(GD&TĐ) - Năm học 2010– 2011 ghi nhận sự chuyển biến tích cực của giáo dục thường xuyên (GDTX), từ hệ thống mạng lưới, cơ sở vật chất cho đến quy mô và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Có được điều đó, cũng nhờ nhận thức ngày càng rõ rệt của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan doanh nghiệp và toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung "học tập suốt đời", xây dựng xã hội học tập; về vai trò của GDTX trong việc nâng cao dân trí, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tăng số lượng, cơ sở vật chất các trung tâm GDTX
Thống kê của Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) về phát triển mạng lưới cho thấy, đến hết năm học vừa qua, cả nước có 70 trung tâm GDTX cấp tỉnh (tăng 02 trung tâm so với năm học trước); 636 trung tâm GDTX cấp huyện, (tăng 21 trung tâm), chiếm tỉ lệ 91,38% tổng số huyện/thị. Có 7 tỉnh/TP đạt 100% huyện/thị có trung tâm GDTX. Một số tỉnh trước đây vốn rất khó khăn, năm học này đã cố gắng thành lập mới được các trung tâm GDTX, như Kiên Giang thành lập được 11 trung tâm, Bắc Kạn 04 trung tâm, Ninh Thuận 03 trung tâm,... Hoạt động của các trung tâm GDTX đã có sự chuyển dịch theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều chức năng: GDTX, hướng nghiệp, dạy nghề. Một số địa phương bước đầu đã thí điểm xây dựng mô hình trung tâm GDTX hoạt động có hiệu quả. Tương tự đối với các Trung tâm Học tập Cộng đồng (HTCĐ), kết thúc năm học, cả nước có 10.696 (tăng 706 trung tâm so với năm học trước), nâng tỷ lệ xã/phường/thị trấn có trung tâm HTCĐ lên 96,27% (tăng 6,31% ). Có 40 tỉnh/TP đạt 100% số xã, phường, thị trấn có trung tâm HTCĐ (tăng 08 tỉnh); riêng năm học này, Hà Nội đã thành lập mới 192 trung tâm HTCĐ, Quảng Ngãi thành lập mới 54 trung tâm HTCĐ,… Điều đặc biệt là ở một số địa phương, trung tâm HTCĐ không chỉ là nơi tổ chức cho người dân học tập để cải thiện năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, góp phần giảm nghèo bền vững, mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nâng cao chất lượng về đời sống tinh thần. Một số địa phương đã xây dựng mô hình hoạt động lồng ghép, như: trung tâm Văn hóa - HTCĐ (Bà Rịa - Vũng Tàu), trung tâm VH-TT-HTCĐ (Tây Ninh), ... Chưa kể bên cạnh đó hiện cả nước còn có 2.198 cơ sở ngoại ngữ, tin học do sở GD&ĐT quản lý (trong đó có 523 trung tâm) hoạt động, góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực làm việc cho người lao động.
Giờ thực hành môn Hàn công nghệ cao của HS Trung tâm GDTX |
Trong năm học này, nhiều tỉnh/TP đã đầu tư xây mới và nâng cấp phòng học cho các trung tâm GDTX. Điển hình như: Vĩnh Phúc, Hòa Bình 100% trung tâm GDTX có nhà cao tầng. Hà Nội đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng mới các trung tâm GDTX. Nam Định, Đắk Lắk đầu tư mỗi trung tâm GDTX xây dựng mới hơn 10 tỉ đồng, vv… Hiện cả nước 8.223 phòng học (tăng 460 phòng so với năm học trước), bình quân 11,65 phòng/1 trung tâm. Trong đó, số phòng học kiên cố là 6.524 phòng (tăng 410 phòng), trung bình 9,25 phòng/1 trung tâm. Số máy tính được trang bị cho các trung tâm GDTX trong cả nước là 28.240 máy tính (tăng 2.834 máy so với năm học trước), đạt trung bình 40m máy/trung tâm. Số phòng thí nghiệm, thư viện của trung tâm GDTX cũng tăng hơn năm học trước.
Cơ sở vật chất đầu tư cho các trung tâm HTCĐ cũng đã tăng đáng kể so với năm học trước. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính về hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các trung tâm HTCĐ, ngoài ra còn thực hiện phụ cấp cho ban giám đốc như: Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Bạc liêu, ... Đặc biệt, ở Bắc Ninh, tất cả các huyện đều thực hiện chế độ phụ cấp cả cho cán bộ chuyên trách của trung tâm HTCĐ, Huyện Lương Tài còn hỗ trợ cho các trung tâm HTCĐ theo đầu dân (mức 2.000đ/1người dân). Nhiều địa phương đã có nhiều hình thức hoạt động mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm HTCĐ, như: các huyện tổ chức giao ban giám đốc trung tâm HTCĐ mỗi tháng một lần (Trà Vinh); tổ chức các câu lạc bộ theo sở thích tại các trung tâm HTCĐ (Hòa Bình)...
