Cách Thủ đô Hà Nội 70 km, dọc theo Quốc lộ 6 hướng Hòa Bình-Sơn La đến trung tâm huyện Cao Phong rẽ phải khoảng 2 km, du khách sẽ tới Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Nằm tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam là một địa chỉ du lịch không chỉ hấp dẫn về cảnh quan, mà còn nổi bật bởi giá trị tri thức Việt được lưu giữ tại đây.
Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Len - Phó tổng giám đốc MEDLATEC Group (váy đen) tham quan triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật. |
Công viên có không gian yên bình, thoáng đãng và gần gũi với thiên nhiên, khác hẳn với cuộc sống ồn ào nơi đô thị. Trong đó, khu vực trung tâm - điểm nhấn của công viên rộng khoảng 15 ha, được bao quanh bởi dòng suối Vàng với nhiều tiểu cảnh tuyệt đẹp cho du khách tham quan, ngắm cảnh.
Đi từ Nam Định lên Mai Châu, gia đình anh Nguyễn Xuân Hữu tình cờ biết Hòa Bình có Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam và quyết đến thăm. Tuy bị lạc mãi gần 18h00 mới đến Công viên nhưng gia đình anh Hữu coi đây là duyên kỳ ngộ.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Hữu tại Công viên Di sản. |
Kết thúc chuyến tham quan khi đồng hồ đã điểm hơn 20h00, anh Nguyễn Xuân Hữu cho biết: Đây thực sự là buổi trải nghiệm hữu ích bởi thông qua các kỷ vật trưng bày tại triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật", gia đình anh không những được tìm hiểu các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực học tập, sáng tạo, khắc phục khó khăn mà còn biết thêm được cuộc sống đời thường của các nhà khoa học.
Hơn 2 tiếng không thể tham quan hết các địa điểm tại Công viên cũng như thưởng thức đặc sản lẩu rau rừng, gia đình anh trở lại Công viên trong một ngày gần nhất.
Khách tham quan tại triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật. |
Nhiều người từng đến tham quan Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam vào những kỳ nghỉ khác nhau trong năm vừa qua, đến dịp Tết Nguyên đán, họ quyết định đưa người thân tới đây chơi Xuân.
Không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp và khám phá giá trị tri thức Việt được lưu giữ tại đây mà du khách mỗi lần đến còn là một lần trải nghiệm mới, hứng thú mới.
Gia đình cố GS. TS Nguyễn Hữu Đống lên thăm Công viên di sản. |
Bà Huỳnh Thị Dung, phu nhân GS.TS Nguyễn Hữu Đống (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Di truyền nông nghiệp, nay là Viện Di truyền nông nghiệp) cùng gia đình đến thăm Công viên Di sản cho biết: “Chúng tôi vô cùng biết ơn, tin tưởng, chỉ có người có tâm, có đức mới làm ra được một công viên như thế này.
Chúng tôi tin chắc nhiều nhà khoa học khác được lên tham quan, du ngoạn nhất định sẽ hết lòng ủng hộ cho công viên tất cả những gì còn giữ được của chồng, cha, bà, ông để công viên lưu trữ lại cho muôn đời sau”.
GS.TSKH Trần Duy Quý chỉ cho cháu nội cuốn vở ghi chép tự học ngoại ngữ của một nhà khoa học. |
Cùng các con cháu đến thăm Công viên di sản, GS.TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương; Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam. cho biết: Đây là một nơi thật tuyệt vời, vị trí phong thủy hữu tình tuyệt đẹp, lại là nơi lưu giữ các kỷ vật của bao nhiêu nhà khoa học Việt Nam để cho con cháu đến tra cứu học tập nhằm xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu của chúng ta mong muốn.
Cậu bé chăm chú đọc về chuyện GS Tôn Thất Tùng mổ gan khô. |
Một cô bé học lớp 3 ở thành phố Hòa Bình viết trong sổ lưu bút: “Hôm nay cháu đến Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cháu được đi tham quan rất nhiều nơi, được chụp ảnh rất nhiều. Cháu rất hài lòng vì Công viên”.
Các em nhỏ được trải nghiệm với chiếc máy đánh chữ. |
Không chỉ được đắm mình trong những tiểu cảnh tuyệt đẹp, du khách đến Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn có cơ hội chiêm ngưỡng khu triển lãm trưng bày hình ảnh, tư liệu của nhà khoa học, những người có góp lớn lao cho sự nghiệp phát triển của đất nước.