Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao trình độ dân trí, người giáo viên ngoài đảm nhận việc dạy học trên bục giảng còn kiêm nhiệm thêm công tác điều tra phổ cập. Công tác này đã đem đến nhiều trải nghiệm quý báu cho đội ngũ thầy cô giáo. Đây còn là giải pháp hữu hiệu từng bước xóa nạn mù chữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới như Điện Biên.
Thực tế đã chứng minh, điều tra phổ cập có tác động rất lớn đến vận động người dân xóa nạn mù chữ, đẩy mạnh ý thức về nhận thức giáo dục đối với những hộ dân vùng khó khăn. Trên mặt trận diệt “giặc dốt”, đóng vai trò nòng cốt là giáo viên, đặc biệt giáo viên vùng sâu, vùng khó. Họ là người trực tiếp giúp người dân hiểu về giáo dục không khoảng cách với bất cứ ai. Chính điểm thuận lợi này đã giúp cho nhiều trẻ được đến trường, nhiều người chưa biết chữ đã có thể dành sự quan tâm nhiều hơn cho giáo dục để có trình độ nhất định, rút ngắn con đường đến với chữ.
Hằng năm, đầu năm học trường Mầm non Mường Anh (xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) cũng thực hiện công việc này.
Nhà trường cùng các giáo viên, địa phương tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến đông đảo phụ huynh. Trường Mầm non Mường Anh luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài. Bởi thế, trường luôn gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Từ yêu cầu của thực tế tại cơ sở, trường Mầm non Mường Anh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các giáo viên tiến hành điều tra công tác phổ cập.
Từ đầu tháng 8 đến nay, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ diễn ra ở nhiều nơi gây sạt lở, ách tắc giao thông song tất cả đều không quản ngại khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cô đã vượt núi, băng rừng để đi từng ngõ, “gõ” từng nhà, rà từng độ tuổi.
Chính từ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó của tập thể sư phạm nhà trường mà công tác điều tra phổ cập giáo dục ở đây được thực hiện hiệu quả theo đúng tiến độ đặt ra.