Nhiều giải pháp tích cực nhằm thu hút người học
Song song với phát triển mạng lưới, việc biên soạn chương trình, tài liệu phục vụ dạy - học cho các cơ sở GDTX được quan tâm hơn. Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn nhiều loại tài liệu phục vụ dạy học tại các cơ sở GDTX, như: Tài liệu hướng dẫn dạy học Chương trình Xóa mù chữ và Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (XMC&GDTTSKBC) lớp 1-5; Tài liệu hướng dẫn dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng Chương trình GDTX cấp THPT; Tài liệu “Hướng dẫn người dân trong cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường”; Tài liệu giáo dục pháp luật trong trung tâm GDTX; Tài liệu giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong các trung tâm HTCĐ. Nhiều địa phương đã biên soạn được các tài liệu phục vụ học tập phù hợp với đặc điểm của đối tượng, vùng miền và đáp ứng yêu cầu của người học tại các cơ sở GDTX như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,...
Có thể nói những sự đầu tư đó là tác nhân chủ yếu góp phần duy trì số lượng người theo học các chương trình GDTX trong năm học vừa qua và thúc đẩy cho những chuyển hướng tích cực của người học chuyển hướng sang các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn. Đặc biệt, có hơn 13 triệu lượt người học chương trình đáp ứng theo yêu cầu, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ tại các trung tâm HTCĐ. Thực tiễn từ các địa phương cho thấy mô hình hoạt động của các trung tâm HTCĐ đã từng bước được cải thiện, trung tâm HTCĐ đã thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người dân đến học tập thường xuyên, học tập suốt đời, qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Trung tâm HTCĐ đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, là công cụ thiết yếu trong việc xây dựng XHHT từ cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác bổ túc THCS, bổ túc THPT cũng thu hút được số lượng người theo học đông đảo. Đối với bổ túc THCS, cả nước huy động được 69.933 HV (giảm 11.098 người so với năm học trước). Nhiều địa phương thuộc vùng khó khăn đã cố gắng nỗ lực, huy động được hàng ngàn HV ra lớp, như: Gia Lai, Hà Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Sóc Trăng, Kon Tum, Tiền Giang, Sơn La, Long An, Khánh Hoà, Nghệ An, Yên Bái, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Phước, Điện Biên, Hà Nội, Cao Bằng, Hòa Bình, ... Đối với bổ túc THPT, cả nước có 262.241 HV (giảm 23.837 HV so với năm học trước). Một số địa phương đã huy động được nhiều người ra học, như: TP. Hồ Chí Minh (32.191 HV), Thanh Hoá (15.305 HV), Hà Nội (10.843 HV), Đồng Nai (12.376 HV), Nghệ An (10.153 HV), Thái Bình, Nam Định (huy động được trên 8 ngàn học viên)...
Học sinh Trung tâm GDTX thành phố Cao Lãnh trong giờ học |
Để đạt được kết quả trên, nhiều địa phương đã có những giải pháp tích cực trong việc huy động các lực lượng xã hội tham gia để vận động các đối tượng ra lớp, hỗ trợ sách, vở, áo quần và tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho HV có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả trên đây rất có ý nghĩa trong việc củng cố kết quả phổ cập giáo dục THCS và tạo cơ hội cho mọi người dân được nâng cao trình độ văn hóa.
Liên kết đào tạo tại các trung tâm GDTX cũng là một trong những điểm nhấn của GDTX năm học 2010 - 2011. Theo thống kê (chưa đầy đủ), trong năm học này, các trung tâm GDTX đã liên kết đào tạo được 82.274 HV. Trong đó, rất nhiều địa phương đã huy động được số lượng khá lớn, như: Hà Nội đã huy động được 15.978 HV, Phú Thọ: 8.870 HV, Đắk Lắk: 7.517 HV, Vĩnh Phúc: 8.381 HV, Nam Định: 7.847 HV, Bắc Ninh: 6.415 HV,... Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các cơ sở GDTX, các cấp QLGD đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đào tạo từ xa và liên kết đào tại tại các cơ sở GDTX. Các sở GD&ĐT đã tăng cường quản lý, chỉ đạo và giám sát công tác liên kết đào tạo tại các cơ sở GDTX; các nền nếp, kỷ cương trong liên kết đào tạo và trong quản lý hoạt động này đã có sự chuyển biến tích cực, không có sai phạm lớn, phải xử lý trong năm học này.
Ngoài các chương trình trên, một số địa phương vẫn duy trì việc dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Tày, tiếng Hoa, tiếng Lào, ..) cho cán bộ miền xuôi lên công tác tại vùng dân tộc, như: Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, ...
Có thể nói những kết quả khả quan của năm học 2010 – 2011 là tiền đề quan trọng để GDTX đặt ra những mục tiêu mới cho năm học 2011 – 2012 với những yêu cầu cao hơn, mở rộng hơn và chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng của mọi người dân trong xã hội.
PV