Những câu chuyện ấm lòng trong "cơn khát" nước ngọt ở miền Tây

Xung quanh vấn đề khan hiếm nước ngọt ở vùng ngập mặn vẫn có những câu chuyện ấm áp xua đi sự mệt mỏi, vất vả, cùng cực của bà con nông dân.
Những câu chuyện ấm lòng trong "cơn khát" nước ngọt ở miền Tây

Thời gian gần đây, ĐBSCL đang hứng chịu đợt hạn mặn kỷ lục trong vòng 60 năm qua. Ngoài việc đảo lộn đời sống hàng triệu dân vì không có nước ngọt, các chuyên gia lo ngại tốc độ xâm nhập mặn tiếp diễn như hiện nay sẽ khiến nền nông nghiệp ở miền Tây kiệt quệ trong 3 năm tới.

Khô hạn, mặn xâm nhập khiến nước ngọt khan hiếm hơn bao giờ hết. Bởi vậy, dịch vụ cung cấp nước ngọt tại miền Tây chưa bao giờ "ăn nên làm ra" như bây giờ.

Cũng bởi "cầu lớn hơn cung" nên giá nước ngọt cũng tăng cao trông thấy. Nhiều bà con nơi đây đã phải cắn răng mua với giá cắt cổ.

Thế nhưng, xung quanh vấn đề khan hiếm nước ngọt ở vùng ngập mặn vẫn có những câu chuyện ấm áp xua đi sự mệt mỏi, đắng chát của bà con nông dân.

Cụ bà phát nước ngọt miễn phí ở tâm vùng hạn mặn

Những câu chuyện ấm lòng trong

Bà Hưởn tình nguyện cung cấp nước ngọt miễn phí tới các gia đình.

Tại Bến Tre, với giá nước ngọt gần 100.000 đồng/m3, bà Nguyễn Thị Hưởn (xã Phú Hưng, TP Bến Tre) hoàn toàn có thể kiếm được khoản tiền khá lớn với hàng trăm m3 nước cho đi mỗi ngày.

Tuy nhiên, với tấm lòng nhân ái giúp đỡ cộng đồng, bà đã tình nguyện cung cấp nước ngọt miễn phí tới các gia đình đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Trả lời báo VTV bà Hưởn cho biết: "Trông cho người ta đến xin nước để mình cho, nhiều khi thấy người ta không có dùng mình cũng thấy sao đó". Bà cũng cho biết bà không thích bán nước kiếm tiền mà thích làm việc nhân nghĩa hơn.

Lòng tốt của bà Nguyễn Thị Hưởn đã giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi không phải mua từng lít nước ngọt với giá đắt đỏ để sử dụng.

Giếng cổ "cứu" hàng trăm hộ dân thoát khỏi cảnh "khát nước"

Những câu chuyện ấm lòng trong

Giếng nước cổ cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân. (Ảnh: TPO)

Nếu ở TP Bến Tre có bà Hưởn giúp người dân thì ở ấp An Phú 2 (An Hòa Tây, Ba Tri, Bến Tre) lại có 1 giếng cổ vẫn cho nước ngọt thanh giúp hàng trăm hộ dân nơi đây thoát cảnh “khát” nước.

Giếng nằm bên trong Thánh tịnh Đông Cung Bạch Long (Thánh sở Cao Đài). Trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn năm nay, mỗi ngày có hàng trăm hộ dân ở xung quanh và các xã lân cận đến đây lấy nước về uống vì xung quanh nước đã bị nhiễm mặn trầm trọng.

Có mặt tại giếng để lấy nước, bà Nguyễn Thị Bé trao đổi với báo Tiền Phong cho biết: “Nhờ có giếng này mà hàng trăm hộ gia đình khỏi phải chịu cảnh “khát” hay phải mua nước với giá cao.

Chất lượng nước rất tốt nên mấy chục năm qua người dân xung quanh đem về chủ yếu để uống, nấu ăn trong gia đình. Giếng lúc nào cũng có nước, nhiều người cùng đến lấy thì giếng cạn nhưng chỉ một lát sau lại có nhiều nước trở lại”.

"Kiếm tiền theo cách này không ham mấy anh ơi"

Những câu chuyện ấm lòng trong

Dù kiếm được tiền nhưng những người bán nước vẫn canh cánh trong lòng về nỗi lo xâm nhập mặn. (Ảnh: VietNamNet)

Tại Bến Tre, giá nước bán tăng chóng mặt, từ 60.000 - 80.000 đồng/m3, nay nguồn nước giảm nên tăng đến 100.00 - 180.000 đồng, tùy theo đoạn đường gần hay xa. Một số người dân vì lúa chết đành chuyển sang nghề đổi nước. Có người may mắn tìm được dòng nước ngọt để phục vụ gia đình và bán cho bà con.

Anh Nguyễn Huy Cường (ngụ huyện Bình Đại) là một trong những người tìm được dòng nước ngọt cho biết hiện tại, mỗi ngày có khoảng 10-15 xe đến lấy nước tại 2 giếng ngầm ở xã Thừa Đức để bán lại cho người dân trong vùng.

“Dù mới chở nước đi bán cho người dân nhưng tôi cũng kiếm được ít tiền lo cho gia đình rồi, nhưng kiếm tiền theo cách này không ham mấy anh ơi” - anh Cường nói.

Còn anh Trần Minh Thường (ngụ huyện Bình Đại ) dù thu bạc triệu nhờ chở nước cho bà con nhưng anh vẫn canh cánh trong lòng.

“Chính quyền địa phương nên xem xét để đưa nguồn nước sạch về cho bà con dùng chứ tình trạng thế này khiến mọi người rất khổ. Tính sơ sơ gia đình nào dùng tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng phải bỏ ra gần 1 triệu để mua nước sinh hoạt”, người nông dân xót xa.

Theo nguoiduatin.vn