Những câu chuyện làm hấp dẫn bài học Lịch sử

GD&TĐ - Những câu chuyện phù hợp và hấp dẫn sẽ giúp giờ học Lịch sử không còn nặng nề và khô khan. Cách này không chỉ giúp học sinh khắc sâu kiến thức lịch sử mà còn hình thành kĩ năng liên hệ thực tiễn và rút ra bài học cho bản thân.

Những câu chuyện làm hấp dẫn bài học Lịch sử

Những lưu ý chung

Trong quá trình truyền đạt kiến thức kết hợp kể chuyện nhằm gây hứng thú học tập cho học sinh, giáo viên cần lưu ý chọn câu chuyện phù hợp với nội dung bài học, tránh vấn đề vụn vặt không liên quan, chỉ mang tính chất hài hước gây cười.

Việc này sẽ có tác dụng không mong muốn, dần dần trở nên nhàm chán phản khoa học.

Giáo viên cần tạo sự chú ý, tập trung dẫn dắt học sinh lí giải được vấn dề thông qua chuyện kể, phản ánh được nội dung của bài học.

Khi dạ bài có nội dung liên quan đến diễn biến, giáo viên dùng bản đồ, lược đồ để tường thuật sự kiện. Bên cạnh đó cũng có thể kết hợp kể chuyện lịch sử liên quan đến sự kiện giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn.

Với bài học có nội dung liên quan đến nhân vật lịch sử, giáo viên sưu tầm những mẩu chuyện có liên quan đến nhân vật, giúp cho học sinh khắc sâu về nhân vật hơn.

Những câu chuyện Lịch sử có thể lồng ghép trong Lịch sử 10

Bài1: Sự xuất hiện loài người

Để chứng minh về sự xuất hiện loài người theo quan điểm duy vật biện chứng, giáo viên kết hợp kể những câu chuyện về khảo cổ học kết hợp với phương pháp khoa học hiện đại để chứng minh con người xuất phát từ loài vượn cổ qua di tích hóa thạch. Có thể liên hệ đến Việt Nam và chứng minh Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người qua việc tìm thấy công cụ lao động của người tối cổ ở Thanh hóa .

Bài 3,4: Các quốc gia cổ đại phương Đông và phương Tây

Liên quan đến các thành tựu văn hóa như lịch sử, chữ viết, kiến trúc…, giáo viên kể những câu chuyện liên quan về kim tự tháp ở Ai Cập, Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, đấu trường La Mã…; kể về các vị hoàng đế Pharaông và những kì quan thế giới. Từ đó, giúp học sinh hiểu được những tài năng và sự sáng tạo của con người thời cổ đại.

Bài 5: Trung Quốc thời phong kiến

Liên quan đến sự hình thành và phát triển chế độ phong kiến Trung Quốc, từ khi nhà Tần sáng lập năm 221 TCN và kết thúc vào năm 1911 dưới triều đại Mãn Thanh, giáo viên sử dụng chuyện kể về quy luật thịnh suy của chế độ phong kiến Trung Quốc thông qua các vị hoàng đế như Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Chu Nguyên Chương… hoặc về học thuyết Nho giáo tồn tại hàng ngàn năm của Khổng Tử và sự ảnh hưởng của nó ra bên ngoài.

Bài 16: Thời Bắc thuộc và các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc

Qua cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, kết hợp với chuyện kể đánh đuổi Tô Định trả thù chồng đền nợ nước, thể hiện được tinh thần và khí tiết của người phụ nữ Việt Nam

Về nội dung Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giáo viên khắc sâu nghệ thuật quân sự độc đáo như cho quân đóng cọc, lợi dụng nước thủy triều để đánh giặc.

Bài 17: Quá trình hình và phát triển của nhà nước thế kỉ X-XV

Khái quát quá trình hình thành nhà nước phong kiến Việt Nam qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê. Thông qua chuyện về các nhân vật lịch như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn… giúp học sinh hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử này. Giáo viên cũng có thể kể chi tiết Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo long bào lên vai Lê Hoàn, chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê hoặc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.

Bài 19: Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X-XV

Giáo viên thông qua nội dung bài học về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, kết hợp với nghệ thuật đánh giặc, ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước của Lý Thường Kiệt, Lê Lợi; đặc biệt, chuyện ba lần đánh bại quân Mông nguyên, qua đó giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Bài 30: Chiến tranh giành độc lập 13 bang thuộc địa ở Bắc Mỹ

Kể chuyện về nhân vật Oasinhtơn người góp phần khai sinh ra nước Mỹ.

