Câu hỏi tạo ấn tượng thẩm mỹ
Theo cô Phan Lan Anh, đây là loại câu hỏi có tính chất định hướng cho học sinh trong quá trình tiếp cận tác phẩm. Định hướng đúng sẽ giúp học sinh cảm nhận tác phẩm một cách sâu sắc, đúng hướng.
Loại câu hỏi này cần được coi trọng, đặc biệt đối với các tác phẩm thơ, thường sử dụng sau khi đọc diễn cảm bài mới.
Ví dụ: Sau khi đọc bài “Tức cảnh Pác Bó” của Hồ Chí Minh, giáo viên hỏi học sinh: “Con hãy cho biết cảm nhận chung của con về bài thơ?”. Học sinh trả lời: Bài thơ toát lên một cảm giác vui thích, thoải mái.
Trả lời như vậy, học sinh đã cảm nhận được âm hưởng chủ đạo của bài thơ; từ đó rất thuận lợi cho giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích tâm trạng của Bác sau những năm xa đất nước nay được trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng .
Hoặc, sau khi đọc bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, giáo viên có thể hỏi học sinh: “Con có nhận xét gì về giọng điệu bài thơ?”. Học sinh trả lời: Bài thơ có giọng nhỏ nhẹ điềm đạm, sâu lắng và trầm buồn ở 3 khổ thơ cuối.
Từ việc cảm nhận giọng điệu chung ấy, học sinh cũng đã cảm nhận được sự tiếc nuối, lòng cảm thương chân thành của tác giả với những kiếp người sinh không hợp thời, với những giá trị tinh thần đẹp đẽ đã qua.
Câu hỏi phát hiện
Căn cứ vào quá trình tiếp thu một vấn đề của học sinh, cô Lan Anh thấy cần phải áp dụng nguyên tắc đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Loại câu hỏi này là cầu nối giữa cái dễ và khó, giúp học sinh tiếp cận tác phẩm dễ dàng hơn.
Tuy nhiên với tinh thần đổi mới việc dạy - học Văn ở trường THCS, cô Lan Anh lưu ý, giáo viên không nên lạm dụng loại câu hỏi này mà chỉ sử dụng ở những chỗ cần thiết.
Ở dạng câu hỏi này, giáo viên cần chú ý tới sự thông minh, sự tìm tòi suy nghĩ của học sinh. Có thể sử dụng câu hỏi dạng này trong phát hiện bố cục, cách đọc và những chi tiết quan trọng nhất của bài hoặc những thủ pháp nghệ thuật cơ bản.
Ví dụ: Sau khi đọc mẫu diễn cảm bài thơ “Lượm” của Tố hữu, giáo viên đặt câu hỏi: “Bài thơ này cần đọc với giọng như thế nào cho phù hợp?”. Học sinh sẽ trả lởi: Đoạn đầu đọc với giọng trong sáng vui tươi, đoạn sau đọc với giọng súc động nghẹn ngào xót thương.
Hoặc, khi dạy bài “Mây và Sóng”, bắt đầu chuyển sang phần “Đọc tác phẩm”, giáo viên chưa hướng dẫn đọc, chưa đọc mẫu mà hỏi học sinh:
Toàn bộ bài thơ là lời của ai nói với ai? Thái độ của Mây và Sóng giống nhau ở chỗ nào? Theo em phải đọc với giọng thế nào cho phù hợp với giọng của bé, của Mây và Sóng?
Loại câu hỏi phát hiện chỉ thích hợp với học sinh trung bình. Đối với những lớp khá, giáo viên nên mạnh dạn lược bớt loại câu hỏi này.
Câu hỏi phát huy tính sáng tạo
Đây là loại câu hỏi cơ bản, quan trọng nhất trong giờ Văn. Loại này đòi hỏi người giáo viên phải chuẩn bị một cách công phu và học sinh phải làm việc, suy nghĩ một cách tích cực. Loại này thường được sử dụng trong quá trình dẫn dắt học sinh tìm hiểu tác phẩm và tổng kết.
Những câu hỏi phát huy sáng tạo, theo cô Lan Anh gồm một hệ thống câu hỏi thuộc các dạng sau:
Dạng câu hỏi cảm thụ - phân tích - bình luận: Đây là dạng câu hỏi cơ bản, chiếm số lượng lớn trong giờ dạy. Loại này giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nội dung và nghệ thuật tác phẩm bằng con đường riêng của chúng để đi đến cái đích chung nhất.
Ví dụ: Sau khi dạy bài” Tức cảnh pác bó” của Hồ Chí Minh, giáo viên đặt câu hỏi: Qua hai câu thơ đầu, em có nhận xét gì về cuộc sống và tinh thần của Người?.
