Những 'chiến binh' đạp núi đến trường: Cậu bé Mông viết lại số phận

GD&TĐ - Đói nghèo, cơ cực đã giúp cậu bé Mông thêm nghị lực theo đuổi con chữ và trở thành thầy giáo thứ 2 của bản...

10 năm sau ngày lấy vợ, Sùng A Chai đã trở thành thầy giáo.
10 năm sau ngày lấy vợ, Sùng A Chai đã trở thành thầy giáo.

Tưởng chừng con đường học hành bị đứt gãy khi Sùng A Chai bị bố mẹ bắt cưới vợ lúc mới 12 tuổi, thế nhưng đói nghèo, cơ cực đã giúp cậu bé Mông này thêm nghị lực theo đuổi con chữ và trở thành thầy giáo thứ 2 của bản.

Cuộc hôn nhân ở tuổi 12

Vừa rời lớp học về lán, Sùng A Chai bất ngờ thấy bố đứng ở cửa. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì ông đã lên tiếng: “Học cũng không no được cái bụng. Về nhà lấy vợ rồi đi rẫy. Tao và mẹ mày đã hỏi vợ cho mày ở Sơn La”. Những câu nói là dấu chấm hết cho giấc mơ học chữ của Chai.

Trong đêm tối, Sùng A Chai lẽo đẽo theo cha vượt hơn 50km đường rừng từ bản Táo (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) trở về nhà ở bản Tà Cóm. Năm ấy là năm 2007, cậu bé Sùng A Chai mới 12 tuổi, vừa bước sang học kỳ II của lớp 6.

Ngày hôm sau, Chai theo bố mẹ lên tận xã Hua Nhàn của huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La) hỏi vợ. Để lấy được vợ, bố mẹ Sùng A Chai phải mất 5 triệu đồng. Vợ Chai là cô gái Mông kém Chai 1 tuổi. Lấy vợ xong, không còn được đi học, Chai theo bố mẹ lên rừng làm rẫy.

Thời điểm đó, không chỉ nhà Sùng A Chai nghèo, cả bản 100% hộ nghèo, trẻ con cũng không “mặn mà” con chữ. Những đứa trẻ lớn lên không phải đến trường mà là lên nương, lên rẫy rồi lấy vợ, lấy chồng. Cái vòng luẩn quẩn tảo hôn ở tuổi 12, 13 ở đây diễn ra suốt bao đời, không thoát ra được.

nhung-chien-binh-dap-nui-den-truong-2.jpg
Thầy Sùng A Chai từng kết hôn ở tuổi 12.

Bỏ học hết kỳ II năm lớp 6 thì Sùng A Chai thấy nhớ trường, nhớ bạn. Chai thầm nghĩ, bố bảo học không no được cái bụng, nhưng lên nương lên rẫy mà cái bụng cũng đâu có được no. “Có đi học mới thoát khỏi bản làng, mới mong cuộc sống khấm khá hơn được chứ cứ ở bản rồi ma tuý, đói nghèo vẫn mãi đeo bám thôi”, Sùng A Chai kể lại.

Thế là vào nửa đêm, khi trời còn tối bưng lấy mặt, cả nhà còn đang say giấc, Sùng A Chai đeo chiếc đèn pin lên đầu, vác theo 10 kg gạo rồi đi bộ hơn 50 km quay trở lại trường xin học tiếp. “Mỗi lần về lấy gạo, vợ đi theo cả km đường rừng, nước mắt ngắn dài xin tôi đừng đi học nữa. Chẳng những thế, khó khăn chồng chất khi tiền không có, đường sá xa xôi, nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng đã bỏ gần hết.

Một số học lên lớp 7, vài đứa cố gắng lắm cũng chỉ học đến lớp 9 là bỏ. Lúc đó, chỉ nghĩ, bỏ học nghĩa là quay về lên nương, lên rẫy, đẻ những đứa con và chúng sẽ lại bỏ học tảo hôn như mình. Cuộc đời của chúng sẽ lại lặp lại cuộc đời mình, đời cha mẹ mình. Vậy là quyết tâm không bỏ”, Sùng A Chai nhớ lại.

