoàn giáo dục Hà Nội. Chú kể về quê hương Hữu Bằng, nơi có rất nhiều cái "nhất": Xã đông dân nhất, dân giầu có nhất và có nhiều ô tô (tải) nhất huyện Thạch Thất… Còn nhiều cái "nhất" lắm, nhưng….

Và, tôi đã quyết định đến Hữu Bằng chính vì những điều ở sau chữ "nhưng" ấy!

UBND xã vốn là dinh thự của quan lại trước cách mạng
UBND xã vốn là dinh thự của quan lại trước cách mạng

Đọc đến đây, chắc có người sẽ nghĩ: Còn lạ gì cái xã Hữu Bằng, báo chí đã nói quá nhiều rồi đấy thôi, nào là ô nhiễm môi trường; nhiều người mắc bệnh ung thư; nơi bùng phát dịch phảy khuẩn tả sớm và nhiều nhất Hà Tây (cũ)… Nhưng chắc chắn đó không phải điều tôi muốn tìm hiểu ở địa phương chỉ cách trung tâm Hà Nội mấy chục cây số này.

Nơi đầu tiên mà tôi tìm đến là UBND xã. Được chỉ đường qua con phố bán toàn đồ nội thất, sầm uất và đông đúc không kém gì đường Láng trong nội thành Hà Nội, tôi dừng xe trước một căn nhà cổ cũ kỹ. Bà bán hàng nước bên đường phát cáu trước vẻ mặt "nghệt" ra của tôi khi bà đã nói rõ "Uỷ ban ngay trước mặt chị đấy" mà tôi vẫn cứ luôn miệng hỏi "đâu, đâu?". Thì ra cái căn nhà cổ mà tôi vừa nói đến chính là trụ sở uỷ ban. Chỉ đến khi nghe ông Phó chủ tịch xã giải thích, tôi mới vỡ lẽ. Thì ra, trụ sở này trước đây là đúng là nhà ở thật, nó vốn là dinh thự của ông quan Bố chánh ám sát trong vùng bị nhà nước trưng thu sau cách mạng, rồi chính quyền xã "tạm" dùng nó làm trụ sở, đến nay cũng đã được trên 50 năm. Theo tôi quan sát thì ngôi nhà hầu như vẫn y nguyên sau từng ấy năm. Đoán được thắc mắc của tôi, ông PCT cho biết: Hữu Bằng là xã có diện tích đất tự nhiên ít nhất nhưng dân số lại đông nhất huyện Thạch Thất, cụ thể là khoảng 16.000 người/178ha đất tự nhiên. Đất ở đây còn hiếm hơn cả trên Hà Nội. Trụ sở uỷ ban đặt "tạm" ở đây đến mấy chục năm cũng vì không có quỹ đất, một lý do khác là vấn đề kinh phí. Quả là, người dân ở đây có nghề mộc nên rất khá giả, nhà nhà đều xây dựng nhà khang trang, kiên cố, nhưng chính quyền lại "siêu nghèo". Ông PCT không trực tiếp nói ra điều này nhưng tôi được biết qua lời tâm sự của ông Phan Văn Tư, một cán bộ chính sách của xã. Theo ông Tư thì từ đầu năm đến nay, cán bộ xã chỉ nhận được vỏn vẹn 2 tháng lương. Từ lâu, xã không có một khoản thu nào, quỹ của xã hiện cũng không còn một đồng. Nhiều khoản chi tiêu hàng ngày, các bộ phận phải tự bỏ tiền túi ứng trước. Một ví dụ sinh động ông Tư đưa ra là, xã hỗ trợ các trường học trên địa bàn sơn vôi tường (chỉ là sơn tường phía ngoài) nhưng hai năm liền (2007, 2008) vẫn nợ, chưa có tiền trả. Năm học mới 2008 – 2009, xã cố gắng ủng hộ 100 ngàn cho trường mầm non làm lễ khai giảng.

