Những bước đà cho GD&ĐT phát triển toàn diện

GD&TĐ - Năm học 2016 - 2017, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được kết quả nổi bật. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được Bộ GD&ĐT đề cập trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2017 - 2018, được công bố tại Hội nghị các Giám đốc Sở GD&ĐT, diễn ra ở Đà Nẵng trong 2 ngày 14 - 15/7.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tới thăm mô hình Trường Quốc tế Học viện Anh quốc do Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tới thăm mô hình Trường Quốc tế Học viện Anh quốc do Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Những kết quả tích cực

Nhận xét chung cho thấy, kết quả nổi bật của năm học vừa qua mà toàn ngành đạt được là đã quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; công tác định hướng nghề nghiệp được tăng cường, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh; rà soát, đánh giá toàn diện việc triển khai dạy và học ngoại ngữ trong giai đoạn 2008 - 2016, điều chỉnh, bổ sung dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo để phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.

Năm học vừa qua cũng là giai đoạn Bộ GD&ĐT tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh; việc ứng dụng CNTT được đẩy mạnh, triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm, học trực tuyến qua mạng; tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở GD-ĐT.

Số trường ĐH được thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP được nâng lên 21 trường và được tự chủ toàn diện hơn trong các hoạt động; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh thông qua việc ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về GD-ĐT và tiếp nhận công nghệ mới về dạy học, quản lý vào nhà trường; cơ sở vật chất của nhiều trường được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; các phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn đã giảm; số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia được tăng lên.

Nâng cao chất lượng GD ĐH qua việc ban hành các văn bản quy định chặt chẽ hơn và hội nhập quốc tế; công tác đào tạo sau ĐH được tăng cường chấn chỉnh.

Công tác quản lý Nhà nước về GD-ĐT cũng không ngừng được tăng cường, thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; công tác cải cách hành chính từng bước được đẩy mạnh, giảm tải các thủ tục hành chính không cần thiết; từng bước điều chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quản lý và triển khai hiệu quả hơn. Công tác khảo thí được triển khai thực hiện theo hướng bảo đảm khách quan, trung thực; công tác kiểm định chất lượng giáo dục chú trọng. Công tác thông tin, truyền thông được đổi mới và hiệu quả hơn, mạng lưới truyền thông đã được thiết lập từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đào tạo để kịp thời cung cấp thông tin và định hướng dư luận.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của năm học vừa qua là cả nước đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng; mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai có hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá HS phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; rà soát, giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực cho giáo viên và HS.

Bộ cũng đã hoàn thành dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các điều kiện đổi mới giáo dục phổ thông. Giáo dục thường xuyên đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, tăng cường thu hút người học tham gia các chương trình học tập. GD ĐH từng bước được siết chặt theo hướng quản lý chất lượng, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thẳng thắn nhìn vào hạn chế để phát triển

Có thể thấy rằng một trong những bất cập đầu tiên là việc thực hiện quy hoạch còn chưa phù hợp; thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Phương thức dạy nghề trong các trường phổ thông còn nặng về kiến thức lý thuyết, việc phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa hiệu quả.

Số học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm còn thấp; nhiều giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu; nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục chưa sự hiệu quả.

Cơ chế, chính sách về tự chủ chưa đồng bộ; công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường.

Việc tiếp cận công nghệ, mô hình giáo dục nước ngoài, các chương trình học bổng nói chung ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn rất ít. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việc ban hành văn bản còn chậm, chưa đồng bộ; công tác xử lý vi phạm sau thanh tra ở một số đơn vị chưa nghiêm. Công tác truyền thông chưa chủ động, việc xử lý thông tin có lúc chưa kịp thời.

Cùng với đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đồng đều; năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở một bộ phận giáo viên còn hạn chế; tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp ở một số địa phương còn thấp.

Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra; việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu.

Việc quản lý tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học của một số địa phương còn hạn chế; việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thực hiện chưa nghiêm túc. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng SV tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều...

Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, dẫn đến những tồn tại hạn chế trong ngành GD&ĐT thời gian qua. Tuy nhiên, cũng như đối với những kết quả đạt được, các bất cập hạn chế chính là những bài học kinh nghiệm bổ ích để Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai tốt hơn yêu cầu phát triển GD&ĐT, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, không chỉ trong năm học 2017 - 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