Phó Chủ tịch VFF từ chức: Cảm ơn ông Park Hang-Seo!

GD&TĐ - Dù không nói ra song người ta hiểu rằng, quyết định từ chức Phó Chủ tịch VFF của ông Cấn Văn Nghĩa có liên quan trực tiếp tới cuộc đàm phán kí kết hợp đồng mới với HLV Park Hang-Seo.

HLV Park Hang-Seo
HLV Park Hang-Seo

Tranh cãi từ lúc đến và đi

Tại cuộc họp vừa diễn ra hôm 25/6, Thường trực Ban chấp hành VFF đã chấp nhận lá đơn từ chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của ông Cấn Văn Nghĩa. Vị lãnh đạo này đã chính thức thôi chức vụ chỉ sau 6 tháng nắm quyền. Đó cũng là giai đoạn mà VFF gặp nhiều khó khăn trong việc tăng cường nguồn tài chính để chi cho các hoạt động. Từ lúc đến và đi, ông Nghĩa đã gây ra nhiều tranh cãi.

Nhớ lại, hồi tháng 12/2018, ông Cấn Văn Nghĩa sau 2 vòng bỏ phiếu đã bất ngờ vượt qua 3 doanh nhân là Nguyễn Hoài Nam (Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam), Trần Văn Liêng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam) và ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thể thao Động Lực) để trở thành Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ ở VFF.

Nói bất ngờ, bởi trước khi có kết quả trúng cử, rất ít người tin rằng ông Cấn Văn Nghĩa hội đủ những điều kiện cần thiết để ngồi vào vị trí tìm “bầu sữa” cho các hoạt động của VFF. Đáng nói là ở thời điểm tranh cử, ông Nghĩa đang vướng vào các vấn đề liên quan tới tiền bạc và thu chi của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Theo Cục Thuế Hà Nội, Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình nợ 314 tỷ đồng tiền thuế đất trong giai đoạn 2012 - 2017, thời gian ông Nghĩa làm giám đốc.

Hơn thế, trong quá trình vận động tranh cử chức danh Phó Chủ tịch VFF, ông Nghĩa không có chiến lược, đề án tranh cử gì và cũng chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng vận động tài trợ, thu hút tài chính. Đó là quyết định gây tranh cãi, đặc biệt khi các ứng cử viên sáng giá lại bị loại bỏ một cách khó hiểu.

Khi đắc cử chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, ông Cấn Văn Nghĩa từng hứa sẽ thu về ít nhất 400 tỷ trong 4 năm nhiệm kì của mình. Nhưng giữa nói và làm đôi khi có khoảng cách rất lớn. Tất nhiên, khoảng thời gian 6 tháng là chưa đủ để đánh giá vai trò của ông Nghĩa nhưng với quá nhiều vấn đề liên quan tới tài chính mà VFF đang gặp phải, có thể thấy vị lãnh đạo này chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Cho tới lúc đi, ông Nghĩa cũng gây ra tranh cãi bởi đây là thời điểm nhạy cảm, có liên quan trực tiếp tới cuộc đàm phán kí kết hợp đồng mới với HLV Park Hang-Seo. Người phụ trách tài chính bỗng dưng “hạ cánh” ở đúng thời điểm VFF cần tiền thì quả là vấn đề đáng bàn.

Ông Cấn Văn Nghĩa - cựu Phó Chủ tịch VFF
  • Ông Cấn Văn Nghĩa - cựu Phó Chủ tịch VFF

Bài học quý từ HLV Park Hang-Seo

Trong lá đơn từ chức gửi lên Thường trực Ban chấp hành VFF, tuyệt nhiên ông Cấn Văn Nghĩa không đề cập đến những vấn đề khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ cho VFF. Thay vào đó, ông cho rằng mình sức khỏe giảm sút, không thể kham nổi cùng lúc 2 công việc nặng nề ở VFF và Hiệp hội Thể thao dưới nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh VFF cần tiền để “trói chân” HLV Park Hang-Seo, người ta tin rằng giữa 2 câu chuyện có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Trong 2 năm qua, HLV Park Hang-Seo đã làm được nhiều điều lớn lao cho bóng đá Việt Nam ở công tác chuyên môn. Và nay, nhà cầm quân người Hàn Quốc lại mang tới cho bóng đá Việt Nam một bài học nữa ở công tác quản lý. Người hâm mộ bóng đá nước nhà sẽ phản ứng ra sao nếu vì đồng tiền, chúng ta mất một vị HLV có tài và tâm như ông Park?

Cần nhấn mạnh rằng, ở cuộc đàm phán kí kết hợp đồng sắp tới, VFF sẽ phải chấp nhận chi mức lương chưa từng có trong lịch sử (khoảng 40 - 50 nghìn USD/tháng). Đây là gánh nặng lớn nhưng rất xứng đáng với HLV Park Hang-Seo sau những gì ông làm được và những kế hoạch lớn lao sắp tới.

Bao năm qua, bóng đá Việt Nam vẫn luẩn quẩn trong “ao làng” Đông Nam Á vì sự đầu tư nhỏ giọt, thiếu định hướng. Ở thời điểm hiện tại, rất khó để tiến xa nếu thiếu… tiền. Đây là lúc mà nhiệm vụ kiếm tiền của VFF phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng trong 2 năm qua, bầu Đức mới là người bỏ tiền túi trả lương cho HLV Park Hang-Seo. Vai trò của VFF ở đâu? Ban tài chính và vận động tài trợ của VFF đã làm những gì ngoài những lời hứa suông?

Cần nhớ lại rằng, thầy trò Park Hang-Seo đã nhận được số tiền thưởng rất lớn từ các mạnh thường quân sau thành công ở VCK U23 châu Á 2018. Sau đó, họ cũng làm được điều tương tự ở AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Thực tế đó cho thấy rằng với hiệu ứng mà thầy Park tạo ra, VFF đang có nền tảng tốt để tăng cường tài chính. Mọi chuyện sẽ không phải vấn đề nếu VFF tìm được một người có tâm và có tài vì nền bóng đá quốc gia.

Hãy cứ nhìn cách mà Thái Lan và Philippines sẵn sàng chi mức lương khổng lồ để sở hữu những HLV tầm cỡ để thấy rằng bóng đá Việt Nam đang lạc hậu. Chúng ta không thể tiến xa và đặt những mục tiêu lớn nếu không biết cách tiêu tiền và huy động tài chính.

Suy cho cùng, bóng đá Việt Nam lại phải cảm ơn HLV Park Hang-Seo. Ông đã đặt ra vấn đề quan trọng nhất vào đúng thời điểm nóng. Đó là cơ sở để tạo ra một sự thay đổi lớn cho VFF và những nhà lãnh đạo. Một nền bóng đá chỉ mạnh thực sự nếu xuất phát điểm của nó là cơ chế quản lý đúng đắn và bài bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.