Xã Hữu Bằng có 9 thôn nhưng hầu như chưa một thôn nào có trụ sở, chưa một thôn nào có nhà văn hoá. Nói "hầu như" là vì gần đây đã có một thôn duy nhất có trụ sở là thôn Miễu. Nói là trụ sở cho oai, thực ra chỉ là một phòng khoảng 10m vuông, trước vốn là nhà để sập đám ma, nay không dùng nữa nên thôn tạm lấy làm nơi họp hành.

Điều mong mỏi thiết tha của những cán bộ xã Hữu Bằng là thành phố sớm có quy hoạch xã thành các điểm công nghiệp để có quỹ đất phục vụ cho các công trình công cộng. Mặc dù có tin vui là uỷ ban sắp được chuyển sang trụ sở chính thức (đang xây dựng), nhưng Hữu Bằng, ngoài chưa có trụ sở thôn, chưa có nhà văn hoá, chưa có sân vận động và mang danh xã duy nhất của Hà Tây (cũ) chưa thực hiện được Nghị định 64 của Chính phủ…, vẫn còn một cái "chưa" khác rất đáng đau lòng.

  Xã "trắng" trường mầm non

Cái bình thường là xã Hữu Bằng cũng có đủ 3 cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Bậc tiểu học và trung học cơ sở, dù phòng lớp còn thiếu rất nhiều, nhưng dù sao thì cũng còn có trường đàng hoàng. Riêng bậc học mầm non thì cả xã hoàn toàn "trắng trường". Đây chính là "cái không" khó tin ở một địa phương thuộc thủ đô Hà Nội.

Trường mầm non phải học nhờ trên khu di tích ĐÌnh Chùa
Trường mầm non phải học nhờ trên khu di tích ĐÌnh Chùa

Theo cô Phạm Thị Hường, hiệu trưởng trường mầm non bán công xã Hữu Bằng, cả xã hiện có 2.210 cháu ở độ tuổi mầm non, trong đó 904 cháu ở độ tuổi nhà trẻ và 1.206 cháu độ tuổi mẫu giáo, nhưng chỉ có 1.247 trẻ được đến trường. Trong số 1.247 trẻ này lại có đến 555 cháu phải gửi trong các nhóm trẻ gia đình (cũng theo thông tin từ cô Hường, 15 nhóm trẻ gia đình ở đây, chỉ duy nhất 2 nhóm được cấp phép, còn lại không được cấp phép mà lý do chính vì giáo viên không có trình độ). 692 em còn lại (tức chỉ gần 1/3 số trẻ trong xã) tưởng may mắn nhưng thực ra đâu có được học trong trường một cách đúng nghĩa mà vẫn phải học nhờ, học tạm trong một điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Phòng BGH được ngăn ra từ lớp học
Phòng BGH được ngăn ra từ lớp học

Trường mầm non bán công xã Hữu Bằng có 19 lớp với tổng số 18 phòng, học tại 2 điểm. Điểm chính của trường gồm 14 phòng, học nhờ trên đất của Khu di tích Đình Chùa. 14 phòng này vốn là một HTX dệt thủ công được cải tạo lại. Đó là những dãy nhà cấp 4, năm nào cũng phải đảo ngói vì dột. Vì vốn là các phòng dệt nên diện tích phòng không đồng đều. Phòng lớn có khi rộng đến 60m vuông nhưng phòng nhỏ lại chỉ hơn 20. Trường không có nhà vệ sinh theo đúng nghĩa cho cả học sinh và giáo viên, chỉ có một diện tích rất nhỏ cho các cháu đi tiểu. Cháu nào có nhu cầu "đi nặng", các cô sẽ đặt túi bóng vào trong bô để các cháu "đi" vào, sau đó bọc lại cẩn thận rồi vứt vào thùng rác riêng. Các cô phải cố gắng và rất vất vả nhưng việc mất vệ sinh là khó tránh khỏi. Đã thế nguồn nước sạch lại thiếu trầm trọng. Trước kia, nước được chở đến trường bằng xe ô tô, nhưng thời gian gần đây, do đường sá đi lại không thuận tiện nên ô tô không chở nước vào được nữa. Nhà trường buộc phải mua nước của tư nhân "dùng tạm", độ an toàn không được đảm bảo. Với nước uống, nhà trường phải mua nước tinh khiết rồi đun lên cho các cháu dùng.  Hiện, trường chưa có nhân viên y tế, chưa có bất kỳ một phòng chức năng nào, đến phòng làm việc của ban giám hiệu cũng chưa có, phải lấy một phòng học có diện tích rộng rồi tạm thời ngăn ra làm phòng làm việc và nơi tiếp khách. Nhà bếp nấu ăn cho các cháu cũng là do các cán bộ giáo viên vận động, đóng góp xây dựng. Hai món đồ chơi để trên sân chơi ngoài trời chật hẹp cũng đã cũ kĩ đến tội nghiệp.