Học sinh sẽ trả lời được: Cuộc sống của Bác ở Pác Bó đạm bạc, thiếu thốn nhưng tinh thần người rất vui vẻ, sảng khoái. Từ đó học sinh dễ nhận thấy chất thép trong con người Bác.
Dạng câu hỏi phát duy trí tượng tượng của học sinh: Đây là loại câu hỏi giúp học sinh cảm nhận được tác phẩm bằng trí tượng tưởng riêng mình, phát huy được tính độc lập, sáng tạo .
Ví dụ, với bài “Khí con tu hú” của Tố Hữu, khi hướng dẫn hoc sinh phân tích 6 câu thơ đầu, giáo viên đặt câu hỏi: “Em hãy miêu tả bằng lời văn về bức tranh mùa hè trong cảm nhận của nhà thơ?”
Sau khi lắng nghe học sinh miêu tả, giáo viên tổng kết: Đó là khi hè sang, nắng đào rực rỡ, lúa chiêm chin vàng trên cánh đồng và trái cây đượm ngọt trong vườn, hạt bắp rây vàng …
Đó là tiếng ve râm ran trong vườn râm và tiếng chim tu hú kêu vang ngoài bãi; đó là bầu trời xanh biếc cao lồng lộng với vô tận để cho những cánh diều sáo thỏa sức lộn nhào giữa tầng không …”
Với truyện, cũng có thể sử dụng loại câu hỏi này để củng cố ý nghĩa của truyện đồng thời hướng dẫn tới hành động đúng cho học sinh.
Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu xong truyện “Thầy bói xem voi”, giáo viên đặt câu hỏi: Nếu em chúng kiến cuộc cãi vã của năm ông thầy bói hôm ấy, em có thể làm gì?”
Học sinh đã rất sôi nổi và thích thú đưa ra những ý kiến của mình như: Yêu cầu họ dừng lại để nghe giải thích, lên án sự ngộ nhận của họ…
Tất cả các ý kiến trên đều cho thấy các em đã có nhận thức đúng, phê phán, lên án cái nhìn phiến diện về sự vật và chắc chắn em sẽ có thói quen đánh giá sự việc, sự vật một cách toàn diện.
Dạng câu hỏi liên hệ - so sánh: Giúp học sinh xâu chuỗi kiến thức một cách có hệ thống. Học sinh vừa được ôn kiến thức cũ vừa cảm nhận được kiến thức mới một cách sâu sắc hơn.
Loại câu hỏi này dựa trên một nét tương đồng nào đó về giá trị của những tác phẩm các em đã được học, giúp các em nhận thức rõ hơn giá trị của tác phẩm.
Ví dụ: Khi dạy bài “Những ngôi sao xa xôi”, giáo viên hỏi:” Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trong bài mơ mộng, hồn nhiên, lạc quan, yêu đời khiến ta nghĩ tới hình ảnh nhân vật nào đã được học trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật? Từ đó con có suy nghĩ gì về hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến?”
Học sinh dễ dàng nhận ra đó là hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Và qua đó, thấy được hình ảnh tuổi trẻ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến với những vẻ đẹp đáng quí: Sôi nổi, hồn nhiên, yêu đời, lạc quan, dũng cảm vượt khó …
Loại câu hỏi “Vận dụng dạy học nêu vấn đề trong phân môn giảng Văn”. Cô Lan Anh cho rằng, muốn áp dụng loại câu hỏi này người dạy Văn cần chú ý:
Phát hiện được vấn đề tiềm ẩn trong ngôn ngữ thơ ca, trong sự phát triển cảm xúc; xây dựng tình huống có vấn đề (Nói cách khác đó là tạo câu hỏi để đưa học sinh vào tình huống).
Dạng này có câu hỏi tạo tình huống bất ngờ và câu hỏi tình huống lựa chọn.
Ví dụ, dạy bài “Mây và Sóng” - phân tích nguyên nhân bé không đi chơi là yêu mẹ, không muốn mẹ phải lo lắng, phiền muộn, giáo viên khẳng định như vậy là bé ngoan, bé rất yêu mẹ.
Sau đó có thể hỏi: “Liệu bé cứ đi chơi với Mây thì có phải là bé không yêu mẹ không?”. Với câu hỏi này, nếu vội vã trả lời, rất có thể có học sinh ngộ nhận như vậy là bé không yêu mẹ.
Lúc đó, giáo viên cần phân tích để học sinh nhận thấy vui chơi là nhu cầu của trẻ. Bé đi chơi cùng mây cũng được. Không phải hoàn toàn là hư, là không yêu mẹ, nhưng trước khi đi chơi bé cần phải biết xin phép mẹ hoặc cùng mẹ đi chơi với Mây.
