Trường là nhà
Thầy giáo Ngô Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Mầm non Bạch Long Vĩ cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn trường có 46 học sinh theo học tiểu học và mầm non. Trong đó, học sinh mầm non là 26 cháu và 20 em học sinh tiểu học.
Theo thầy Minh, do cơ sở vật chất hạn chế, phần lớn, học sinh ngoài đảo chỉ học hết lớp 3 là được bố mẹ gửi vào đất liền để có điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà trường lớp không được đầu tư, thầy cô giảm sút lòng yêu nghề, mến trẻ. Chất lượng dạy học do vậy vẫn bảo đảm, sĩ số lớp học luôn được duy trì.
Hiện Trường Tiểu học - Mầm non Bạch Long Vĩ có 8 giáo viên trong đó có một cán bộ quản lý (thầy Ngô Quang Minh - Hiệu trưởng) đảm nhiệm việc dạy cả hai bậc học cũng như chăm lo cho học sinh. “Tuy điều kiện ngoài đảo xa xôi, vất vả hơn so với các đồng nghiệp trong đất liền nhưng các thầy cô giáo của trường luôn kiên định và nguyện gắn bó với trường, với sự nghiệp mình đã chọn”, thầy Minh nhận định.
Trong số các thầy cô giáo của nhà trường phải kể đến các cô: Lưu Thị Thoa, Phạm Thị Ngoan, Vũ Thị Hà, thầy Bùi Hữu Bí. Trong đó cô giáo Vũ Thị Hà (sinh năm 1969), đã có 23 năm công tác ngoài đảo. Mặc dù, chồng và con đều ở trong đất liền nhưng với tình yêu nghề, cô đã nguyện gắn bó với ngôi trường huyện đảo xa xôi, coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình, người thân là đồng nghiệp, học trò và người dân trên đảo.
Cô Hà ân cần dặn dò học trò trước giờ tan học. Ảnh:T.G |
Cô là mẹ
Đến Bạch Long Vĩ trong một ngày chớm đông, tôi tìm đến “Ngôi trường nằm bên bờ biển xanh” mang tên Trường Tiểu học - Mầm non Bạch Long Vĩ.
Ngay khi bước vào sân trường đã nghe tiếng hát về ngôi trường Bạch Long Vĩ vang lên rộn ràng. Đó là lớp học của cô Vũ Thị Hà, vẻn vẹn có 5 học sinh. Cô Hà chia sẻ: Một số trò bị ốm, có em xin nghỉ vào đất liền với bố mẹ chưa ra nên lớp học không được đông vui như mọi ngày.
Trường Tiểu học - Mầm non Bạch Long Vĩ có 20 học sinh tiểu học, không đủ để phân lớp nên các em được học ghép. Cô Hà được nhà trường phân công dạy tiểu học. Không chỉ dạy văn hóa cô Hà còn kiêm dạy học sinh các môn phụ như Mỹ thuật, hát nhạc, kỹ năng sống…
Gắn bó với đảo 23 năm, nhiều thế hệ học trò của cô Hà đã trưởng thành. Có nhiều em quay về đảo công tác, xây dựng gia đình, sinh con. Và đến bây giờ, cũng chính tay cô lại dạy dỗ con của học trò mình trước kia.
Nhìn em Vũ Hồng Nhung, Đinh Huyền Vũ, Nguyễn Việt Anh… nắn nót từng dòng chữ, cô Hà vui vẻ nói: Trường học ít trò nhưng mỗi em một hoàn cảnh, đa phần các em là con ngư dân, bố mẹ lênh đênh trên biển ít có thời gian chăm lo cho con cái. Biết trò thiệt thòi nên giáo viên ở đây ai cũng thương yêu, dạy dỗ đủ điều. Sau mỗi buổi học, chúng tôi không quên dặn các con 10 việc về nhà cần làm giúp bố mẹ. Nên em nào cũng chăm ngoan, chịu khó và rất lễ phép.
Tại lớp học mầm non, số học sinh đông đủ hơn. “Nhà” có khách, mẹ Thoa, mẹ Ngoan cho các con tạm nghỉ để đón tiếp. Lũ trẻ thấy máy ảnh liền hào hứng chạy xung quanh lớp, tìm vị trí đẹp nhất để tạo dáng chụp ảnh. Những ánh mắt ngây thơ, nụ cười trong trẻo của trẻ khiến khuôn viên lớp học rộn vang.
Theo chồng ra đảo nên cô Lưu Thị Thoa gắn bó luôn với mảnh đất đầu sóng ngọn gió này. “Ban đầu ra đây thiếu thốn đủ thứ. Nhưng hơn chục năm sống và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tôi thêm yêu và thương bọn trẻ vô cùng”, cô Thoa tâm sự.