Vùng rốn lũ “khát” nước
Hằng năm, vào thời điểm tháng 7 âm lịch là con nước lũ từ đầu nguồn sông Mê Kông đổ về tràn đồng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Mùa lũ ở miền Tây không phải lũ quét, lũ ống hay ngập úng như vùng khác, mà nước dâng cao từ từ. Bao đời nay người dân sống chung với lũ, xem đây là mùa làm ăn vì nguồn tôm, cá dồi dào.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, một năm trung bình sông Mê Kông có tổng lượng nước khoảng 475 tỉ mét khối, trong đó lượng mưa tại vùng ĐBSCL chiếm khoảng 11%. Các chuyên gia cho rằng, tình hình mùa lũ cạn ở miền Tây nguyên nhân chính là do hàng chục đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông ngăn dòng chảy gây thiếu nước, thay đổi dòng nước vùng hạ nguồn. Hệ lụy khôn lường xảy ra nếu các đập thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả nước, khi đó ĐBSCL sẽ hứng lũ dâng cao bất ngờ, rất khó trở tay.
Tuy nhiên, năm nay miền Tây lại rơi vào tình cảnh hết sức hiếm thấy là “vào mùa lũ mà không có lũ”! Các tỉnh đầu nguồn giáp biên giới Campuchia hiện tại chưa thấy tín hiệu gì của nước lũ về.
Ruộng đồng khô hạn nứt nẻ, ao hồ trơ đáy, mực nước các con sông cũng rất thấp. Người dân theo tập quán bao đời, khi vào tháng 6 âm lịch là mua sắm xuồng, câu, lưới, dụng cụ đón nước lũ đầu mùa. Đợi mãi chưa thấy lũ về, bà con đành ngồi “ngóng”; có người đành xếp lại dụng cụ để đi làm thuê, làm công nhân.
Tại huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp), các con sông, kênh nội đồng giờ đây nước vực sâu, cạn trơ đáy. Hộ nào sử dụng nước sông để bơm tưới rau màu, cây trồng cũng điêu đứng vì nước cạn.
“Hơn 40 năm tôi sống ở vùng rốn lũ nhưng chưa thấy năm nào lại khan hiếm nước như năm nay. Thời điểm này những năm trước, nước đã tràn mặt ruộng đồng, người dân hành nghề khai thác cá linh non kiếm tiền triệu mỗi ngày. Tôi làm nghề nuôi vịt chạy đồng, giờ đồng khô phải dùng máy bơm hút nước dưới sông lên cho vịt ăn, uống. Các cánh đồng khác ở Long An, An Giang cũng không một giọt nước. Mùa lũ mà không có nước, nhìn cảnh khô hạn như tháng 2, tháng 3”, chị Nguyễn Biên Cương ở xã An Phước (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết.
|
Theo ông Nguyễn Văn Mách, ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang), từ lúc sinh ra tới giờ ông chưa thấy tình cảnh tương tự. “Từ tháng 6 âm lịch gia đình tôi chuẩn bị xuồng, lưới, dớn (dụng cụ bắt cá bằng lưới) để kiếm thêm thu nhập. Ai ngờ đến giờ chưa thấy giọt nước nào nên đành ngồi đợi. Đợi mãi không thấy nước nên mấy đứa con, cháu đăng ký đi làm công nhân ở Bình Dương, gia đình chỉ còn lại hai ông bà để giữ mấy đứa cháu nội, ngoại”.
Theo chia sẻ của người dân, mùa lũ “cạn” ở miền Tây ảnh hưởng rất lớn, làm đảo lộn cuộc sống của họ. Nhất là việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ nước lũ không còn, các làng nghề làm dụng cụ đánh bắt tôm, cá cũng khó làm ăn và giải thể. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất bấp bênh vì không biết diễn biến con nước như thế nào? Nếu thượng nguồn đồng loạt xả các đập thủy điện thì nguy cơ nước dâng nhanh làm thiệt hại. Nguy cơ nhất là tình trạng sạt lở ven các con sông lớn, vì khi mực nước sụt xuống thấp đất nền sẽ bị khô, mất liên kết, cộng với địa chất yếu sẽ gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.
Mực nước thấp kỷ lục
Theo Ủy ban sông Mê Kông, mực nước sông Mê Kông đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Từ thượng nguồn của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông ở Chiang Saen (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan) đến Viêng Chăn (Lào), xa hơn đến Nong Khai (Thái Lan) và Prey Veng (Campuchia) mực nước đều thấp hơn mức năm 1992 - năm được ghi nhận thấp nhất trong lịch sử. Theo đó, mực nước hiện tại ở Chiang Saen là 2,1m, thấp hơn 3,02m đo được trong 57 năm qua (1961 - 2018) và thấp hơn 0,75m so với mức tối thiểu từng ghi nhận. Mực nước ở Biển Hồ cũng đang xuống thấp ở mức kỷ lục.
Đối với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu về ĐBSCL, chuyện mùa lũ cạn không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến sự sống còn của cả vùng đất 20 triệu dân. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), lo lắng nhất khi miền Tây thiếu lũ là tình trạng thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp và giữ đất. Nếu lượng nước ngọt không đủ, nước mặn sẽ lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến trồng trọt, sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt. Mùa lũ cạn cũng ảnh hưởng đến việc rửa phèn, rửa tạp chất trong đất, gây ra nhiều loại sâu bệnh, thiệt hại trong canh tác nông nghiệp, nhất là trồng lúa.
|
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, trước mắt phải giảm diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng, cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại. Đối với những khu vực trũng thấp có thể tính tới việc nạo vét để làm hồ chứa nước ngọt điều tiết. Ngành nông nghiệp và người dân cần nghiên cứu, chọn những giống cây trồng chống chịu được với hạn, mặn và ít sử dụng nguồn nước ngọt để thích ứng với biến đổi khí hậu…