Những câu chuyện Lịch sử có thể lồng ghép trong Lịch sử 11

Bài 1: Nhật Bản

Thông qua cuộc Duy Tân MinhTrị kết hợp kiến thức lịch sử và mẩu chuyện về Minh Trị thiên hoàng với đường lối cải cách đúng đắn đã đưa nước Nhật thoát khỏi khủng hoảng và tránh được họa ngoại xâm, giáo viên liên hệ đến lịch sử Việt Nam thời kì trị vì của vua Tự Đức, cho học sinh nắm được tư tưởng bảo thủ vua làm cho sức nước sức dân hao mòn, dẫn đến mất nước vào những năm cuối thế kỉ XIX.

Bài 19: Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp từ 1858 đến trước năm 1873

Giáo viên kể về tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân ta bất chấp sự ngăn cản của triều đình qua câu chuyện phúc đáp thư của vua Tự Đức khi bị triều ra lệnh giải tán nghĩa quân để đi nhậm chức lãnh binh ở An Giang:

“Triều đình hòa nghị thì cứ hòa nghị, còn việc Định thì Định cứ làm. Định thà chịu tội với triều đình chứ nhất định không chịu ngồi nhìn giang san chìm đắm” - Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước và quyết tâm đánh giặc của nhân dân ta;

Kể chuyện Nguyễn Trung Trực đốt tàu Pháp trên sông Nhật Tảo và tinh thần bất khuất của ông qua câu nói nổi tiếng “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”.

Bài 20: Chiến sự lan rộng ra cả nước/Cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ năm 1873-1884/Nhà Nguyễn đầu hàng

Kết hợp nội dung bài học kể chuyện Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu trong việc bảo vệ thành Hà nội. Qua đó, cho học sinh thấy tấm gương tiết liệt thà hy sinh chứ nhất định không hàng giặc.

Nguyễn Tri Phương kiên quyết bảo vệ thành, khi sa vào tay giặc ông kiên quyết không cho giặc chữa trị vết thương và nhịn ăn mà chết;

Hoàng Diệu đốc thúc quân sĩ chiến đấu giữ thành, khi thành thất thủ ông viết tờ Di biểu gởi vua Tự Đức; sau đó thắt cổ tự vẫn chết theo thành.

Bài 24: Phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam cuối thế kỉ XIX

Qua nội dung bài giảng kết hợp với nhưng mẫu chuyện kể về tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi khi bị pháp bắt kiên quyết không hợp tác với giặc và bị đày sang Angiêri ở Bắc phi; về tấm gương yêu nước của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám về tinh thần chống Pháp bảo vệ độc lập dân tộc .

Những câu chuyện Lịch sử có thể lồng ghép trong Lịch sử 12

Bài 12: Phong trào dân tộc dân chủ 1919-1925

Giáo viên kết hợp kể những mẩu chuyện về tình cảnh giai cấp công nhân, nông dân Việt Nam thời đó, như Chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn; Chí phèo, Lão Hạc… ; những mẩu chuyện về cuộc đời của Bác Hồ từ lúc ra đi tìm đường cứu nước trên Bến cảng Nhà Rồng,… Qua đó, giáo dục học sinh lòng yêu kính đối với lãnh tụ.

Bài 16: Phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945/Cách mạng tháng Tám

Kể chuyện vua Bảo Đại thoái vị nộp ấn kiếm cho chính quyền cách mạng, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Bài 20: Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc (1953-1954)

Kể chuyện những tấm gương hi sinh của các chiến sĩ cách mạng như Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; tài lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu… Qua đó, giáo dục lòng tự hào ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc...

Để thực hiện tốt phương pháp này giáo viên phải thu hút sự chú ý của học sinh, ngôn ngữ diễn đạt phải có sức hấp dẫn lôi cuốn người nghe; phải biết chọn lọc những câu chuyện phù hợp với bài học mang tính thiết thực, tránh những nội dung vụn vặt làm giảm chất lượng bài giảng; luôn tìm tòi học hỏi nghiên cứu làm phong phú vốn kiến thức của mình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