Từ đó, học sinh hiểu được dụng ý của tác giả không hề phủ nhận nhu cầu vui chơi của trẻ, trái lại rất trân trọng nhu cầu đặc tính ấy, nên mới có đoạn thơ tiếp theo kể lại trò chơi của bé với mẹ và Mây.
Với câu hỏi tình huống lựa chọn, giáo viên cần phát hiện ra vấn đề từ đó gợi ra được một số khả năng giải quyết. Trong đó, phải có những khả năng tối ưu, khả năng chưa hợp lý. Sau đó gợi cho học sinh lựa chọn khả năng thích hợp nhất.
Ví dụ, khi dạy bài “Mây và Sóng” có câu:
“Con làm mây nhé, mẹ làm mặt trăng,
Hai tay con ôm mặt mẹ, còn mái nhà ta là trời xanh”.
Giáo viên hỏi học sinh: “Ở đây bé có thể ví mình là sao còn mẹ là mặt trời được không?”. Học sinh sẽ sôi nổi trả lời được hoặc không và đưa ra những cách lý giải riêng. Trên cơ sở đó, giáo viên giảng cho học sinh hiểu hiệu quả của hình ảnh so sánh “mây” và “trăng”.
Loại câu hỏi tổng hợp nâng cao
Đây là loại câi hỏi dành cho phần tổng kết và luyện tập cảu bài nhằm giúp học sinh học sinh tổng hợp lại kiến thức trong bài, nhận biết những giá trị đích thực của tác phẩm, những cảm nhận của mình về tác phẩm đồng thời hướng học sinh tới cái đích cao cả là nhận ra giá trị chân –thiện - mĩ trong mỗi tác phẩm.
Ví dụ, sau khi tìm hiểu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” giáo viên có thể hỏi: “Con hãy suy nghĩ xem vì sao tác giả lại đặt tên cho bài thơ là Mùa xuân nho nhỏ? Qua đó con hiểu gì về tình cảm và ước nguyện mà nhà thơ muốn thể hiện”.
Lắng nghe những ý kiến khác nhau từ phía học sinh, từ đó giáo viên tổng hợp chốt ý nâng cao, khẳng định ý nghĩa của nhan đề bài thơ và ước nguyện đẹp đẽ là sự cống hiến hết mình cho cuộc đời chung rất đáng trân trọng của nhà thơ.
Loại câu hỏi thảo luận nhóm
Đây là loại câu hỏi hướng tới không chỉ một đối tượng mà là một nhóm đối tượng, rất phù hợp với phương pháp đổi mới trong dạy học hiện nay.
Bởi lẽ, nếu trong cả tiết dạy chỉ có những câu hỏi phát vấn cho một đối tượng trả lời thì hoạt động dạy học có phần nhàm chán.
Nếu biết đan xen loại câu hỏi thảo luận nhóm một cách phù hợp, sẽ tạo được không khí học tập sôi nổi hào hứng từ phía học sinh nhằm giúp các con có được sự hưng phấn cần thiết để tiếp thu kiến thức.
Ví dụ, khi dạy bài “Chuyện người con gái Nam Xương”, giáo viên có thể đưa ra câu hỏi thảo luận nhóm như sau:
“Có ý kiến cho rằng hình ảnh Vũ Nương trở về trong đoạn kết câu chuyện góp phần giảm bớt tính bi kịch cho câu chuyện, như thế có đúng không? Các con hãy thảo luận nhóm và cử đại diện trả lời.”
Trước tình huống đó, học sinh các nhóm có sự trao đổi khá sôi nổi thậm chí đi đến tranh luận và đưa ra một số ý kiến. Trong đó có cả những ý kiến trái ngược nhau.
Lúc này người giáo viên cần phải phân tích để định hướng kiến thức theo cách trả lời hợp lí. Như vậy học sinh sẽ tiếp nhận kiến thức một cách hào hứng và sâu sắc hơn.
Khi sử dụng dạng câu hỏi trên, cô Lan Anh lưu ý, giáo viên cần chú ý tùy từng bài cụ thể, đối tượng cụ thể mà sử dụng các loại câu hỏi sao cho phù hợp. Không nên dẫn dắt học sinh đến với một hướng cảm thụ duy nhất do thầy định sẵn.
Những câu hỏi ở dạng phát hiện chi tiết nên giảm bớt hoặc bỏ hẳn với học sinh khá giỏi.
Cần tăng cường nêu vấn đề chứa đựng những tình huống ý kiến trái ngược nhau để tổ chức cho học sinh hoạt động trí não tích cực từ đó nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, phương diện giúp các con tiếp nhận kiến thức một cách chủ động và thực sự chắc chắn.