Iskander-M mang cơn đau đầu đến châu Âu

GD&TĐ - Hệ thống phòng không châu Âu dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước tên lửa của Nga khi thua kém hơn về nhiều chỉ số quan trọng.

Tên lửa chiến thuật Iskander-M của Nga.
Tên lửa chiến thuật Iskander-M của Nga.

Theo tờ Meta Defense của Pháp, hiện không chỉ có Pháp mà các nước châu Âu cũng đang khiếp sợ trước loạt vũ khí tiên tiến của Nga, trong đó có tên lửa đạn đạo Iskander-M khi chúng đã chứng minh được sức mạnh khủng khiếp trong cuộc xung đột Ukraine.

"Trong cuộc xung đột với Nga thấy mình dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi đứng trước mối đe dọa mà họ chưa chuẩn bị đầy đủ để đối mặt. Ngày nay lực lượng vũ trang châu Âu đang vận hành chưa đến 50 hệ thống phòng không tầm xa Patriot, SAMP/T và S-300, trong số đó chỉ có một nửa có thể đối phó được với các loại tên lửa như Iskander-M", bài báo cho biết.

Theo ấn phẩm này, tình hình sẽ tồi tệ hơn vào năm 2029 vì chỉ có 35 phần trăm hệ thống vũ khí đất-đối-không đang triển khai ở châu Âu là của châu Âu. "Theo học thuyết của Mỹ, phòng không chưa bao giờ là thế mạnh thực sự của quân đội châu Âu", bài viết nêu rõ.

Vào tháng 3, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu EU từ nay đến năm 2030 phải tăng cường đầu tư sản xuất các tổ hợp phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa, đạn dược, tất cả các loại máy bay không người lái hiện đại và phương tiện chống máy bay không người lái.

Trước đó, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Pháp hiện là Tổng Tư lệnh tối cao phụ trách cải cách của NATO, Đô đốc Pierre Vandier, thừa nhận rằng châu Âu không theo kịp sự phát triển về công nghệ quân sự và mất quá nhiều năm để chế tạo các hệ thống vũ khí, đó là lý do vì sao chúng lỗi thời ngay từ lúc xuất xưởng.

Cùng với thông tin của Meta Defense, Bộ tư lệnh không quân miền tây Ukraine cũng vừa công bố thành tích đánh chặn tên lửa Nga của phòng không Ukraine cho thấy sự bất lực của vũ khí phương Tây trong việc đối phó với Iskander-M.

"Trong cuộc tấn công tháng 3, Nga phóng 35 tên lửa hành trình Kh-101/55SM, 8 quả đạn Kalibr, 3 tên lửa đạn đạo Iskander-M, 4 tên lửa phòng không S-300 hoán cải, 8 tên lửa hành trình chiến thuật Kh-59/69 và 194 máy bay không người lái (UAV) tự sát cùng mồi bẫy.

Các đơn vị phòng không đã chặn được 25 tên lửa Kh-101/55SM, toàn bộ 8 quả đạn Kalibr, một tên lửa Kh-59/69 và 100 UAV tự sát", cơ quan này cho hay.

Tuy nhiên, Bộ tư lệnh không quân miền tây Ukraine không hề nói đến thành tích đối đầu với Iskander-M. Lực lượng Nga thường xuyên tập kích lực lượng Ukraine bằng tên lửa Iskander-M, do đây là loại vũ khí có thời gian phản ứng nhanh và rất khó bị đánh chặn.

Viện Nghiên cứu Kiel có trụ sở tại Đức cho biết, tỷ lệ đánh chặn thành công của Ukraine trong năm nay là 50% đối với tên lửa hành trình Kalibr, 22% với tên lửa chiến thuật Kh-59/69 phóng từ máy bay và chỉ chưa đạt 4% với tên lửa đạn đạo như Iskander-M.

Cơ quan này cho biết thêm, hệ thống IRIS-T mới thực hiện vụ đánh chặn thành công tên lửa hành trình Nga hồi giữa tháng 3 được đánh giá là vũ khí xứng đáng thay thế Patriot do Mỹ sản xuất và có thể đối phó được với Iskander-M.

Mỗi tổ hợp IRIS-T hoàn chỉnh gồm một xe chỉ huy, một radar đa năng TRML-4D cùng ba xe phóng với tối đa 24 quả đạn. Biến thể IRIS-T SLM có tầm bắn khoảng 40 km, chuyên đối phó máy bay, trực thăng, UAV hoặc một số loại tên lửa.

Đức cam kết cung cấp 12 hệ thống tầm trung IRIS-T SLM và 24 bệ phóng thuộc phiên bản tầm ngắn IRIS-T SLS cho Ukraine, trong đó ba tổ hợp SLM và hai bệ phóng SLS đã được chuyển giao trong giai đoạn 2022-2023.

IRIS-T được coi là một trong những lá chắn phòng không hiện đại nhất của Ukraine, giúp nước này lấp khoảng trống phòng thủ. Các chỉ huy quân đội Ukraine từng tuyên bố hệ thống này đánh chặn được 100% mục tiêu trong quá trình tham chiến.

Tuy nhiên, quân đội Nga từng nhiều lần công bố video tập kích các trận địa IRIS-T, phá hủy không ít tổ hợp đánh chặn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