Nhiều cách trị bệnh đã từng xuất hiện và biến mất trong lịch sử, chỉ đơn giản là vì chúng chưa được nghiên cứu đầy đủ trước khi áp dụng và việc sử dụng được thấy là có hại nhiều hơn có lợi. Tuy nhiên, khi những nghiên cứu thích đáng được tiến hành, thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng một số trong rất nhiều những phương pháp này lại hoàn toàn có thể có chỗ đứng trong y học hiện đại.
Phẫu thuật thùy não
Phẫu thuật thùy não (lobotomy), còn gọi là phẫu thuật chất trắng não, là một thủ thuật được phát triển trong những năm 1930 nhằm điều trị bệnh tâm thần nặng. Trong những ca mổ đầu tiên, người ta khoan những lỗ nhỏ vào hộp sọ và bơm ethanol vào nhằm tách rời vùng thùy trán của não (là vùng não kiểm soát các chức năng điều hành, như tính cách, động cơ và sự chú ý) với các vùng khác.
Sốc điện - Liệu pháp điều trị bệnh tâm thần.
Cho dù không có các thử nghiệm y khoa, song cơ chế của thủ thuật này tiếp tục được phát triển, và vào giữa những năm 1940, phẫu thuật thùy não đã trở thành thủ thuật thường qui tại các phòng mạch. Các bác sĩ sẽ xuyên một mũi dùi vào não bệnh nhân qua định hốc mắt. Gần 40.000 người Mỹ đã được “điều trị” bằng cách này, một số đáng kể trong đó bị tai biến và tử vong.
Do tính chất thô bạo của thủ thuật và thiếu bằng chứng rõ ràng về hiệu quả, cuối cùng nhiều nước đã cấm thực hiện thủ thuật này.
Với sự phát triển trong việc định khu nhờ những xét nghiệm hình ảnh độ phân giải cao (như chụp MRI) và các nghiên cứu về sóng não, giờ đây nhiều nhóm bác sĩ ngoại và nội thần kinh có thể nhắm đến và cắt bỏ những vùng nhỏ của não để cải thiện đáng kể việc kiểm soát cơn động kinh với rất ít tổn thương thứ phát.
Những kết quả hứa hẹn này đã dẫn tới sự trỗi dậy của thủ thuật giống phẫu thuật thùy não. Từ năm 1990 - 2008, đã có gần 6.500 ca mổ cắt thùy não và cắt thùy não một phần được tiến hành ở Mỹ. Ở bệnh nhân động kinh, cơn co giật được kiểm soát ở 75% số bệnh nhân điều trị phẫu thuật và thuốc, so với 0% bệnh nhân chỉ điều trị bằng thuốc.
Liệu pháp sốc điện
Còn có tên gọi là liệu pháp giật điện (electroconvulsive therapy, hay ECT), liệu pháp sốc điện được phát triển như một cách điều trị các bệnh tâm thần vào những năm 1930. Nó được thấy là rất hiệu quả trong việc cải thiện các bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm nặng. Ở thời kỳ cực thịnh những năm 1940 và 1950, ước tính 1/3 số bệnh nhân nhập viện do các rối loạn khí sắc (như lưỡng cực, trầm cảm, lo âu) đã được điều trị bằng cách này.
Không may là cách chữa bệnh này cũng đi kèm với những rối nhiễu trí nhớ đáng kể và lú lẫn, và trước khi các thuốc gây mê được sử dụng, sốc điện cũng được thấy là gây ra những tổn thương cho cơ thể, bao gồm gãy xương và trật khớp. Cải tiến về kỹ thuật và việc sử dụng thuốc gây mê đã ngăn ngừa được những cử động kiểu co giật, giúp giảm bớt những vấn đề này.
Tuy nhiên, bất chấp những cải tiến đó, cảm nhận của cộng đồng về ECT vẫn rất tiêu cực. Trong tiểu thuyết và phim ảnh, như Bay trên tổ chim cúc cu, sốc điện đã được sử dụng như một không cụ để khủng bố và kiểm soát bệnh nhân trong bệnh viện. Những cảm nhận thiếu tích cực này, cùng với việc các thuốc chống trầm cảm được sử dụng ngày càng nhiều từ những năm 1950 trở đi, đã khiến ETC không còn được “sủng ái” nữa.
Tuy nhiên, trong khoảng 20 năm trở lại đây, ECT đã “tái xuất giang hồ” nhờ hiệu quả của nó ở bệnh nhân bị trầm cảm nặng không đáp ứng với thuốc đơn thuần. Ước tính mỗi năm có gần 100.000 người Mỹ được điều trị ECT, và đây hiện được xem là điều trị chuẩn cho trầm cảm nặng.
Đỉa và trích máu
Trong hàng ngàn năm, trích máu được coi là một cách điều trị để cân bằng dịch thể. Đây được cho là một trong những cách chữa bệnh phổ biến nhất từ thời cổ đại đến cuối thế kỷ 19. Ca điều trị đầu tiên được ghi nhận là từ thời Ai Cập cổ đại khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Ở Hy Lạp thời Hippocrates, khi thay đổi về ăn uống, tập luyện, xông hơi và gây nôn tỏ ra không hiệu quả, cơ thể thường sẽ được “cân bằng lại” thông qua trích máu.
Theo thời gian, đã có nhiều phương pháp trích máu khác nhau được sử dụng, thường bao gồm dùng dao nhỏ cắt lên da hoặc chọc vào ven. Dùng đỉa để trích máu được áp dụng lần đầu tiên vào năm 800 trước Công nguyên và rất phổ biến vào đầu thể kỷ 19. Ở Pháp, vào những năm 1830, mỗi năm có 35 triệu con đỉa được sử dụng.
Trích máu mất dần vị trí của mình như một cách trị bách bệnh khi các nghiên cứu cho thấy nó rất ít có tác động tích cực đối với phần lớn bệnh. Hiện nay, trích máu vẫn chỉ được sử dụng trong điều trị các bệnh mà cơ thể sản sinh quá nhiều hồng cầu (bệnh đa hồng cầu) hoặc khi có rối loạn chức năng chuyển hóa sắt (sắt là thành phần chính của hemoglobin, cho phép tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy).
Việc sử dụng đỉa cũng gia tăng trong vài thập kỷ gần đây sau khi người ta phát hiện ra rằng nước bọt của đỉa chứa nhiều enzym có tác dụng chữa bệnh. Trong vi phẫu và cấy ghép mô, đỉa giúp làm giảm ứ huyết và giúp tuần hoàn được tốt hơn.
Thêm vào đó, các chất chống viêm và gây tê cũng rất hữu ích trong điều trị viêm khớp. Từ năm 1817 và gần đây là năm 2014, đã có nhiều phát kiến được đưa ra nhằm thay thế đỉa bằng các thiết bị hút máu cơ học. Tuy nhiên, không có nỗ lực nào trong số này tỏ ra có hiệu quả như đỉa. Và con vật “đáng sợ” này vẫn tiếp tục được sử dụng trong y học cho đến ngày hôm nay.
BS. Cẩm Tú