Cột mốc Trường Sa Đông trong lòng phố biển

GD&TĐ - Mô hình cột mốc đảo Trường Sa Đông (thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được một Cựu chiến binh tâm huyết, xây dựng ngay trong khuôn viên nhà mình, trên tuyến du lịch ven biển đường Trường Sa (ngã ba tuyến Huyền Trân Công Chúa - Trường Sa, Tp Đà Nẵng), như một lời khẳng định về niềm tin và tình yêu vững bền dành cho vùng biển đảo quê hương.

Cột mốc Trường Sa Đông trong lòng phố biển

Đặc biệt, cột mốc Trường Sa Đông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương trên đất liền lớn nhất”...

Biển đảo là quê hương

Đó là tâm niệm của Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Xuất (52 tuổi, nhà số 28 đường Huyền Trân Công Chúa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Tp Đà Nẵng).

CCB Trần Văn Xuất nhập ngũ đầu năm 1984, sau khóa huấn luyện anh cùng đồng đội được nhận lệnh hành quân ra đảo, và lần đầu tiên đặt chân lênTrường Sa Đông vào chiều ngày 10/5/1984, thuộc Lữ đoàn 146 Trường Sa với chức vụ Tiểu đội trưởng DKZ75.

Cũng 3 năm sau đó, vào một ngày của tháng 5/1987 anh được xuất ngũ, rời đảo về lại quê hương Hòa Hải và tham gia nghề truyền thống điêu khắc đá của Làng đá mỹ nghệ Non Nước và làm công nhân cho một cơ sở đá mỹ nghệ. Vừa chịu khó miệt mài học hỏi, nâng cao sáng kiến, kỹ năng chế tác vừa tích lũy, dành dụm vốn liếng và ấp ủ quyết tâm làm giàu chính đáng bằng nghề truyền thống trên quê mình.

Cứ mỗi buổi chiều hè khi ra biển Non Nước hóng mát, ngắm mặt biển xanh xa tít tận chân trời, nghe sóng vỗ dạt dào, lòng anh lại nhớ biển, nhớ Trường Sa Đông, nhớ đồng đội đến cồn cào, da diết. Ký ức đảo Trường Sa Đông năm nào lại chợt ùa về, anh ngậm ngùi nhớ nơi đảo xa… Và cũng từ đây, trong anh đã nảy ra ý tưởng phải làm mô hình cột mốc Trường Sa Đông ngay tại nhà mình, để vơi đi nỗi nhớ mong biển đảo.

Ý tưởng của CCB Trần Văn Xuất đã trở thành hiện thực khi anh bắt đầu xây dựng cột mốc từ năm 2008, theo nguyên bản cột mốc ở ngoài đảo Trường Sa Đông. Cột mốc có chiều cao 6m rộng 1,5m, bốn mặt đều khắc dòng chữ lớn Đảo Trường Sa Đông, vĩ độ 08055’ 00’’N, kinh độ 112021’00’’E. Phía dưới cột mốc khắc ghi: Bộ Tư lệnh Hải Quân tặng Kỷ niệm chương đồng chí Trần Văn Xuất, số 28 Huyền Trân Công Chúa – Đà Nẵng. Đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, hai bên cạnh của cột mốc là hai cây bàng vuông được đồng đội mang về từ đảo Trường Sa Đông (Bàng vuông là loài cây đặc thù của Quần đảo Trường Sa). Kinh phí thời điểm xây mô hình cột mốc là 200 triệu trồng.

Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông, nằm hiên ngang và kiêu hãnh giữa không gian thanh bình của Thành phố biển, cạnh Danh thắng Ngũ Hành Sơn giữa cơ sở tượng đá Non Nước, với hàng ngàn sản phẩm đá mỹ nghệ, được sáng tạo nên từ những khối đá vô tri, bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh “thổi hồn” vào tác phẩm.

Từ khi cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông dựng lên, nơi đây đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân Thành phố, cũng như khách du lịch trong và ngoài nước, trở thành cột mốc chủ quyền tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bây giờ cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông nằm bên Danh thắng Ngũ Hành Sơn, tại ngã ba tuyến đường Huyền Trân Công Chúa – Trường Sa, như một điểm đến đầy tự hào của mỗi người dân Đà Nẵng cũng như du khách qua đây. Hằng ngày có hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước khi đến vãn cảnh, du lịch, tham quan khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn đều ghé thăm cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Xuất Ánh, để chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền.

