Đối với những người làm việc trong các cao ốc văn phòng, sinh sống tại các căn hô chung cư, việc di chuyển các tầng nhà sử dụng thang máy chắc chắn không tránh khỏi sẽ phải đối mặt với một vài sự cố không thể lường trước được.
Có lẽ cơn ác mộng tồi tệ nhất với hầu hết mọi người khi di chuyển bằng thang máy giữa các tầng đó là bị kẹt lại trong thang máy.
Nếu vướng vào trường hợp này, bạn cần lưu ý – NÊN và KHÔNG NÊN làm những điều này phòng bất trắc xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng
NÊN
1. Giữ bình tĩnh
Trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, điều đầu tiên là bạn cần phải bình tĩnh. Bởi việc hoảng loạn càng khiến cho bạn rối trí, dễ gây họa nhiều hơn. Nếu trong thang máy có người đi cùng, bạn hãy trấn an tinh thần họ vì đám đông hoảng loạn sẽ khiến tình thế nguy hiểm hơn.
Bạn cũng nên dựa lưng vào tường, gần bảng điều khiển, nắm chắc tay vịn, hơi khuỵu gối đề phòng thang trôi tự do rồi đột ngột dừng lại. Bạn chỉ bỏ tư thế này khi thang đã đứng yên và phải quay lại tư thế này ngay khi cảm thấy thang không ổn định hoặc đang trôi.
2. Tìm nguồn sáng
Khi thang máy đột nhiên hỏng, không gian bên trong thường khá tối. Bạn nên tìm một nguồn sáng, có thể từ đèn pin điện thoại hay từ bất cứ khe hở nào có ánh sáng mà bạn may mắn thấy được.
Nếu không, hãy đứng yên khoảng vài phút để mắt làm quen với bóng tối. Bạn không nên sử dụng bật lửa vì nó không chỉ gây nguy hiểm mà còn “đốt” 1 lượng oxy của bạn trong thang máy.
3. Gọi người giúp đỡ
Khi có dấu hiệu thang dừng, bạn nên tìm cách liên lạc với người bên ngoài càng nhanh càng tốt như gọi điện thoại, bấm nút khẩn cấp (hình chiếc chuông) để liên lạc, thông báo với nhân viên cứu hộ.
Ngoài, ra, bạn có thể gõ vào cửa thang bằng chùm chìa khóa, gót giày, không nên giậm chân hay nắm tay nện vào cửa vì một số thang yếu dễ tròng trành làm ta mất bình tĩnh.
4. Bấm nút đóng/mở cửa
Khi thang máy đột ngột dừng lại, chúng ta không nhất thiết phải bấm loạn xạ các nút đến các tầng khác để xem nó có di chuyển tiếp hay không. Thay vào đó, hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thang máy vẫn không có phản ứng thì hãy kêu cứu ngay lúc đó hoặc ấn chuông gọi.
Trường hợp thang máy chạy “vượt tốc”, bạn nên nhanh chóng nhấn tất cả các nút trên bảng điều khiển. Việc làm này nhằm kích hoạt bộ cung cấp điện khẩn cấp, giúp thang máy không bị rơi thêm.
KHÔNG NÊN
1. Không nên tự cạy cửa
Theo phản xạ tự nhiên, khi bị kẹt trong thang máy – một số người sẽ dùng vật nhọn để cạy cửa. Nhưng bạn cần nhớ rằng cách này thường rất khó để tự mở được cửa thang máy. Bạn càng cố gắng bạn sẽ càng dễ mất sức và hoảng loạn hơn mà thôi.
2. Không nên mở nóc cabin
Bạn không nên liều lĩnh tự tìm lối thoát bằng cách mở nóc cabin. Vì thực tế bên trên nóc cabin không có lối thông ra ngoài, nó chứa hệ thống điều khiển của thang máy nên rất dễ khiến bạn gặp nguy hiểm vì điện giật. Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp kẹt thang máy, ở trong cabin là an toàn nhất.
3. Không nên tự ý trèo ra ngoài khi thấy cửa hơi hé mở
Nếu cửa thang máy chỉ mở một khoảng nhỏ, bạn cũng không nên trèo ra ngoài vì nếu thang máy đột ngột hoạt động trở lại, bạn sẽ có nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và sàn nhà. Gần đây đã có vụ thanh niên bị kẹp cổ vì cố thoát ra khi đang máy có sự cố.
Nếu như thang máy rơi tự do, bạn phải nhanh chóng nằm xuống sao cho cơ thể song song với sàn nhà, ở vị trí chính giữa của thang máy là tốt nhất. Việc làm này có tác dụng phân bố lại trọng lực, lực rơi đều trên toàn bộ cơ thể của bạn, sẽ giảm được tình trạng thương tích cho bạn. Ngoài ra, một tay bạn nên dùng để gối đầu giúp đầu không bị thương, tay còn lại hãy dùng để che chắn mặt.
Cuối cùng chúng ta hãy luôn nhớ thang máy dù vô cùng hiện đại nhưng nó cũng chỉ là một thiết bị điện tử, nên không có gì đảm bảo là nó sẽ hoạt động liên tục, không bao giờ hỏng hóc đột ngột, hoặc nguồn điện có thể bị cắt đột ngột bất cứ lúc nào. Luôn luôn giữ bình tĩnh và trang bị những kĩ năng xử lí tình huống khi thang máy gặp trục trặc là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp chúng ta tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.