Những bước chân vui đến trường

GD&TĐ - Từ vùng sâu đến hải đảo xa xôi, lớp lớp đàn em háo hức mong ngày hội khai trường. Những quyển sách còn thơm mùi mực được thầy cô giáo bao bọc cẩn thận, đợi lúc chuyển tới tận tay học trò. Tất cả đã sẵn sàng cho chào đón những bước chân vui đến trường.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) chuẩn bị sách cho học sinh trước năm học mới. Ảnh: Ánh Ngọc
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) chuẩn bị sách cho học sinh trước năm học mới. Ảnh: Ánh Ngọc

Xanh lại những chồi non

Sau khi làm giỗ đầu cho mẹ, Lưu Hữu Nghị (17 tuổi) cùng em gái (15 tuổi) trở lại Đà Nẵng. Bố mất sau một cơn tai biến, mẹ mất vì Covid-19, không còn sự bảo bọc của người thân, Nghị nghỉ học giữa chừng, đi làm thuê để lấy tiền nuôi em gái tiếp tục hoàn thành chương trình lớp 9.

Mỗi tháng, Nghị kiếm được khoảng 4 triệu đồng từ công việc bưng bê ở quán trà sữa, nhân viên trông coi tiệm sách. Nghị cũng từng có ý định quay trở lại trường khi vô tình gặp lại bạn cũ tung tăng cặp sách đến trường. “Nếu em đi học nữa thì không ai lo cho cả hai. Em muốn em gái được đi học”, Nghị trải lòng.

Nghị từng từ chối khi anh Hoàng Quốc Quyền – Giám đốc Dự án Hope School tìm đến nhà thuyết phục để đưa 2 anh em ra Đà Nẵng, gia nhập mái nhà chung của trẻ em mồ côi vì Covid-19. Dù vẫn khát khao được tiếp tục cắp sách đến trường nhưng em không muốn rời nhà vì còn lo hương khói cho bố mẹ.

Anh Quyền trở lại ngôi nhà của Nghị nhiều lần sau đó, thuyết phục người thân để 2 anh em Nghị có một mái ấm mới, không bị đứt đoạn đường học, không phải lăn lóc mưu sinh quá sớm. Cuối tháng 8/2022, Nghị và em gái đồng ý ra Đà Nẵng học tập sau khi gửi tro cốt của mẹ cho người thân lo hương khói. Anh em Nghị cùng học lớp 10, theo học chính khóa tại Hệ thống Trường Liên cấp FPT tại Đà Nẵng, tham gia chương trình đào tạo phát triển năng khiếu, phát triển cá nhân…

Tại trường, các em được chia nhóm gồm 12 người và việc quản lý được giao cho từng giáo viên. Sự phân chia này giúp các em quản lý, bảo ban nhau dễ hơn. Mỗi buổi sáng các em sẽ dậy lúc 5 giờ 30 phút, tập thể dục và vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho một ngày mới. Thành viên nhỏ nhất học lớp 1 cũng sinh hoạt theo nếp này như các anh chị lớn tuổi. Tan học, các em sinh hoạt thể thao, chăm sóc vườn rau. Mỗi tối, các em được sử dụng điện thoại để gọi điện cho gia đình, người thân.

Ngày 16/9/2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19. Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng được thành lập, đặt tại TP Đà Nẵng với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em. Sau gần một năm, trường trở thành nơi sinh sống, học tập của 200 học sinh đến từ 41 tỉnh, thành khắp cả nước. Những mầm xanh sẽ được tiếp thêm mạch nguồn của hy vọng, yêu thương và tri thức, để vững bước vào đời.

Học sinh Trường Hy Vọng cùng tham gia chăm sóc vườn rau quanh khu vực nội trú sau giờ học.

Học sinh Trường Hy Vọng cùng tham gia chăm sóc vườn rau quanh khu vực nội trú sau giờ học.

Khi trang sách mở ra…

Ngoài công tác vệ sinh khu vực nội trú cho học sinh, những ngày này, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) còn tranh thủ bao bọc sách vở, phân loại, đóng lại những quyển sách đã bong gáy… rồi chia theo sĩ số từng khối lớp. Số sách giáo khoa này sẽ được chuyển cho học sinh mượn để sử dụng trong cả năm học.

Thầy Nguyễn Minh Anh – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Từ nguồn kinh phí của nhà trường, học sinh lớp 3 và lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được trang bị sách giáo khoa mới. Riêng học sinh các khối lớp còn lại được mượn sách giáo khoa từ thư viện để học. Thường sau khi bế giảng, học sinh sẽ trả sách giáo khoa cho thư viện thông qua giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường sẽ thống kê để bổ sung số sách bị thất thoát, hư hỏng, rách quá nhiều”.

Học sinh ở huyện đảo Lý Sơn cũng không gặp nhiều khó khăn khi mua sách giáo khoa. Theo thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Long, nhà trường làm sớm công tác sắp xếp lớp theo môn học tự chọn để học sinh chủ động mua sách giáo khoa đúng – đủ nhu cầu học tập. Các đầu sách được công khai trên website và hệ thống bảng tin, nhóm Zalo… để học sinh và phụ huynh thuận tiện trong mua sắm.

Tin vui nhất cho giáo viên huyện đảo Lý Sơn vào đầu năm học 2022 - 2023 là sau thời gian gián đoạn, họ được hưởng một số cơ chế, chính sách như các xã đặc biệt khó khăn. Những chính sách này, hai năm qua, giáo viên dạy học ở huyện đảo không được hưởng do Lý Sơn đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.

“Lý Sơn là địa bàn có nhiều cách trở, xa xôi với đất liền, thiên nhiên khắc nghiệt, các điều kiện sinh hoạt khó hơn. Vì vậy, việc được xét duyệt hỗ trợ trở lại đối với giáo viên, học sinh ở Lý Sơn là hợp tình, giúp giảm bớt khó khăn, là nguồn động viên để việc dạy học tốt hơn”, thầy Huỳnh Văn Long chia sẻ.

Lễ khai giảng Trường THPT Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) năm học 2022 - 2023 có thêm phần vinh danh học sinh có thành tích cao trong học tập năm trước, trao học bổng và xe đạp nâng bước học sinh nghèo đến trường từ nguồn hỗ trợ của cựu học sinh. Thầy Huỳnh Văn Long - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Hằng năm, nhà trường đều tổ chức các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ học sinh trong lễ khai giảng để tạo thêm tâm thế cho các em đến trường. Thông qua việc làm này, giáo viên theo sát điều kiện hoàn cảnh của học sinh mình để kịp thời giúp đỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.