Những chuyện ít biết về anh em Wright

GD&TĐ - Vào năm 1903, anh em Wilber và Orville Wright trở thành những người đầu tiên trên thế giới bay trên bầu trời trong một chiếc máy bay tự chế. Là những người tiên phong của ngành hàng không, chung quanh họ còn có nhiều điều ít người biết.

Orville (trái) và Wilber Bright
Orville (trái) và Wilber Bright

Không phải chỉ có hai anh em

Khi sử sách viết về anh em Wright, các tác giả thường khiến chúng ta nghĩ rằng ông bà Wright chỉ có hai người con là Wilber và Orville. Thực tế, cha mẹ của họ, Milton Wright và Susan Catherine Koerner Wright có đến 7 người con. Reuchlin và Lorin lớn nhất, sau đó tới Wilber, rồi đến cặp sinh đôi Otis và Ida (cô này mất từ nhỏ), tiếp theo là Orville và Katharine (con gái duy nhất còn sống).

Không có bằng Trung học

Mặc dù Wilber Wright hoàn thành 4 năm trung học nhưng anh không có bằng cấp, do gia đình chuyển đi nơi khác trước khi lễ tốt nghiệp diễn ra. Còn Orville chưa học hết chương trình trung học. Bố của họ luôn phát huy tính thực tiễn, muốn các con có nhiều kinh nghiệm sống hơn là vùi đầu trong sách vở. Ông khuyến khích các con trai học buôn bán và rèn luyện những kỹ năng thích hợp. Khi còn là một thiếu niên, Orville cùng với Wilber đã lập một công ty in và sau đó là quản lý cửa hàng xe đạp.

Người mẹ “cơ học”

Bà Susan Katharine Wright, con gái của một người thợ đóng xe ngựa, có năng khiếu về cơ khí. Khi những đứa con lớn lên, bà tự tay làm đồ chơi cho chúng, ngay cả làm những vật dụng trong nhà, giúp công việc nội trợ thuận lợi. Khi lớn lên, Wilber và Orville thường tư vấn mẹ về các thiết kế cơ khí. Họ nói rằng sự giúp đỡ và hướng dẫn của bà đối với họ là vô giá.

Món đồ chơi bay

Năm 1878, Milton Wright tặng cho các con một món đồ chơi bay được, rất thú vị. Đó là một chiếc máy bay lên thẳng do Alphonse Penaud, nhà tiên phong ngành hàng không Pháp chế tạo. Nó chỉ gồm một trục bằng tre, 2 cánh quạt và dây cao su xoắn. Khi dây cao su xoắn bung ra, chiếc trực thăng bay lên không trung, chong chóng xoay tròn, đưa nó lên cao, sau đó đáp nhẹ nhàng trên mặt đất. Những đứa trẻ nhà Wright rất thích thú với món đồ chơi này, riêng Wilber và Orville thì đặc biệt mê mẩn. Cả hai dành ra nhiều giờ quan sát cách chiếc trực thăng bay và tìm hiểu về khí động lực học. Món đồ chơi này được cho là đã hun đúc niềm đam mê của họ trong lĩnh vực hàng không.

 

Cả hai không kết hôn

Mặc dù những người anh em khác của họ đều lập gia đình nhưng Wilber và Orville không ai kết hôn cả. Có lần Wilber nói vui rằng, hai anh em họ đã kết hôn với công việc. Sau này, Orville sống với cô em, Katharine. Khi cô quyết định kết hôn, Orville giận dữ và không thèm đến dự đám cưới. Họ chỉ làm hòa khi Katharine hấp hối trên giường bệnh. Sau này, các nhà sử học suy đoán rằng anh em Wright là những người đồng tính, tuy nhiên nhiều người khác thì cho là họ mắc hội chứng Asberger (một dạng tự kỷ).

Tung đồng xu trong chuyến bay đầu tiên

Khi anh em Wright đến North Carolina để thử chiếc máy bay lần đầu tiên, họ phải quyết định ai sẽ là người đầu tiên lái máy bay đi vào sử sách của nhân loại. Để cho công bằng, họ chọn cách tung đồng xu, và Wilber thắng. Tuy nhiên, anh lại gặp thất bại, chiếc máy không cất cánh được và bị hư hỏng nhẹ. Sau khi được sửa chữa, tới phiên Orville bay. Vào ngày 17/12/1903, chiếc máy bay cơ khí đầu tiên đã bay trên quãng đường khoảng 36m, mất 12 giây trên không.

Cảm hứng từ một kỹ sư Đức

Anh em Wright thường mày mò làm máy bay trong cửa hàng xe đạp của họ, chỉ bắt đầu phát triển công trình sáng tạo của mình một cách nghiêm túc sau khi Otto Lilienthal của Đức, người được gọi là Vua Glide, bắt đầu thu hút giới truyền thông quốc tế khi thực hiện các chuyến lượn trên không. Anh em Wright tin rằng họ có thể bay quãng đường dài hơn thiết bị lượn này trên chiếc máy bay cơ khí.

Người bố không muốn họ bay chung

Milton Wright có một nguyên tắc đối với sở thích về hàng không của hai cậu con trai. Ông không muốn cả hai bay chung với nhau vì sợ sẽ cùng lúc bị mất họ khi tai nạn xảy ra. Nguyên tắc này bị phá vỡ vào ngày 25/5/1910. Lúc đó ông Milton đứng dưới quan sát Orville lái máy bay, còn Wilber ngồi cạnh bên. Họ bay 6 phút trên bầu trời Dayton, Ohio. Sau khi máy bay hạ cánh an toàn, họ mời ông bố cùng bay. Ông cụ 82 tuổi được kể là vô cùng khích động và luôn gào lên: “Cao hơn, cao nữa đi, Orville”. Đây là chuyến bay đầu tiên và duy nhất của ông.

Không phải lần bay nào cũng thành công

Sau thành công của chuyến bay đầu tiên, anh em Wright tiếp tục cải tiến thiết kế máy bay. Vào ngày 17/9/1908, Orville lái thử nghiệm chiếc Wright Military Flyer hai chỗ ngồi mới chế tạo của họ, chở theo trung úy Thomas Selfridge của một đơn vị quân đội. Trong lúc cất cánh, cánh quạt bị hỏng làm máy bay lộn nhào rơi xuống đất. Orville bị thương ở lưng, gãy chân, gãy xương sườn phải nằm bệnh viện trong 6 tuần lễ. Còn Selfridge thì chết do thương tích quá nặng, trở thành người đầu tiên tử nạn trong một tai nạn hàng không.

Neil Armstrong và vật kỷ niệm của anh em Wright

Khi phi hành gia Neil Armstrong đặt chân lên bề mặt của Mặt trăng vào tháng 7 năm 1969, trong túi bộ đồ phi hành của ông có một mẩu nhỏ từ cánh máy bay và mẩu gỗ từ cánh của chiếc máy bay do anh em Wright chế tạo. Ông mang theo để tỏ lòng kính trọng anh em Wright và mong sẽ mang lại may mắn cho mình.

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.