Những "chiến sĩ" thầm lặng trong trường học

GD&TĐ - Một ngôi trường thân thiện không chỉ được tạo nên bởi những thầy cô đang hàng ngày, hàng giờ cống hiến cho sự nghiệp trồng người, mà còn có sự đóng góp thầm lặng của những người như nhân viên bảo vệ, y tế...

Cô Khang cùng giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc đo thân nhiệt cho học sinh khi học sinh quay lại trường học trực tiếp.
Cô Khang cùng giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc đo thân nhiệt cho học sinh khi học sinh quay lại trường học trực tiếp.

Bác bảo vệ thân thiện

Tại các trường mầm non, nơi có 100% cán bộ giáo viên đều là nữ thì nhân viên bảo vệ là người “đẹp trai” nhất trường và đóng luôn vai trò là “trụ cột” của đại gia đình. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh mỗi ngày, các bác bảo vệ còn làm rất nhiều việc “không tên” như sửa chữa điện nước, bảo dưỡng bàn ghế, nhà cửa, thiết bị dạy học…

Các cô giáo tại Trường Mẫu giáo Măng non (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều yêu mến bác bảo vệ Ngô Văn Tấn (gần 60 tuổi và đã có thời gian 20 năm công tác tại trường). Tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe bác vẫn dồi dào, bác luôn nhiệt tình trong công việc, bảo vệ nghiêm ngặt trường cả ngày lẫn đêm.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Măng non - cho biết: Ấn tượng của mọi người về bác bảo vệ chính là nụ cười thân thiện, ấm áp, dễ gần. Công việc bảo vệ tại trường rất vất vả, cần sự siêng năng, chăm chỉ. Từ những việc như bảo vệ an toàn cho học sinh khi đến trường, trông coi cơ sở vật chất của nhà trường, sửa chữa đồ dùng cũ hỏng, bác Tấn đều thực hiện rất tốt.

Từ 5 giờ sáng, khi mọi người vẫn trong giấc ngủ, bác bắt đầu công việc quét sân, tưới cây... Thời gian học sinh trong lớp, bác đi kiểm tra xung quanh trường để bảo đảm an toàn, không cho người lạ xâm nhập. Vào giờ đưa đón trẻ, bác Tấn dắt xe giúp phụ huynh và giáo viên, giúp cổng trường không bị ùn tắc. Buổi tối, bác lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho trường học.

Cô Dương Thị Việt Hoa - giáo viên Trường Mẫu giáo Măng non - chia sẻ: Đối với tập thể giáo viên nhà trường, bác bảo vệ như người trong nhà. Bác quan tâm đến các giáo viên trong trường, thuộc tên, thuộc tính nết của từng cô, thậm chí còn biết tên rất nhiều phụ huynh đến đưa đón trẻ.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, bác bảo vệ là một trong số các chiến sĩ đi đầu. Thời gian tạm dừng đến trường, hầu hết giáo viên đều ở nhà làm việc trực tuyến thì bác vẫn cần mẫn đến trường thực hiện công việc đảm bảo an ninh trường học và cùng với đó là thực hiện khử khuẩn, lau dọn thường xuyên…

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, bác Tấn còn hăng hái trong nhiều phong trào của nhà trường như hỗ trợ nếu các thầy cô làm đồ dùng dạy học, tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên tài năng.

Bác bảo vệ Ngô Văn Tấn sửa chữa hệ thống điện.
Bác bảo vệ Ngô Văn Tấn sửa chữa hệ thống điện. 

Cô y tế hiền hậu, cần mẫn

Tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cô nhân viên y tế Nguyễn Thị Khang luôn được mọi người yêu quý bởi sự niềm nở, nhiệt tình, tận tụy với công việc. Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, cô Khang trở thành chỗ dựa, là người bảo vệ cho sức khỏe của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hân - giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc - chia sẻ: Dù là người không quyết định trực tiếp đến thành tích học tập của nhà trường nhưng “cô y tế” lại giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như thời gian qua.

Giáo viên, học sinh khi ốm mệt, đau đầu, đau bụng đều gặp nhân viên đầu tiên. Ra chơi là giờ cô y tế bận rộn nhất, không chỉ thăm khám cho các em bị bệnh, bị đau, mà còn chuyện trò trước những băn khoăn về sức khỏe của các em. Nụ cười, bàn tay chăm sóc các em của cô đã khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm động và yêu mến cô hơn.

Theo cô Phạm Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc, ngoài việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho học sinh, nhân viên y tế còn có nhiệm vụ lập kế hoạch hoạt động y tế, quản lý hồ sơ của tất cả học sinh, nắm vững bệnh lý của từng trường hợp sau mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Có những em trong khi khám sức khỏe định kỳ đã phát hiện ra một số bệnh mới chớm, cô tiếp nhận và thông báo kịp thời đến gia đình.

Không những vậy, “cô y tế” cũng chịu trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường. Mỗi sáng, cô đến sớm để thực hiện các mẫu test về độ an toàn của rau, thịt. Giờ vào lớp, cô đi kiểm tra khung cảnh sư phạm, nhà vệ sinh. Cô Khang còn là người trực tiếp theo dõi thực đơn, kiểm tra và lưu giữ suất ăn, theo dõi việc ăn uống ngủ nghỉ của học sinh và giáo viên ở trường trong giờ bán trú.

Trong đợt dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cô y tế luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Cô tự mình dán những pano, treo bức tranh tuyên truyền phòng chống dịch tại trường, chuẩn bị trang thiết bị cần thiết cho công tác chống dịch. Trong các buổi vệ sinh khử khuẩn toàn trường, cô luôn thể hiện sự nhiệt tình, tích cực nhằm bảo đảm vệ sinh, phòng chống dịch hiệu quả.

Chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc, kể lại kỷ niệm khi con bị ốm, bị sốt cao đã được cô y tế thăm khám, đo nhiệt độ và cho uống thuốc tại chỗ. Từ việc dìu cháu lên giường cho đến thái độ lo lắng từng chút của cô không khác hình ảnh của một người mẹ đang ân cần chăm sóc bé. Cô y tế còn hỗ trợ mẹ đưa con về nhà chăm sóc, chỉ bảo cách uống thuốc, ăn uống... Những việc làm của cô đã khiến mọi người vô cùng xúc động.

Khi được hỏi về niềm vui với công việc, bác bảo vệ Ngô Văn Tấn cười và nói: “Trẻ đến trường phải an toàn, tránh tai nạn, thương tích. Do đó, tôi luôn cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ, với mục tiêu bảo đảm an ninh, trật tự để các cô giáo yên tâm thực hiện chức năng giáo dục của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