Nhà vệ sinh duy nhất cho gần 700 học sinh
Nhà vệ sinh duy nhất cho gần 700 học sinh

Điểm chính là như vậy, điểm lẻ ở thôn Bò Miễu còn tồi tệ hơn. Điểm này gồm 4 lớp nhưng học ở hai nơi. 3 lớp vốn là 3 phòng của khu chăn nuôi lợn ngày xưa cải tạo lại. Lớp cuối cùng học nhờ trong một phòng vốn trước kia là HTX mua bán, sau chuyển thành trạm xá, một thời là trường tiểu học rồi nhà văn hoá thôn. Theo cô hiệu trưởng thì lớp học này là bức xúc nhất vì xã chỉ cho trường dùng 2/3 phòng, còn 1/3 ngăn tạm bằng bạt để chứa loa, đài, bàn ghế của thôn. Vì không xây ngăn mà chỉ căng bạt nên chuột gián từ khu chứa đồ ngang nhiên chạy qua lớp học, rất mất vệ sinh. Cả hai nơi học của điểm lẻ đều không có nhà vệ sinh (chỉ có chỗ để đi tiểu rộng khoảng 2m vuông); hoàn toàn không có nước, phải mua nước của nhà dân cạnh đó; không có sân chơi; không có nhà bếp, bữa ăn của các cháu được vận chuyển (cách khoảng hơn 300m) từ điểm chính sang. Đó là chưa kể, nhà xây đã quá cũ nên chỉ hơi mưa là dột khiến các cháu không học tập được.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng được ông Phó chủ tịch giải thích là do xã không có quỹ đất để xây trường mầm non. Đầu năm 2008, mặc dù được tỉnh Hà Tây (cũ) duyệt chi kinh phí 1 tỷ đồng giúp xã xây trường nhưng thiện ý này không thành cũng vì không có quỹ đất. Số tiền đó lại bị cắt để chuyển cho một địa phương khác.

Trong 1 lớp học tại Trường mầm non Hữu Bằng
Trong 1 lớp học tại Trường mầm non Hữu Bằng

Cơ sở vật chất thiếu thốn, gần 700 cháu nhỏ phải học tập trong một môi trường không đảm bảo đã đành, các cán bộ giáo viên ở đây cũng thiệt thòi vô cùng. Với tổng thu nhập một tháng khoảng gần 1 triệu đồng, các cô không thể đảm bảo cuộc sống ở một nơi "phải mua từ cái tăm trở đi" như lời ông Phó chủ tịch xã. Nhắc tới chế độ ngày 20/11, thưởng Tết, cô hiệu trưởng Hường chạnh lòng: ngày 20/11 thì giáo viên không có chế độ gì. Tết năm ngoái, giáo viên mỗi người được 10 ngàn đồng. Năm nay khó khăn thế này chắc sẽ không được gì.

Chẳng biết những điều tôi đã mắt thấy, tai nghe ở xã Hữu Bằng trên đây có đủ để được coi là "chuyện lạ" chưa, nhưng lời nói của cô Hường và hình ảnh những học sinh ngây thơ đáng yêu ở nơi này cứ ảm ảnh tôi mãi. Biết đến bao giờ, Hữu Bằng mới hết những "chuyện lạ" như thế?

  N.N

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