Không thuyết phục được chồng bỏ học, vợ Chai là Hặng Thị Giang đã trở về quê mẹ (ở xã Hua Nhàn) đi trồng ngô thuê trên nương, rẫy lấy tiền gửi về cho chồng theo con chữ. Đằng đẵng từ cấp 2 đến cấp 3 rồi xong đại học, phần lớn chi phí Chai đi học từ tiền của người vợ đi làm thuê.

“Gạo bố mẹ cho, tiền vợ cho rồi những ngày hè nghỉ học thì đi làm nan để có chi phí cho năm học sau. Cứ thế, chật vật, đói khổ cũng qua được những năm tháng học hành”, thầy Chai tâm sự. Hết cấp 2 rồi cấp 3, Sùng A Chai đỗ vào Trường ĐH Hồng Đức, Khoa Giáo dục tiểu học.

nhung-chien-binh-dap-nui-den-truong3.jpg
Thầy giáo Chai là tấm gương cho nghị lực vượt khó vươn lên thay đổi số phận ở bản Tà Cóm.

Cuộc đời của thầy - tấm gương cho trò

Kết thúc hành trình gian nan theo sự học, thầy Chai không lựa chọn rời xa nơi mình sinh ra, mà quay về Tà Cóm và đã trở thành thầy giáo dạy chữ để thực hiện mong ước mở lối cho những đứa trẻ của bản, chỉ đến với con chữ mới thoát nghèo được. Thầy lấy cuộc đời mình để truyền cảm hứng cho trò đến lớp.

“Ở Tà Cóm nếu không đi học thì không thoát được nghèo đâu. Tôi thường nói với bọn trẻ, hãy nhìn vào cuộc đời tôi đã đi qua, đừng lấy vợ quá sớm như tôi, đừng rời xa trường lớp. Hãy nỗ lực, khó khăn đến mấy cũng đừng từ bỏ con chữ”, thầy Sùng A Chai nói.

Giờ đây, thầy Chai không chỉ dạy Toán, Tiếng Việt mà còn là người đứng ra vận động chống tảo hôn trong bản, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu ý nghĩa của việc học. Mỗi ngày thầy không chỉ truyền đi con chữ mà còn cả khát vọng vươn lên, thoát khỏi những ràng buộc, hủ tục lạc hậu.

Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự khi nói về Sùng A Chai đã luôn nhắc về nỗ lực vượt khó. “Chai nó giỏi đấy, nó là một trong 4 người đầu tiên của Tà Cóm cho đến nay học hết đại học. Nhưng Chai là người duy nhất mang con chữ về bản. Bản còn nghèo lắm, có 112 hộ thì chỉ có 12 hộ thoát nghèo. Ở nơi đã khó khăn về kinh tế, lại là điểm đen ma túy nữa, nên người như Chai chỉ có một từ khi lập bản đến nay”, Trưởng bản Thào A Sự nói.

Cuộc sống vợ chồng thầy giáo Sùng A Chai nay đã khấm khá, thuộc tốp đầu của bản. Ngoài khoản tiền lương giáo viên (thầy Sùng A Chai đã là viên chức ngành Giáo dục huyện Mường Lát từ năm 2020), vợ chồng thầy Chai còn tích góp, mua được nhiều bò để nuôi.

Vợ thầy Chai hằng ngày chăm sóc con cái và lo hết việc nhà để anh tiếp tục thực hiện ước nguyện mang ánh sáng về bản, đẩy lùi đói nghèo đã đeo bám Tà Cóm bao năm qua.

Từ hành trình vượt qua đói nghèo, hủ tục đến ngày đứng trên bục giảng, thầy giáo Chai chính là minh chứng cho sự học, chỉ cần không từ bỏ, con chữ có thể viết lại cả số phận.

Bài 1: Những 'chiến binh' đạp núi đến trường: Ba anh em 'cõng' hy vọng của bản

Bài 3: Những 'chiến binh' đạp núi đến trường: Chuyện Chủ tịch xã đưa trò trở lại lớp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