Những chân dung “Vọng” của Trần Thế Vĩnh

GD&TĐ - 51 chân dung tiêu biểu, xuyên suốt thế kỷ 20, trải dài từ Bắc đến Nam mà Trần Thế Vĩnh đã vẽ trong 2 năm sẽ được ra mắt công chúng trong triển lãm “Vọng” vào ngày 28/10.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ 51 chân dung trong 2 năm.
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh vẽ 51 chân dung trong 2 năm.

Nhiều người tò mò không biết 51 chân dung là những ai? Hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh không úp mở, đó là: Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Bính, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Hàn Mặc Tử, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Gia Trí...

Hiểu để vẽ

Trong mỹ thuật, có nhiều tiêu chí để họa sĩ định hình vẽ chân dung. Những góc cạnh, đường nét, hình khối chỉ là những kỹ thuật cơ bản thành hình.

Điều quan trọng vẫn là thần thái nguyên mẫu. Bởi vậy, vẽ chân dung tuy dễ mà rất khó, nó phụ thuộc vào sự tài tình và đồng điệu giữa nghệ sĩ với nhân vật.

Với Trần Thế Vĩnh, tiêu chí là nhân vật phải khiến anh có cảm hứng. Cho nên khi nói Vọng trải dài từ Bắc đến Nam xuyên suốt thế kỷ 20 thì có thể bỏ sót nhiều nhân vật.

Tuy nhiên, cái tâm của nghệ sĩ không phải là sự bỏ sót mà đã vẽ như thế nào. Trần Thế Vĩnh nói rằng, anh vẽ ai thì đều xuất phát tự sự đồng điệu. Vĩnh đã định tâm nghiêm túc, bởi điều đó vô cùng quan trọng trong sáng tác của họa sĩ.

Vĩnh tâm sự rằng, vẽ là công việc thường ngày của anh. Nhưng lịch trình làm việc không phải từ sáng đến chiều, mà từ chiều tới đêm. Anh cần sự tĩnh lặng tuyệt đối để nhập tâm.

Nhưng như thế chưa đủ, trước khi vẽ 51 chân dung, Vĩnh đã đọc và nghiền ngẫm rất sâu. Anh đã thuộc lòng từng nghệ sĩ rồi lại cố quên để nhập thân và vẽ trong vô thức. Sự đồng điệu giữa người thời quá khứ với người của hiện tại trở thành một, nên mỗi chân dung đều là sự thăng hoa xen lẫn những khổ đau mà nguyên mẫu từng trải qua.

Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986 tại Triệu Phong (Quảng Trị). Trước Vọng, họa sĩ Trần Thế Vĩnh từng tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật cá nhân tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TPHCM và Hàn Quốc. 

Nói như vậy, nhiều người sẽ cho là quá. Nhưng trong nghệ thuật, cảm hứng sáng tạo và sự nhập tâm như một phương tiện cần phải có để tác phẩm trở nên mềm mại, thần thái lẫn triết lý. Nếu không, tác phẩm sẽ khô cứng, vô hồn và thậm chí chính người vẽ ra cũng không dám nhận là tác giả. Nghệ thuật là thế, với 2 trạng thái: Hời hợt và say mê.

Dù tự nhận mình vẽ nhân vật bằng sự đồng điệu không áp đặt, thậm chí vẽ trong vô thức. Nhưng khi xem 51 chân dung của Vĩnh, người xem lại dễ dàng thấy những cuộc đời hiện ra trong thế kỷ 20 – một thế kỷ với nhiều biến động sâu sắc - ảnh hưởng và tác động đến sự nghiệp sáng tác của 51 con người tài hoa.

Bên cạnh mỗi bức chân dung được in trong cuốn sách Vọng, các nhân vật không cô đơn giữa một trang sách trắng. Mỗi chân dung như đang trò chuyện với chính tác giả vẽ, bởi những dòng viết chân thành bên cạnh.