Nhiều học sinh, sinh viên Tp Đà Nẵng và các tỉnh, thành trong cả nước chưa có dịp ra đảo để chạm tay vào cột mốc Trường Sa, nay đã có những chuyến dã ngoại, tham quan mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông trên đất liền, để hiểu thêm về lịch sử dân tộc với niềm tự hào về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam và được chạm tay vào mô hình cột mốc, trở thành một nơi giáo dục về truyền thống lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nghĩa tình người lính đảo

Không những xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông ngay trong khuôn viên nhà mình, mà anh còn đau đáu với nỗi niềm nhớ mong về những người đồng đội, từng kề vai sát cánh bảo vệ chủ quyền biển đảo với mình trong những năm ở Trường Sa. Mỗi lần đứng trước biển, thời tuổi trẻ của anh như hiện ra trước mắt, anh nhớ đồng đội từng giọng nói, tiếng cười, cá tính của mỗi người. Vì cuộc sống mưu sinh, anh và đồng đội không thể giữ liên lạc với nhau, biết được ai còn, ai mất.

Suy nghĩ vậy, anh quyết tâm đi tìm đồng đội. Hành trình đi tìm đồng đội của anh bắt đầu năm 2005, từ trong ký ức anh lần lượt tìm được 22 đồng đội, bằng những chuyến đi xuyên Việt, gặp lại nhau họ ôm chầm lấy mà giàn giụa nước mắt.

Đó là niềm hạnh phúc vô bờ, bù đắp lại những tháng ngày xa cách. Rồi 8 đồng đội còn lại anh đã tìm đủ. Như vậy 31 chiến sĩ Trường Sa ngày ấy, hiện đang sinh sống tại 8 tỉnh, thành trong cả nước và cuộc hội ngộ lần đầu tiên vào ngày 16/2/2012, sau bao năm xa cách được tổ chức tại Tp Đà Nẵng, dưới chân mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông trong nỗi xúc động vỡ òa, tràn ngập niềm vui lẫn nước mắt hạnh phúc ngày gặp mặt. Vậy ngày 16/2 hằng năm, là ngày gặp mặt truyền thống của 31 chiến sĩ bảo vệ cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông (thời 1984 – 1987).

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến mô hình cột mốc chủ quyền và các đồng đội, anh Trần Văn Xuất phấn khởi bộc bạch: “Tâm huyết nhiều năm của tôi là phải xây dựng cho bằng được mô hình cột mốc chủ quyền ngay trong khuôn viên nhà mình để “khuây khỏa nỗi nhớ Trường Sa”. Đặc biệt vào ngày 23/6/2016, công trình của CCB Trần Đăng Xuất được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh và trao bằng xác lập kỷ lục: “Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương trên đất liền lớn nhất”.Đây là niềm vui và niềm hạnh phúc nhất của một cựu binh như tôi được nhân đôi.

Bên cạnh đó, tôi cũng đã tìm đủ các đồng đội, lúc đó là chiến sĩ bảo vệ cột mốc đảo Trường Sa Đông thời kỳ 1984 – 1987. Cứ mỗi lần nghe ca sĩ Thanh Thúy cất lên bài hát Gần lắm Trường Sa, trong lòng tôi lại dâng trào một tình yêu biển đảo đến cồn cào, tha thiết. Trường Sa gần lắm trong tôi …”.

“Tuy chưa một lần ra đảo để chạm tay vào cột mốc chủ quyền, nhưng tôi đã nhiều lần đến thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp tham quan, du lịch và ghé vãn cảnh Danh thắng Ngũ Hành Sơn, được đứng hàng giờ chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm bên mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông, đấy là niềm vinh dự, tự hào đến với tôi. Xem như tôi đã ra thăm đảo và chạm tay vào cột mốc chủ quyền, tình yêu biển đảo của Tổ quốc luôn trỗi dậy trong tôi và mọi người dân Viêt Nam…” - đó là lời chia sẻ với một tình yêu biển đảo tha thiết của chị Lê Thị Hoài Anh, khách du lịch đến từ thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