Như với chân dung Nguyễn Hữu Đang, nhà báo kiêm văn nghệ sĩ nổi tiếng trong thập niên 40 - 50 của thế kỷ trước, Trần Thế Vĩnh viết: “Đã là một sĩ phu tất sẽ có khí phách, là một trí thức tất sẽ mong muốn tự do và sẽ chống lại áp bức bất công. Nguyễn Hữu Đang là người như thế. Trong loạn thế có thể sự lựa chọn ban đầu khác hẳn về sau, nhưng do thời thế đưa đẩy anh hùng cũng phải bị lạc lối mặc dù tâm tưởng không hề muốn”.

Vẽ như “lên đồng”

Không chỉ bất ngờ về một họa sĩ trẻ vọng chân dung các nghệ sĩ ở thế kỷ 20 – những người đã cách xa chúng ta cả vài thập kỷ. Công chúng sẽ còn bất ngờ hơn là trong số 51 chân dung ấy, thì đến 50 người mà họa sĩ Trần Thế Vĩnh chưa từng gặp mặt. Chỉ riêng họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy của Vĩnh, là người mà anh hiểu hết hiện tại và hiện trạng.

Không biết, không hiểu về nguyên mẫu mình vẽ thì sẽ vẽ thế nào? Họa sĩ Trần Thế Vĩnh nói rằng, ký ức của anh là những dư âm từ lịch sử, từ sách vở, từ tinh thần văn nghệ, từ sự ngưỡng mộ… được truyền lưu qua năm tháng.

Bằng trí nhớ gián tiếp, sự tưởng tượng dạt dào, cũng như kiến văn tự thân, Vĩnh đã thành công trong việc lột tả thần thái. Chính điều này làm cho các bức chân dung thêm một câu chuyện sâu sắc.

Theo giới nghiên cứu mỹ thuật, việc vẽ chân dung chưa bao giờ là một điều đơn giản, vì ngoài tính chất truyền đạt được thần thái, tác phẩm còn phải mang tư tưởng nghệ thuật thẩm mỹ. Đó phải là những bay bổng sáng tạo chứ không chỉ gò bó vào những đường nét “truyền thần” y theo người mẫu. Tính nghệ thuật càng cao, sự thành công càng lớn, vì nó mang lại cho người ngắm nhiều cảm xúc hơn qua những giai điệu sắc màu cũng như chiêm nghiệm trong sáng tạo.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải có nét riêng mà người ta gọi là phong cách, hoặc bút pháp. Những nét cọ của Vĩnh ngang dọc, tưởng chừng như “cố tỏ ra nguy hiểm”, nhưng nhìn kỹ đó là nét cần thiết đem lại cái duyên và sự định hình của phong cách đối với cảm xúc khi cầm cọ.

Như họa sĩ Trần Thế Vĩnh chia sẻ, anh vẽ vọng chân dung theo trực giác với một trí nhớ gián tiếp. Vậy thì phải là sự “lên đồng” nhập thân, thì những bức chân dung của người sống ở thế kỷ 20 kia, mới có thể tạo ra sự gắn kết vô hình trong tâm tưởng để họa sĩ chuyển hóa trên toan bằng những hình hài và màu sắc của nghệ thuật.

Nhiều họa sĩ đánh giá tranh chân dung 51 nghệ sĩ mà Trần Thế Vĩnh vẽ đạt đến những sắc thái sinh động, chân thật nhất. Vĩnh đã tự tin với bút pháp khoáng đạt bày tỏ cá tính sáng tạo khác biệt và mạnh mẽ. 

“Mẫu số chung của những chân dung Trần Thế Vĩnh vẽ, là họ đều gánh chung một vận mệnh trong đêm dài lịch sử. Nếu ghép những gương mặt này lại, ta có được bức chân dung chung cho một thời đại với nhiều biến cố” - Nhà nghiên cứu Hà Trọng Vũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.